James Gorrie: ‘Buôn bán với ma quỷ’

Hương Thảo

Thiên An Môn (ảnh chụp màn hình video youtu.be/oudc3X60Ir4).

James Gorrie đã viết một bài phân tích có tựa đề “Buôn bán với ma quỷ” trên The Epoch Times ngày 18/5, nói lên việc phương Tây đã nhận ra bộ mặt thật của Bắc Kinh như thế nào. Sau đây là toàn văn bài phân tích.

Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thường không quen với việc bị đẩy ra ngoài cuộc chơi. Nhưng Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump biết cách, và khi đặt quyết tâm của mình vào đó, ông đã làm điều này rất tốt. Chỉ trong khoảng hơn một năm, từ 2018 đến 2019, ông đã xé bỏ tất cả các thỏa thuận thương mại thật bất công, những thỏa thuận mà nhờ đó Trung Quốc đã tạo dựng sự giàu có dựa trên những phí tổn của các nhà sản xuất Mỹ trong 40 năm qua.

Do đó, không ai ngạc nhiên về phản ứng của Bắc Kinh đối với cuộc chiến tranh thương mại gay gắt và chính sách thuế quan cứng rắn của Hoa Kỳ. Phần lớn phản ứng ban đầu của Trung Quốc là sử dụng các biện pháp trả đũa đối với các sản phẩm của Hoa Kỳ, như hủy bỏ việc mua đậu nành của Hoa Kỳ và các sản phẩm nông nghiệp khác.

Bắc Kinh đứng sau các tiểu bang đỏ của Hoa Kỳ

Không phải ngẫu nhiên, Trung Quốc cũng đã trừng phạt các tiểu bang ủng hộ Tổng thống Trump trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016. Đó là sự ma mãnh của Bắc Kinh, nhưng nó không thể thay đổi được gì. Tổng thống Trump vẫn tiếp tục cản trở nền kinh tế Trung Quốc với hàng rào thuế quan của mình, khiến nó tiếp tục suy giảm. Ngay cả bây giờ, vào giữa mùa bầu cử Mỹ 2020, việc Trung Quốc nhắm mục tiêu trả đũa vào các bang ủng hộ Tổng thống Trump, được thiết kế để làm xói mòn sự ủng hộ đối với người đàn ông, mà nó không thể chịu đựng việc ông ta làm Tổng thống Hoa Kỳ, dù không thể thay đổi được cục diện.

Trong khi đó, các nhà lập pháp Hoa Kỳ đang cố gắng tước quyền miễn trừ pháp lý của Trung Quốc, và điều này sẽ cho phép công dân Hoa Kỳ kiện chính quyền Trung Quốc bồi thường thiệt hại từ đại dịch COVID-19.

Chiến lược ranh mãnh hơn

Đồng thời, chiến lược toàn cầu của Trung Quốc đã ranh mãnh hơn một chút. Ý tưởng là cô lập Hoa Kỳ khỏi các đồng minh của mình, đặc biệt là những nước phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc về thương mại. Suy nghĩ của Bắc Kinh đối với hầu hết các quốc gia, là lợi dụng mối quan hệ thương mại béo bở của họ với Trung Quốc làm lá bài để xói mòn các liên minh của Hoa Kỳ về chính trị, văn hóa và thậm chí là quân sự.

Và trong một thời gian, điều đó đã có tác dụng; ít nhất là trong một số trường hợp. Cho đến gần đây, Úc là một ví dụ hoàn hảo về chính sách đó.

Úc đã liên minh chặt chẽ với Hoa Kỳ kể từ Thế chiến thứ nhất. Nhưng là một quốc gia khá đông dân, giàu tài nguyên thiên nhiên và gần hơn về địa lý, Úc dựa vào Trung Quốc như một thị trường chính cho hàng hóa của mình, bao gồm nhiều loại khoáng sản, than, khí đốt và quặng, cũng như lúa mạch và thịt bò. Nói tóm lại, Úc đã được hưởng lợi nhiều từ sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc.

Trên thực tế, ngày nay, xét về cả nhập khẩu và xuất khẩu, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Úc. Úc nhập khẩu khoảng 25% hàng hóa sản xuất từ ​​Trung Quốc, và xuất khẩu 13% sản lượng than sang Trung Quốc.

Nước Úc – một cơ hội hoàn hảo

Úc đã tạo ra một cơ hội tuyệt vời để Bắc Kinh có thể tăng cường và mở rộng các mối quan hệ kinh tế và văn hóa với một đồng minh thân cận của Hoa Kỳ.

Điều đó giải thích tại sao, vào cuối tháng 5/2019, cựu thủ tướng Úc Julia Gillard khẳng định rằng Úc sẽ không đứng về phía nào trong các tranh chấp thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Đó là một hành động trung lập khó khăn vào thời điểm đó. Úc không muốn gây trở ngại cho quan hệ thương mại với Trung Quốc.

Không phải là các chính phủ Úc kế tiếp nhau không nhận thức được các đại kế hoạch của Bắc Kinh muốn thống trị toàn cầu trong mọi lĩnh vực. Cũng không có gì bí mật rằng một phần trong tham vọng của Trung Quốc là muốn vượt trội về công nghệ, quân sự và văn hóa.

Suy nghĩ của Úc là: Liệu Úc có thể làm gì? Kiềm chế Bắc Kinh vượt ra ngoài khả năng của Canberra. Nếu như có ai đó đảm trách công việc như vậy, thì đó phải là Washington. Mãi cho đến gần đây, Canberra đã hành xử đúng như cách Bắc Kinh hy vọng. Nhưng sau đó, chính Bắc Kinh đã phá hoại chiến lược ranh mãnh nhất của nó.

Những ngày này, Úc đang tìm cách quản trị các rủi ro khi phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường như Trung Quốc, đặc biệt là rủi ro khi làm ăn với một chính quyền độc tài, sẵn sàng ngược đãi người dân và các đối tác thương mại của nó.

Ngày nay, giống như phần lớn thế giới, Úc giờ đã hiểu ra hai sự thật rất quan trọng về Trung Quốc mà họ không còn có thể bỏ qua.

Sai lầm của Bắc Kinh trong đại dịch

Trước đó, luật dẫn độ phi lý của Bắc Kinh và cuộc khủng hoảng Hồng Kông chỉ là bản dạo đầu cho thế giới nhìn thấy sự tráo trở của ĐCSTQ. Phần tiếp có lẽ mới là màn chính, việc đàn áp người báo động, che đậy dịch bệnh, là nguyên nhân gây ra sự bùng phát virus Vũ Hán với quy mô lớn trên toàn cầu, hành xử của ĐCSTQ thực sự đã phá vỡ mọi nguyên tắc. Đại dịch do ĐCSTQ tạo ra đã tàn phá các nền kinh tế thế giới và đập tan mọi ảo tưởng còn lại đối với Trung Quốc, dù là của nước Úc hay của nhiều đối tác thương mại khác.

Đối với nhiều quốc gia phương Tây, bao gồm cả Úc, chính các hành động của ĐCSTQ đã khiến họ không còn có thể giữ được lập trường trung lập trong cuộc chiến Mỹ – Trung. Thậm chí sẽ là phi đạo đức nếu họ vẫn giữ lập trường trung lập.

ĐCSTQ không chỉ tạo ra virus, mà còn dối trá về nguồn gốc và thời điểm bùng phát. Giới lãnh đạo ĐCSTQ đã bịt miệng các bác sĩ của nó, phủ nhận việc virus lây truyền từ người sang người và giữ kín thông tin khoa học quan trọng với phần còn lại của thế giới.

Trung Quốc là một quốc gia ngoài vòng pháp luật

Bằng tất cả những điều này, Bắc Kinh đã thể hiện rõ rằng nó hành động ngoài vòng pháp luật. Hầu hết các quốc gia hiện nay đều hiểu rằng, dưới sự lãnh đạo của ĐCSTQ, Trung Quốc đang hiện thực hóa những tham vọng chính trị của nó mà không đếm xỉa gì đến cuộc sống của nhân loại, không vì công dân của nó, cũng không vì sự thịnh vượng của phần còn lại của thế giới.

Với uy tín lớn của mình, Úc đã đưa ra lời kêu gọi điều tra về nguồn gốc virus và nguyên nhân gây ra đại dịch, mặc dù nó đã khiến họ phải trả giá đắt trong xuất khẩu sang Trung Quốc. Úc đã từng không dứt khoát đứng về bên nào trong trong cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung, thì bây giờ họ đã dứt khoát đứng về phía Hoa Kỳ.

Bắc Kinh thổi bay cơ hội lớn với Vương quốc Anh và thế giới

Nhưng Úc không phải là quốc gia duy nhất thức tỉnh trước mối đe dọa từ Trung Quốc. Với việc Tổng thống Trump gây sức ép yêu cầu Anh từ bỏ Huawei với tư cách là nhà cung cấp thiết bị mạng 5G, “mối quan hệ đặc biệt” giữa Hoa Kỳ và Vương quốc Anh đã trở nên “ít quyết định hơn” trong một vài năm qua. Trong nhiều tháng, Tổng thống Trump đã cảnh báo Vương quốc Anh sẽ có ít cơ hội thương mại hơn và hạ thấp mức độ hợp tác an ninh với Hoa Kỳ nếu Vương quốc Anh phê chuẩn Huawei tham gia cung cấp mạng 5G.

Thủ tướng mới của Anh, ông Boris Johnson, đã không muốn hợp tác với Hoa Kỳ về vấn đề rất nhạy cảm đó. Do đó, vấn đề của Huawei đã mang đến một cơ hội tuyệt vời cho Trung Quốc để chia rẽ liên minh Mỹ – Anh trong nhiều thế kỷ.

Tuy nhiên, quyết định ngu ngốc của Bắc Kinh khiến virus lây nhiễm toàn thế giới đã phá hủy mọi cơ hội cho phép Huawei trở thành một phần của bản nâng cấp 5G của Anh. Trên thực tế, Vương quốc Anh hiện đang xem xét lại mọi khía cạnh về cách họ nên cư xử với chế độ Trung Quốc.

Bất chấp chiến dịch tuyên truyền hoành tráng và biến Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Tedros Adhanom thành con rối của nó, Bắc kinh chỉ khiến hầu hết thế giới văn minh hiểu rằng Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về đại dịch.

ĐCSTQ đã gây ra một đại dịch, và sau đó cố gắng lợi dụng đại dịch để bước lên vị trí lãnh đạo toàn cầu đã chứng minh thực tế là, các chế độ độc tài không nhằm phục vụ lợi ích của loài người. Do vậy nó chỉ có rất ít hiểu biết về những gì thế giới dân chủ làm. Kết quả là, những kẻ độc tài vũ phu ở Bắc Kinh thiếu tầm nhìn và cách tiếp cận cần thiết để có thể hiểu được phản ứng của các quốc gia phương Tây đối với các tội ác nghiêm trọng nhất của ĐCSTQ chống lại loài người.

‘Các thỏa thuận thương mại của Faustian’ (Faustian: kẻ bán linh hồn cho quỷ sứ) mà nhiều quốc gia phương Tây đang thực hiện với Trung Quốc đang dần dần sụp đổ nhiều hơn mỗi ngày, khi mà đảng cộng sản Trung Quốc đã chỉ rõ cho phương Tây thấy, việc thực hiện một thỏa thuận với ma quỷ mang nghĩa lý gì.

Tác giả bài viết, James R. Gorrie là tác giả của cuốn sách “Cuộc khủng hoảng Trung Quốc” (NXB Wiley, 2013) và thường viết trên blog riêng của mình: “TheBananaRepublican.com”. Ông sống tại Nam California.

Theo The Epoch Times,
Hương Thảo dịch và biên tập

Related posts