Mỹ phản công Trung Quốc tại biển Đông

Sau khi Trung Quốc lợi dụng tình thế khủng hoảng do đại dịch COVID-19 để tiến thêm nhiều bước dài ở Biển Đông thì nay Hoa Kỳ đang tiến hành phản công bằng một biểu dương lực lượng đáp trả nhằm tái khẳng định các cam kết về an ninh hàng hải trong khu vực.

Quốc kỳ Mỹ trên một tàu chiến ở Biển Đông (Ảnh: Facebook)

Trong vài tuần gần đây, Hoa Kỳ đã đẩy mạnh các cuộc tập trận quân sự tại Biển Đông và các vùng nước liền kề, bao gồm các màn phô diễn ồ ạt của Không Quân, Hải Quân, kết hợp cùng tàu chiến và tàu ngầm.

Hồi cuối tháng Tư, Ngũ Giác Đài điều động ba tàu chiến là USS Bunker Hill, USS America và USS Barry tới Biển Đông trong một lần biểu dương lực lượng bất thường, theo các nhà phân tích chiến lược. Tham gia cùng các tàu chiến của Mỹ còn có một tàu khu trục của lực lượng Hải quân Hoàng gia Úc.

Trong vài tuần gần đây, Mỹ lại tiếp tục có các màn điều động vũ trang quy mô lớn tại khu vực, một phần của cái mà Ngũ Giác Đài nói là chiến lược linh hoạt và hợp nhất với mục tiêu không gì khác ngoài kiềm chế tham vọng bành trướng của Trung Quốc.

Hôm 15/5, tàu khu trục USS Rafael Peralta lướt qua khu vực chỉ cách bờ biển Thượng Hải 116 hải lý. Đây là con tàu thứ 2 của Mỹ xuất hiện ở khu vực Biển Hoàng Hải, phía Bắc Biển Đông, chỉ trong vòng một tháng. Đáng chú ý là các con tàu này đều mang theo hệ thống hỏa tiễn có khả năng tấn công và chống phi cơ.

Cũng trong tháng 5 này, lực lượng tàu ngầm thuộc Hạm đội Thái Bình Dương, Hải quân Hoa Kỳ, tuyên bố rằng tất cả các tàu ngầm tiền phương của họ đều đồng loạt tiến hành “các hoạt động ứng phó dự phòng” ở Tây Thái Bình Dương để hậu thuẫn chính sách “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở” của Ngũ Giác Đài.

Trung Quốc trong khoảng 2 tháng gần đây bị cáo buộc là gia tăng việc củng cố các đảo nhân tạo và “bắt nạt” các quốc gia khác trong khu vực giữa lúc phần lớn thế giới tập trung vào chống đại dịch.

National Interest dẫn lại một phóng sự của Honolulu Star-Advertiser cho hay ít nhất 7 tàu ngầm Mỹ, nhưng cũng có thể nhiều hơn, trong đó có 4 tàu ngầm tấn công đóng quân ở đảo Guam, tàu USS Alexandria đóng quân ở San Diego và các tàu đóng quân ở Hawaii, tham gia vào hoạt động biểu dương sức mạnh của hải quân Hoa Kỳ trong khu vực.

Thông thường, ít khi người ta nhìn thấy các tàu ngầm Mỹ. Vì vậy, khi Hải quân Hoa Kỳ quảng bá về sự hiện diện của lực lượng tàu ngầm, điều đó có nghĩa là Hải quân Hoa Kỳ có chủ ý đưa ra một thông điệp với đối phương.

Tàu ngầm được xem là một phần quan trọng trong việc duy trì cán cân sức mạnh ở khu vực Tây Thái Bình Dương, trong đó có Biển Hoa Đông và Biển Đông. Lực lượng tàu ngầm nguyên tử mang tên lửa đạn đạo là trọng tâm trong kho vũ khí hạt nhân của Mỹ.

“Hết lần này đến lần khác, lực lượng tàu ngầm của chúng tôi đã chứng minh sự sẵn sàng hoạt động mọi lúc, mọi nơi”, Tư lệnh, Chuẩn Đô đốc Hạm đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ Blake Converse nói, theo bản tin của National Interest.

Ông khẳng định: “Lực lượng tàu ngầm của Hạm đội Thái Bình Dương vẫn có sức mạnh tiêu diệt, đa năng và có thể sẵn sàng chiến đấu ngay tối nay”.

Lực lượng tàu ngầm Thái Bình Dương của Mỹ có năng lực tác chiến chống tàu ngầm, chống hạm, tấn công chính xác vào các mục tiêu trên mặt đất, hoạt động tình báo, do thám, trinh sát và cảnh báo sớm, cũng như có khả năng tác chiến đặc biệt và răn đe chiến lược trên toàn thế giới.

Hoạt động của chúng tôi là một minh chứng rằng chúng tôi sẵn sàng bảo vệ lợi ích và quyền tự do của chúng ta theo luật pháp quốc tế”, Chuẩn Đô đốc Blake Converse, chỉ huy lực lượng tàu ngầm Thái Bình Dương, đóng quân ở Trân Châu Cảng, nói trong một thông cáo hôm 8/5.

Fox News dẫn lời các quan chức Hải quân cho hay sức mạnh của Mỹ trong khu vực sẽ phục hồi mạnh hơn nữa khi hàng không mẫu hạm Theodore Roosevelt sẽ ra khơi trở lại vào cuối tuần này, trước ngày lễ Chiến sĩ Trận vong 25/5. Trước đó, dịch virus corona làm chiếc tàu sân bay này bị loại khỏi vòng chiến đấu trong gần hai tháng vì hơn 1.000 thủy thủ có kết quả xét nghiệm dương tính.

Cũng theo Fox News, kể từ khi tàu sân bay này phải quay về cảng, Trung Quốc dường như đã lợi dụng tình hình và tăng cường quấy rối quân đội Hoa Kỳ cũng như các đồng minh của Mỹ trong khu vực trong bối cảnh đại dịch toàn cầu.

Kể từ giữa tháng 3, cùng thời điểm tàu sân bay Mỹ phải trở về đảo Guam vì dịch bệnh, các máy bay chiến đấu của Trung Quốc đã quấy rối máy bay trinh sát Mỹ ít nhất 9 lần trên Biển Đông, ông Reed B. Werner, Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng chuyên trách Đông Nam Á, nói trong một cuộc phỏng vấn với Fox News.

Trong lần biểu dương sức mạnh này, Không lực Hoa Kỳ cũng không đứng ngoài cuộc. Không quân Mỹ gần đây tăng cường các chuyến bay bằng máy bay ném bom B-1B Lancer bên trên các vùng biển gần Trung Quốc.

Hôm 20/5, Không lực Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương đăng trên Twitter cho biết các máy bay ném bom B-1 đã thực hiện một phi vụ ở Biển Đông, chỉ vài ngày sau khi huấn luyện cùng Hải quân Hoa Kỳ gần Hawaii. Phi vụ này “thể hiện độ tin cậy của lực lượng không quân Hoa Kỳ để xử lý một môi trường an ninh đa dạng và bất định”.

Trước đó, Không quân Mỹ đã điều hai chiếc B-1B Lancer tiến hành chuyến bay hai chiều kéo dài 32 giờ ở bên trên Biển Đông vào ngày 29/4.

Lực lượng này luân phiên triển khai các máy bay ném bom B-1, B-2 và B-52, ba loại máy bay ném bom chiến lược của không quân, bên cạnh các máy bay quân sự khác bay qua vùng biển tranh chấp gần Trung Quốc.

Phó Đô đốc Bill Merz, tư lệnh Hạm đội 7 Hải quân Hoa Kỳ nói rằng các hoạt động gần đây của Mỹ là “chiến dịch duy trì hiện diện bình thường” nhằm mục đích “tái khẳng định rằng Mỹ sẽ tiếp tục bay và du hành tự do theo luật pháp quốc tế và chuẩn mức hàng hải, bất chấp các tuyên bố chủ quyền quá đáng hoặc mọi sự kiện hiện hành”.

Mỹ ủng hộ các nỗ lực của đồng minh và đối tác của chúng tôi trong việc theo đuổi lợi ích kinh tế hợp pháp của họ”, ông Merz nói thêm.

Thiếu tướng Hải quân Fred Kacher, tư lệnh Đội Tấn Công viễn chinh số 7 nhận định hôm 13/5: “Tính linh hoạt và khả năng ứng biến của các Tàu chiến ven biển (lớp Independence) được điều động tới Đông Nam Á là một con bài thay đổi cuộc chơi”.

Không có tín hiệu nào tốt hơn về sự ủng hộ của chúng tôi đối với một vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do cởi mở hơn là sự hiện diện tích cực và liên tục của hải quân Mỹ trong khu vực”.

Đức Trí (T/h)

Related posts