Chăn chiên và lãnh đạo – suy nghĩ thời Covid

Đinh Từ Thức

Từ 2013, sau khi lên ngôi, Giáo Hoàng Francis đã có những thay đổi đáng kể trong Giáo Triều Roma. Thay vì cư ngụ ở Điện Giáo Hoàng (Papal Palace) như các vị tiền nhiệm, Ngài đã chọn một đơn vị gia cư, tiếng Việt ngày nay gọi là một căn hộ, ở chung cư Casa Santa Marta, một nhà trọ dành cho nhiều người. Mỗi sáng sớm, Ngài cử hành thánh lễ đơn giản tại nhà nguyện ở đó, chỉ có một số người tham dự. Theo Linh Mục Federico Lombardi, nguyên giám đốc báo chí, truyền thanh và truyền hình Toà Thánh, ngay từ đầu, đài truyền hình của Hội Đồng Giám Mục Ý – TV 2000 – đã yêu cầu được truyền hình trực tiếp các thánh lễ này để mọi người có thể dễ dàng theo dõi. Nhưng sau khi cân nhắc, Giáo Hoàng Francis đã không chấp nhận, vì Ngài muốn giữ tính cách riêng tư, thân mật và tự nhiên; khác với những gì khi trình diễn trước công chúng.

Pope Francis
Giáo Hoàng Francis đang giảng trong thánh lễ tại Casa Santa Marta, Roma

Đại dịch Covid-19 đã làm đảo lộn mọi sự, kể cả ý muốn của người đứng đầu Giáo Hội với hơn một tỷ giáo dân. Vì tất cả các nhà thờ phải đóng cửa, thánh lễ do Giáo Hoàng cử hành tại chung cư Thánh Marta đã được truyền đi cho mọi người trên thế giới đều có thể tham dự. Trước đây, tham dự thánh lễ do Giáo Hoàng cử hành là điều rất khó. Tại Roma, ơn huệ này chỉ dành cho một số nhỏ những người rất đặc biệt. Trong dịp tông du tới các nước, giáo dân thường phải đợi chờ vất vả, cuối cùng, chỉ có thể nhìn thấy vị chủ chăn từ rất xa, hay qua màn hình, cùng với hàng trăm ngàn, hay hàng triệu người khác. Nhìn đã khó, nghe và hiểu được tiếng nói của Ngài, càng khó hơn.

Bởi đó, ngồi nhà xem lễ do Giáo Hoàng Francis cử hành, nghe thấu những lời giảng của Ngài, là một ân sủng trong thời gian tị nạn dịch Covid tại gia. Ân sủng này chỉ kéo dài hơn hai tháng, chấm dứt vào ngày 18 tháng 5, 2020. Cũng là ngày sinh nhật 100 năm Thánh Giáo Hoàng John Paul II. Hôm ấy, Giáo Hoàng Francis cử hành thánh lễ trên mộ Cố Giáo Hoàng John Paul II, rồi từ hôm sau làm lễ riêng tư như cũ tại nơi cư ngụ, không cho truyền hình trực tuyến nữa.

Thưởng thức lễ TV

Trong thánh lễ Phục Sinh ngày Chủ Nhật 12 tháng 4, Hồng Y Timothy Dolan, Tổng Giám Mục New York, cho biết, có một bà giáo dân nói với Ngài rằng, xem lễ trên TV, với một ly Bloody Mary bên cạnh, cảm thấy hạnh phúc hơn phải tới nhà thờ xem lễ. Ngài không chấp nhận, nói rằng giáo dân tới nhà thờ xem lễ mới đúng, chỉ trong hoàn cảnh đặc biệt như vụ tránh nạn dịch Covid, mới được phép xem lễ qua TV. Tuy không được chấp nhận, nhưng hình ảnh một phụ nữ, không được Giáo Hội cho phép cử hành thánh lễ, với một ly Bloody Mary bên cạnh, chăm chú hiệp thông cùng một linh mục hiện diện trên màn ảnh TV, sốt sắng cử hành thánh lễ với chén thánh Bloody Jesus trong tay, là một khung cảnh đẹp, và ý nghĩa.

Thánh lễ sáng Chủ Nhật 3 tháng 5, 2020, tại Casa Santa Marta, được Giáo Hoàng Francis dành để cầu nguyện cho các bác sĩ và linh mục đã bỏ mình trong khi thi hành nhiệm vụ giúp các bệnh nhân Đại dịch. Ngài đã ví họ như những người chăn chiên tốt lành, đã hy sinh mạng sống mình để phục vụ những người mình có nhiệm vụ săn sóc. Ngày này, Chủ Nhật thứ tư sau lễ Phục Sinh, cũng được Giáo Hội gọi là Chủ Nhật Chúa Chiên Lành (Good Shepherd Sunday).

Theo Giáo Hoàng, riêng tại Ý, đã có 154 bác sĩ, và hơn 100 linh mục thiệt mạng vì Covid-19. Ngài nói: “Xin cho gương của những người chăn chiên này, linh mục và bác sĩ, giúp chúng ta săn sóc những người thánh thiện và trung thành của Chúa” (May the example of these shepherds, priests and doctors, help us take care of the holy, faithful People of God). Rất tiếc trong lời cầu nguyện, Đức Thánh Cha đã không nhắc tới các nữ tu. Theo các nguồn tin chính thức từ Vatican, đến giữa tháng Tư, số nữ tu sĩ thiệt mạng trong khi giúp đỡ các nạn nhân Đại dịch tại Ý cũng trên một trăm người, ngang với số các linh mục hy sinh. Dù chức vụ chăn chiên ngày xưa có thể chỉ dành cho nam giới, nhưng ngày nay không còn là ngày xưa. Những người dấn thân hy sinh trong cùng một hoàn cảnh và nhiệm vụ, không nên bên nhớ, bên quên. Ngoài ra, Giáo Hoàng đã không nhắc tới các y tá (nam và nữ) đã hy sinh. Họ cũng đã can đảm, tận tụy làm việc trong môi trường nguy hiểm và vất vả ngang với, có khi hơn, các bác sĩ, chỉ lãnh lương thấp hơn. Đồng thời, dưới mắt các bác sĩ, y tá, mọi bệnh nhân đều như nhau, không phân biệt tôn giáo. Nếu Giáo Hoàng bao gồm tất cả mọi người đều là thánh thiện và trung thành của Chúa, thì tầm nhìn của Ngài quả thật rộng rãi, hơn nhiều vị tiền nhiệm. 

Chủ chăn bị lãng quên

Lễ Chúa Chiên Lành năm nay vào dịp kỷ niệm lần thứ 45 ngày 30 tháng 4, và trước Lễ Hiền Mẫu một tuần, khiến người ta liên tưởng tới một thành phần chăn chiên khác, chẳng những Giáo Hoàng không biết tới, dư luận quần chúng cũng ít quan tâm. Đó là những bà mẹ trong chiến tranh, cả tại Bắc và Nam Việt Nam, cũng như tại nhiều vùng trên thế giới. Họ đã phải đơn thân, nuôi dưỡng, bảo vệ, chăn dắt một đàn con, cắn răng chịu đựng khổ cực và thiếu thốn đến từ mọi phía.

Tại Bắc VN, trong khi đàn ông chiến đấu ngoài mặt trận, trong nhiều thế hệ, phụ nữ lo cho đàn con, khi chúng tới tuổi trưởng thành, thay vì được chia bớt gánh nặng, người mẹ lại cố nén đau đớn, tiễn chúng lên đường nhập ngũ nối gót cha anh. Rồi ngày đêm lo lắng, chỉ sợ nhận được mảnh giấy báo thành mẹ liệt sĩ, mẹ anh hùng. Hy vọng nhìn thấy xác con cũng chỉ là ảo vọng.

Với những phụ nữ nửa phía Nam nước Việt, khi chiến tranh chấm dứt, ngoài nhiệm vụ chăn dắt đàn con, còn gánh thêm nhiệm vụ lo cho chồng trong tù cải tạo. Lo cho con vượt biên để cải tạo tương lai. Đồng thời, phải lo bảo vệ bản thân mình, trước con mắt thèm thuồng của thành phần cai trị mới, đói khát mọi thứ sau nhiều năm gian khổ chui rúc trong rừng. Thành phần này xứng đáng là những người chăn dắt tuyệt vời, họ đã tự ý làm, không do bắt buộc, hoàn toàn do tình yêu thương, có khi còn bị chê trách bởi những người không cùng cảnh ngộ. Bài đọc trong thánh lễ này, Thư Thứ Nhất của Thánh Phê Rô, có câu, “Nếu phải khổ vì làm việc lành mà vẫn kiên tâm chịu đựng, đó là việc đáng được khen trước mặt Chúa” (if you suffer for doing good and you endure it, this is commendable before God. 1 Pr: 2, 20).

Mỗi người một vẻ

Thánh Thư cũng như Phúc Âm đọc trong thánh lễ tại khắp nơi trên thế giới thuộc Giáo Hội Công Giáo đều giống nhau. Nhưng lời giảng của mỗi vị chủ tế khác nhau. Cùng dựa vào tinh thần Phúc Âm và Thánh Thư, nhưng lời giảng của mỗi vị một khác. Phản ảnh tư tưởng cao siêu hay nông cạn, rộng rãi hay hẹp hòi, bảo thủ hay tiến bộ. Trong hoàn cảnh ngồi nhà có thể xem lễ từ khắp nơi, là cơ hội lý tưởng để những ai muốn học hỏi có thể tìm hiểu, so sánh tầm nhìn và cách nhìn về cùng một vấn đề, trong cùng thời gian và hoàn cảnh, qua quan điểm của các cấp lãnh đạo khác nhau trong Giáo Hội. Chẳng hạn, cùng nói về vai trò người chăn chiên, tức người đứng đầu một nhóm, một tổ chức, hay lãnh đạo một quốc gia, mỗi bài giảng có lối nhìn khác nhau.

Lễ xong, người viết thường kiểm chứng hiểu biết của mình với bản ghi lời Giáo Hoàng bằng tiếng Anh của người thông dịch là Soeur Bernadette, để chắc không có chỗ thiếu sót hay hiểu sai. Ngoài lời giảng của Giáo Hoàng, còn tìm nghe hay đọc lời giảng của một vài vị ở cấp giám mục hay linh mục, về Tin Mừng đọc trong thánh lễ cùng ngày, để xem có những khác biệt thế nào.

Đang làm công việc tìm hiểu này, màn hình computer bật ra câu hỏi dưới dạng quảng cáo: Do you approve of PRESIDENT TRUMP? (Bạn có chấp nhận Tổng Thống Trump không?). Để có thể trả lời YES hay NO, cần dựa vào một tiêu chuẩn nào đó.

clip_image002

Trong thánh lễ Chúa Chiên Lành hôm 3 tháng 5, Giáo Hoàng Francis đã dựa vào Tin Mừng Thánh Gio An (Gospel of John (10:1-10) để mô tả điển hình vai trò lãnh đạo. Trên thế giới hiện nay, có ba nhà lãnh đạo, mỗi người đứng đầu guồng máy cai trị trên một tỷ dân. Ba người này cai trị một nửa tổng số dân trên thế giới. Tập Cận Bình của Tầu dùng đảng, quân đội và công an, cai trị bằng bàn tay sắt máu, đây là đàn áp, không phải lãnh đạo. Narendra Modi, đứng đầu chính quyền Ấn Độ, tuy là một nước dân chủ, nhưng xã hội còn nhiều bất công, vẫn phải dựa vào hệ thống cảnh sát và nhà tù để duy trì an ninh trật tự, còn cần tới cưỡng bách và bạo lực để trị dân. Giáo Hoàng Phan Xi Cô (Francis) lãnh đạo Công Giáo La Mã; tuy thời Trung Cổ, Giáo Hội cũng có quân đội, thánh chiến, toà án dị giáo với hình phạt khủng khiếp như tra tấn và giàn thiêu, và chế độ kiểm duyệt khắt khe, nhưng chuyện này xưa rồi. Vai trò lãnh đạo của Giáo Hoàng ngày nay hoàn toàn dựa vào sự tự nguyện, kính trọng và tin cậy của giáo dân trên khắp thế giới; có tính hoàn vũ, không phân biệt chủng tộc và ranh giới quốc gia. Vì thế, chuẩn mực của Ngài về vai trò lãnh đạo, dựa vào tinh thần Tin Mừng, có giá trị đặc biệt.

Fake shepherds

Theo lời Giáo Hoàng, “Rất tiếc, như Giê Su đã nói trong Tin Mừng, nhiều chủ chăn giả đã vào ăn cướp và khai thác đàn chiên của Chúa. Họ không để tâm tới đàn chiên. Quan tâm của họ là leo thang chính trị hay tiền bạc” (Unfortunately, just as Jesus said in the Gospel, many “fake shepherds” have entered to rob and exploit the Lord’s flock. “They are not interested in the flock”. “Their interests have been climbing the ladder, politics or money”).

Vẫn theo Giáo Hoàng, một điểm quan trọng để phân biệt chủ chăn, hay nhà lãnh đạo tốt hoặc xấu, là sự khiêm nhường. “Khiêm tốn là một trong những dấu chỉ của một chủ chăn tốt. Nếu một giáo trưởng không khiêm tốn, ông ta đang che dấu một cái gì, vì khiêm tốn làm cho một người được nhìn rõ mình như thế nào, không cần bào chữa(Meekness is “one of the signs of a good shepherd”. If a pastor is not meek, he is hiding something, for “meekness makes oneself seen as he or she is, without defenses”).

Xin kể vài thí dụ cụ thể trong cách ứng xử, để dễ nhận biết bản chất đích thực của một nhà lãnh đạo. Cả hai thí dụ đều liên hệ tới hai tổng thống Mỹ thuộc đảng Cộng Hòa, nhưng có lối hành xử khác nhau.

Lịch sử đã nói nhiều về lời tuyên bố của hai tổng thống Mỹ, một Dân Chủ, một Cộng Hòa, về tình hình Bá Linh thời Chiến Tranh Lạnh: Kennedy với “Ich bin ein Berliner,” Tôi là người Bá Linh, và Reagan với “Mr. Gorbachev, tear down this wall,” Ông Gorbachev, hãy phá bỏ bức tường này. Nhưng người không hề lớn tiếng tuyên bố này nọ, mà thực sự đã âm thầm đóng góp cụ thể vào việc phá bỏ bức tường này, chính là Tổng Thống George H.W. Bush (Bush cha—Tổng Thống thứ 41 của Mỹ). Ông đã trực tiếp thảo luận với Gorbachev, bảo đảm Mỹ sẽ không gây hấn, không làm gì thiệt hại cho nước khác trong tình thế sôi động. Nhờ thế, Gorbachev tin cậy và yên tâm, không cho quân vào đàn áp Đông Âu, khi dân các nước này nổi dậy, đưa tới chỗ lật đổ chế độ Cộng Sản. Tháng 11 năm 1989, khi bức tường Bá Linh bắt đầu bị phá, lãnh tụ khối đa số Thượng Viện, Nghị Sĩ George Mitchell, đã gợi ý Tổng Thống Bush nên tới Đức ngay, để nhận lấy thắng lợi. Ông Bush đã không đi, chỉ lặng lẽ viết vào nhật ký: “Trời, tay này chắc thuộc lại mất trí mới xui người ta đổ dầu vào ngọn lửa sắp tàn.” (God, the guy has got to have been nuts to suggest you pour gasoline on those embers).

Ngoài ra, theo cựu Cố Vấn An Ninh Quốc Gia Condoleezza Rice, ngày 9 tháng 11, 1989, khi hay tin bức tường Bá Linh không còn được dùng như biên giới ngăn cách Đông Tây, các cố vấn đã hối thúc Tổng Thống Bush đến ngay Berlin, để ăn mừng giây phút lịch sử. Ông Bush từ chối: “Tôi tới làm gì, để khiêu vũ trên bức tường? (The advisers urged Bush to immediately visit Berlin to celebrate the historic moment. But Bush refused. “What would I do,” he said, “dance on the wall?”). Ông Bush nói, “bức tường sụp đổ không do nỗ lực của các nhà lãnh đạo ở Washington, ở Moscow, hay Bonn, mà bởi chính người dân.” (Bush said the fall of the wall was “set in motion” not by leaders in Washington, Moscow, or Bonn but by “the people themselves.”). Chẳng những ông Bush không ra mặt nhận công, còn giữ kín cả thái độ khiêm tốn của mình. Những chi tiết nêu trên chỉ được bà Rice kể lại nhân dịp kỷ niệm 20 năm sau, và ông Gorbachev tiết lộ sau khi ông Bush qua đời, tháng 11, năm 2018.

Thí dụ thứ nhì, về một tổng thống Cộng Hòa khác, cương quyết bảo vệ riêng tư của mình, là ông Donald Trump. Tuy nhiên, ông này hành động trái ngược với ông Bush; chẳng những không che dấu, còn phóng đại, hay bịa ra những gì có tính khoe khoang, trong khi cố giữ kín những gì mọi người bình thường sẵn sàng công bố. Ngày 12 tháng 5, 2020, Tối Cao Pháp Viện Mỹ đã họp để xử ở chặng cuối cùng, vụ ông Trump nhất định từ chối công bố hồ sơ khai thuế của mình. Ngoài ra, mặc dầu tự nhận mình giỏi vào hàng thiên tài (genius), một thiên tài có bản lĩnh (calm genius), ông Trump đã đe dọa, nếu nhà trường công bố điểm của ông thời đi học, ông sẽ đi kiện.

Tin Mừng đúng, Tin Mừng sai

clip_image004
Tổng Giám Mục Sài Gòn Nguyễn Năng đang giảng tại Nhà Thờ Đức Bà

Sau khi nghe bài giảng của Giáo Hoàng Francis, người viết đã theo dõi bài giảng của Tổng Giám Mục (TGM) Nguyễn Năng, qua thánh lễ cùng Chủ Nhật thứ bốn sau Phục Sinh, cử hành từ Nhà Thờ Đức Bà, Sài Gòn.

Sau phần đầu nói về vai trò chăn chiên của Đức Giê Su theo Tin Mừng, TGM Nguyễn Năng đã đề cập tới một vấn đề liên hệ tới thời sự. Ngài trình bầy đại ý: Chắc có nhiều anh chị em thắc mắc, Chúa nói Chúa bảo vệ chúng tôi, Chúa giữ chúng tôi khỏi mọi sự dữ…. Chúng tôi đã cầu nguyện với Chúa bao nhiêu lần, chưa thấy Chúa bảo vệ chúng tôi. Nạn Covid-19 vẫn hoành hành từ ba tháng nay. Chúa cho chúng tôi khỏi bệnh, khỏi sự dữ này thì tôi theo Chúa.

Vẫn theo TGM Nguyễn Năng, trong Giáo Hội trên thế giới, ít lâu nay có một luồng tư tưởng, nhiều người rao giảng Phúc Âm về sự thịnh vượng. Đại khái là, chịu khó cầu nguyện, chịu khó theo Chúa, tin vào Chúa, thì Chúa cho bình an khoẻ mạnh, ốm đau bệnh tật Chúa chữa cho. Chúa cho có công ăn việc làm, Chúa cho thi đậu, mọi sự đều an lành theo ý mình mong muốn.

Theo TGM Năng, “Rao giảng Phúc Âm về sự thịnh vượng như thế, đó chính là làm sai lạc Tin Mừng của Chúa. Chúa Giê Su đến trong trần gian này không phải để rao giảng sự thịnh vượng. Không phải để cho chúng ta được sung túc, được may lành về phần xác…. Tất cả những cái đó chỉ là sự sống ở đời này thôi. Chúa Giê Su đến không phải để rao giảng điều đó, mà Chúa ban cho chúng ta sự sống sung mãn, sự sống đời đời….”

Có mấy điểm đáng chú ý. Trước hết, tuy Giáo Hội Công Giáo VN vẫn còn sống dưới chế độ Cộng Sản độc tài, chưa có tự do phát triển, nhưng thế hệ mới trong hàng lãnh đạo cũng tỏ ra có người không thua kém trình độ so với những nơi khác, vốn được coi là văn minh hơn. Thí dụ, TGM Năng đã nói thẳng, rao giảng loại Tin Mừng Thịnh Vượng, là làm sai lạc Tin Mừng. Một thái độ rõ ràng và dứt khoát, trái với nhiều chủ chăn lớp trước. Còn nhớ, cách đây mấy chục năm, khi phong trào thuyền nhân vượt biển lên cao, thỉnh thoảng có linh mục tị nạn đề cao một vài thuyền nhân mới theo đạo, như chứng nhân đã được phép lạ. Những người may mắn này làm chứng rằng, trước khi vượt biển, họ đã khấn trước tượng Đức Mẹ rằng, nếu đi thoát, sẽ nhập đạo. Làm như thế, khác gì một sự thương lượng, với triển vọng đôi bên cùng có lợi–một bên có thêm con chiên, một bên thoát nạn. Có thể nói, đó chính là một hình thức rao giảng Phúc Âm Thịnh Vượng.

Ngoài ra, hồi lễ Giáng Sinh năm ngoái, người viết đã cảm thấy không thoải mái, khi theo dõi video cảnh một vị Giám Mục ở VN, trong chuyến thăm giáo dân thuộc địa phận mình, Ngài đã khuyên bảo: Mùa Giáng Sinh, anh chị em ráng giúp đỡ những người thiếu thốn, rồi Chúa sẽ cho lại gấp mười. Không thoải mái, vì nhớ lời Chúa dậy, khi cho đi, đừng bao giờ mong được trả lại. Làm vậy là vay trả, không thể hiện tinh thần bác ái. Khi cho đi ít, mà hy vọng nhận lại gấp mười, khác gì bỏ tiền đi buôn một vốn mười lời. Nếu vụ buôn bán có liên hệ tới thần thánh, là buôn thần bán thánh. Ấy là trong trường hợp khoản thu về nhiều gấp mười, đúng như lời hứa. Nếu thu về ít hơn, khổ chủ đã bị dụ dỗ bởi lừa dối. Vị giám mục này có tiếng là một người đạo đức, trong sạch và học rộng, đã nhiều năm sống và làm việc ở Roma. Có lẽ Ngài khuyên giáo dân theo thói quen từ lâu đời. Đó chính là lý do Giáo Hoàng Francis thường kêu gọi thay đổi, trở lại với tinh thần Phúc Âm nguyên thủy.

Linh hướng Thịnh vượng

Ngạc nhiên, khi thấy TGM Nguyễn Năng đang sống ở VN, đề cập tới trào lưu Tin Mừng Thịnh Vượng, Prosperity Gospel, hay Prosperity Theology; một trào lưu tiềm ẩn trong Giáo Hội Công Giáo từ lâu, nhưng đang phát triển, và được nhiều người theo tại Hoa Kỳ, về phía các môn phái Tin Lành. Khi tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20 tháng 1, 2017, Tổng Thống Donald Trump đặt tay trên hai cuốn Thánh Kinh lớn, do Đệ nhất Phu nhân nâng giữ. Một phụ nữ đầu tiên trong số những nhân vật tôn giáo đọc lời nguyện trước lễ tuyên thệ, là bà Paula White, một người rao giảng Tin Mừng Thịnh Vượng. Bây giờ, bà là linh hướng của Tổng Thống Trump. Bà đã được ông mời làm việc tại Nhà Trắng, với chức vụ chính thức là cố vấn của Sáng kiến Tôn giáo và Cơ hội (White House’s Faith and Opportunity Initiative).

clip_image006

Paula White, linh hướng của TT Trump (President Trump’s personal Pastor) tại bữa tiệc Lãnh đạo Truyền Giáo (Evangelical Leadership), ở Bạch Ốc năm ngoái
(Hình của Doug Mills/The New York Times)

Nhà truyền giáo Phúc Âm Thịnh Vượng Paula White và Tổng Thống Trump có nhiều điểm giống nhau. Cả hai cùng có cư sở chính thức tại tiểu bang Florida, cùng làm chủ dinh thự to lớn, và chẳng những thịnh vượng về của cải, còn thịnh vượng về hôn nhân; cả hai đều đang sống với người phối ngẫu thứ ba.

Điểm chính của Tin Mừng Thịnh Vượng là, ai tin vào Chúa, và công đức dồi dào vào sứ vụ truyền giáo, thì sẽ được Chúa ban ơn cho về của cải và sức khoẻ. Theo các nhà truyền giáo của phong trào này, đóng tiền là việc làm cụ thể chứng tỏ lòng thành, tin vào Chúa. Theo bà White, dâng cúng Hoa Trái Đầu Mùa (First Fruits) vào tháng Giêng–75 đô la hay nhiều hơn–cho sứ vụ của bà, bạn sẽ được thoát khỏi quá khứ, để đứng trong hàng ngũ những người sẽ được Chúa ban ơn trong tương lai. Một nhà truyền giáo khác, Guillermo Maldonado, cũng khuyến khích dâng cúng hoa trái đầu mùa vào tháng Giêng, để bảo đảm sẽ nhận được phần thưởng về tinh thần và tài chánh vào cuối năm. Theo ông, “Hoa Trái Đầu Mùa để vinh danh Chúa. Bạn không thể nhận được Ơn Cha cho đến khi bạn vinh danh Người.” (First fruits are given to honor God. You can’t have the Father’s favor until you honor Him).

Chỉ có Judas tham tiền

Theo tin Reuters ngày 02-01, 2020, một kết quả thăm dò vào năm 2018 cho biết, 32 phần trăm người Mỹ trưởng thành đồng ý với niềm tin rằng, “Chúa sẽ thưởng cho tín hữu sức khoẻ và tiền của” (God will reward the faithful with health and wealth). Cũng bản tin này cho biết hiện có khoảng 10 triệu người Mỹ theo phong trao Tin Mừng Thịnh Vượng. Tuy nhiên, cũng có nhà truyền giáo chống lại, như cố Mục Sư danh tiếng Billy Graham (từng là linh hướng của Nixon) đã tuyên bố vào năm 2016: “Giê Su không giàu, cũng như các tông đồ đầu tiên của Người – hoàn toàn không có của. Thật ra, chỉ có một tông đồ đã thực sự quan tâm về tiền, đó là Judas” (Jesus wasn’t rich, nor were His first disciples — not at all. In fact, the only disciple who really cared about money was Judas).

Trong cuộc bầu cử năm 2016, con số các nhà truyền giáo da trắng bầu cho ông Trump lên tới 80 phần trăm. Ông Trump và những người ủng hộ ông nhiệt tình, có vẻ không quan tâm nhiều tới Tin Mừng nào là đúng, Tin Mừng nào là sai, mà chỉ quan tâm tới số phiếu có thể nhận được. Với đại chúng, Tin Mừng Thịnh Vượng có vẻ ăn khách: Người nghèo mong Chúa ban cho thành người giàu, người giàu hy vọng Chúa cho thành tỉ phú. Trong khi ấy, các nhà truyền giáo Tin Mừng Thịnh Vượng, nếu có tài ăn nói, sẽ là thành phần hưởng thịnh vượng đầu tiên. Họ là những người thay mặt Chúa để nhận hoa trái đầu mùa, hoa trái cuối mùa, và hoa trái quanh năm. Tin Mừng Thịnh Vượng là lẽ sống của họ, không phải chỉ cho đời sau, như lời giảng của TGM Nguyễn Năng, mà trước hết, cho đời này. Càng thịnh vượng, càng có nghĩa được Chúa yêu nhiều.

“Buồn không chết”?

Trong một ngày, đã xem hai lễ, cử hành bởi Giáo Hoàng Francis từ Roma, và TGM Nguyễn Năng từ Sài Gòn. Muốn xem thêm lễ nữa do một linh mục cử hành. Nhưng cảm thấy như thế có vẻ hơi tham. Bèn tìm đọc bài viết của một linh mục, cùng nói về Chúa Chiên Lành. Sau đây là những gì ghi nhận được từ bài viết về hình ảnh người mục tử tốt lành, của Linh Mục (LM) Minh Anh, Giáo Phận Huế, trên Conggiaovietnamnet.com, ngày 05, tháng 05, 2020, nhan đề “Buồn Không Chết.”

Khác với Giáo Hoàng Francis, và TGM Nguyễn Năng, là những người không hề nhắc tới vai trò của mình trong bài giảng, LM Minh Anh đã nói về mình như môt hình ảnh tốt trong vai trò người chăn chiên. Giáo Hoàng trích lời Chúa và Thánh Phê Rô, Linh Mục trích Albert Einstein và Lev Tolstoi. Ngài viết: “gần hai mươi năm linh mục, tôi chưa bao giờ phạt ai”, và “Giáo xứ của tôi, trăm họ an ninh vì đối ngoại, đối nội gì cũng chỉ qua tôi”. Ngài nói thêm, “Ở giáo xứ tôi, các chức việc không có nhiệm kỳ; với tôi, ai không giữ mình để cho ma quỷ cám dỗ là tôi sẽ cho nghỉ”.

Dù quán xuyến mọi sự, đôi khi cũng có chuyện không vừa ý. Không nghĩ mình có trách nhiệm về điều này, Ngài đã chỉ ra ngay nguyên nhân và thủ phạm. Ngài viết: “Chiều hôm qua, chầu Mình Thánh Chúa đầu tháng. Tôi nhìn một vòng trong nhà thờ, đại đa số là ông bà lão và thiếu nhi; tôi rất khó chịu vì các chức việc gần như vắng mặt trong khi tôi thường xuyên nhắc nhở họ phải làm gương trong chuyện kinh lễ mỗi ngày. Hôm nay, khi chia sẻ Lời Chúa với bài Tin Mừng này, tôi nói, ‘Quý chức hầu như vắng mặt giờ chầu chiều hôm qua vì lẽ ông trùm, đầu tàu, không làm gương tốt.’” Vẫn lời Ngài: “Ông trùm vắng hai lần chầu đầu tháng liên tiếp, đêm thứ năm tuần thánh cũng không… lạ gì các chức khác không lơ là.” Có người nói, ‘Cha nói vậy không sợ mấy ông buồn;’ tôi nói, ‘Buồn không chết.’”

***

Sau khi theo dõi, và đọc kỹ lời giảng của ba cấp lãnh đạo khác nhau trong Giáo Hội Công Giáo, về vai trò người chủ chăn, nhân ngày lễ Chứa Chiên Lành, người viết nhận thấy:

Giáo Hoàng Francis cố trở lại với tinh thần Tin Mừng nguyên thủy, do chính Chúa Giê Su rao giảng từ hai ngàn năm trước. TGM Nguyễn Năng, tuy sống ở VN, nhưng có tư tưởng rất gần với Giáo Hoàng, gần hơn cả một số Hồng Y và Giám Mục đang sống ở Roma. Về LM Minh Anh, nếu sống ở Mỹ, Ngài có nhiều triển vọng được mời làm Cha Linh Hướng cho Tổng Thống Trump.

(Xin đón đọc phần 2)

Related posts