Tin thế giới sáng thứ Tư 20/5/2020

Chính quyền Trung Quốc phong tỏa thành phố Thư Lan giống Vũ Hán

Thành phố Thư Lan, Trung Quốc 

The Guardian đưa tin, chính quyền Trung Quốc hôm 18/5 phong tỏa toàn bộ thành phố Thư Lan, tỉnh Cát Lâm, nơi sinh sống của 700.000 dân, bằng các biện pháp nghiêm ngặt từng được áp dụng ở Vũ Hán khi ca nhiễm nCoV tăng.

Tất cả ngôi làng và khu phức hợp dân cư ở thành phố đều bị đóng cửa, chỉ một người trong mỗi hộ gia đình được phép ra ngoài hai tiếng hai ngày một lần để mua nhu yếu phẩm.

Ngoài ra, các khu phức hợp dân cư chỉ để một lối vào và một lối ra cho các phương tiện khẩn cấp, cấm người dân và các phương tiện từ nơi khác. Nếu ca nhiễm được xác nhận trong nơi cư trú cộng đồng, không ai có thể vào ra nơi đó.

Tuần trước, giới chức địa phương ra lệnh đóng cửa tạm thời các địa điểm công cộng, trường học và giao thông công cộng.

Hai bức chân dung và một bức tượng bất ngờ bị gỡ bỏ, lại dấy lên tin đồn về Kim Jong Un

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un 

Việc hai bức chân dung và một bức tượng trên quảng trường Kim Nhật Thành ở Bình Nhưỡng bất ngờ bị gỡ bỏ đang gợi lại những suy đoán về tình trạng sức khỏe của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.

Tờ NK News hôm 15/5 cho biết, chân dung khổng lồ của ông nội và cha của Kim Jong Un là Kim Nhật Thành (Kim Il Sung) và Kim Chính Nhật (Kim Jong-il) đã bất ngờ bị gỡ bỏ.

Roy Calley, một nhà báo và khách du lịch thường xuyên đến Triều Tiên nói với tờ Daily Express rằng ông đã được thông báo một bức tượng của Kim Chính Nhật cũng đã bị dỡ bỏ.

Việc hai bức chân dung và một bức tượng bị gỡ bỏ có thể là để cải tạo quảng trường Kim Nhật Thành. Tuy nhiên, ông Calley nói với Daily Express rằng, trong quá khứ, khi quảng trường Kim Nhật Thành được cải tạo là khi Kim Chính Nhật qua đời vào năm 2012.

Theo ông Calley, dựa theo tục lệ ở Triều Tiên, Kim Jong Un không thể có bất kỳ bức chân dung hay bức tượng nào được làm theo ý thích của mình “trừ khi ông ấy chết”. Ông Calley suy đoán rằng Triều Tiên có thể đang lên kế hoạch thêm một bức chân dung hoặc một bức tượng của Kim Jong Un trên quảng trường Kim Nhật Thành.

Theo tờ NK News, dựa trên các hình ảnh vệ tinh chụp vào ngày 11/5, tại quảng trường Kim Nhật Thành ở Triều Tiên, vị trí các quan chức cấp cao thường dùng để theo dõi các cuộc diễu hành đã bị phá hủy. Ngoài ra, phía tây của quảng trường cũng cấm các phương tiện giao thông.

Trước đó, vào tháng Tư, có nhiều suy đoán rằng Kim Jong Un đã chết vì một ca phẫu thuật không thành công. Tuy nhiên, đến ngày 2/5, hãng thông tấn của Triều Tiên đã công bố một video cho thấy, Kim tham gia khánh thành một nhà máy phân bón. Sự xuất hiện của video dường như nhằm chứng minh rằng Kim vẫn sống sau rất nhiều suy đoán khi ông biến mất khỏi tầm mắt của công chúng trong ba tuần.

Bây giờ vị lãnh đạo họ Kim lại biến mất trong hai tuần nữa, suy đoán lại nổi lên rằng, video có thể đã được quay từ trước và có thể Kim thực sự đã chết. Nếu Kim đã chết, một số người cho rằng em gái của ông, cô Kim Yo Jong sẽ lên nắm quyền.

Theo Taiwan News, một số chuyên gia cho rằng, Triều Tiên là một xã hội do nam giới thống trị và vì thế cô Kim có thể sẽ đảm nhận một vị trí cấp cao nhưng không phải là vị trí hàng đầu. Tuy nhiên, một số người khác thì lại cho rằng, một nhân vật nam nào đó có thể sẽ được làm “lãnh tụ tối cao” trong khi cô Kim ở phía sau hậu trường và “điều khiển” vị lãnh tụ này.

Mỹ cử nhiều tàu ngầm tới giám sát an ninh Biển Đông

Một tàu ngầm của Hải quân Hoa Kỳ 

Hôm 18/5, American Military News (AMN) đưa tin, lực lượng tàu ngầm Mỹ tại Hạm đội Thái Bình Dương tuyên bố rằng, tất cả các tàu của họ đang đồng thời tiến hành “các hoạt động ứng phó dự phòng” ở Biển Đông, xua tan lời đồn rằng hoạt động của Hải quân Mỹ đang bị đình trệ bởi virus Vũ Hán.

Lực lượng này cho biết thêm, các hoạt động đang thực hiện là để hỗ trợ cho chính sách “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở” của chính quyền Trump, đồng nghĩa với việc chống lại chủ nghĩa bành trướng của Bắc Kinh tại Biển Đông.

Ít nhất 7 tàu ngầm, và có khả năng nhiều hơn, bao gồm tất cả 4 tàu ngầm tấn công tại đảo Guam, 1 tàu ngầm USS Alexandria tại San Diego và nhiều tàu ngầm tại Hawaii, đang tham gia vào hoạt động này.

Ông Blake Converse, chỉ huy lực lượng Hải quân Mỹ tại Thái Bình Dương, cho biết: “Các hoạt động của chúng tôi là một minh chứng cho sự sẵn sàng bảo vệ lợi ích và quyền tự do của chúng tôi theo luật pháp quốc tế”.

AMN bình luận, động thái này thể hiện quan điểm của Lầu Năm Góc rằng các hoạt động của quân đội Hoa Kỳ sẽ luôn linh hoạt và khó đoán định trong cuộc cạnh tranh ảnh hưởng với Trung Quốc và Nga.

Các tàu ngầm tấn công của Mỹ triển khai ở Biển Đông lần này đều có khả năng thực hiện các giám sát bí mật, và tàng hình trước khi đánh chìm tàu đối phương bằng ngư lôi hoặc tên lửa hành trình Tomahawk.

Thời gian qua, chính quyền Trung Quốc đã bị truyền thông quốc tế cáo buộc rằng họ lợi dụng tình hình Mỹ và các nước đồng minh đang bận đối phó với dịch viêm phổi Vũ Hán để gia tăng các hoạt động quân sự tại các đảo nhân tạo mà họ tự ý bồi đắp trên Biển Đông và bắt nạt các quốc gia khác trong khu vực.

Mặc dù bận đối phó với dịch Covid-19, nhưng chính quyền Trump vẫn luôn để mắt tới các hoạt động của Trung Quốc trên Biển Đông. Vào tháng trước, Mỹ đã điều hai tàu chiến đi qua vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa để khẳng định quyền tự do hàng hải.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Mark Esper cho biết, mặc dù bận tham gia chống dịch viêm phổi Vũ Hán nhưng “chúng tôi vẫn tập trung vào các nhiệm vụ bảo vệ an ninh trên khắp thế giới”.

“Nhiều quốc gia đã và đang bận khắc phục những mất mát do đại dịch [Covid-19] gây ra, trong khi đó, các đối thủ chiến lược của chúng ta [lại] đang cố gắng khai thác cuộc khủng hoảng này để thủ lợi riêng cho họ bằng việc khai thác thiệt hại của những nước khác”, ông Esper nói.

“Trong suốt thời gian dịch bệnh diễn ra, chúng tôi tiếp tục chứng kiến hành vi hung hăng của quân đội Trung Quốc ở Biển Đông, từ việc uy hiếp một tàu hải quân Philippines đến đánh chìm một tàu cá Việt Nam, cũng như đe dọa các quốc gia khác tham gia khai thác dầu khí ngoài khơi [vùng biển này]”, Bộ trưởng Esper nói tiếp.

Ông Esper cho biết thêm, việc Mỹ điều hai tàu chiến tới Biển Đông vào cuối tháng trước là để “gửi một thông điệp rõ ràng tới Bắc Kinh rằng chúng tôi tiếp tục bảo vệ quyền tự do hàng hải và thương mại cho tất cả các quốc gia lớn và nhỏ”.

Hội Đồng Y Tế Thế Giới: Thế khó xử của Trung Quốc

image.png

Về nước Pháp, Le Monde tập trung vào các vấn đề xã hội thời dịch bệnh như “Liệu phương thức làm việc từ xa có dành cho tất cả mọi người ? »,« Các trường đại học lo ngại cho thế hệ Covid » hay « Người dân hạ mức cảnh giác quá sớm“… Nhìn ra thế giới, báo Le Monde, phát hành từ chiều hôm trước, lo ngại đất nước Brazil ngập trong khủng hoảng Covid-19, còn tổng thống Bolsonaro chìm trong khủng hoảng chính trị. Tờ báo cũng quan tâm đến sự hình thành nội các mới ở Israel sau 500 ngày vận động…

Tuy nhiên, hồ sơ chính được Le Monde đặc biệt chú ý là Hội Đồng Y Tế Thế Giới diễn ra trong hai ngày 18-19/05, với hai chủ đề đặc biệt nhạy cảm mà Trung Quốc không hề muốn các nước thảo luận lần này : Yêu cầu đánh giá độc lập về khủng hoảng đại dịch và vị thế của Đài Loan ở Tổ chức Y Tế Thế Giới (WHO/OMS). Đối với Le Monde, việc Hội Đồng Y Tế Thế Giới thảo luận hai chủ đề nói trên là một minh chứng cho sự thất bại của ngành ngoại giao Trung Quốc vốn từ cuối tháng 02 đến nay luôn nhấn mạnh đã kiểm soát được dịch bệnh và giúp đỡ phần còn lại của thế giới kiềm chế đại dịch.

Lần này, không phải Mỹ mà Úc mới là nước đòi có một cuộc điều tra độc lập về virus corona. Báo chí Úc cho biết có 62 nước ủng hộ WHO tiến hành sớm nhất việc đánh giá dịch bệnh một cách « công minh, độc lập và toàn diện ». Ngoài châu Âu và Úc, còn có nhiều quốc gia khác như New Zealand, Ấn Độ, Nga, Canada, Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraina, Brazil, Nhật Bản, Indonesia cũng ủng hộ. Bắc Kinh luôn bác bỏ những lời tố cáo của các nước về đại dịch. Nhưng lần này, theo Le Monde, Trung Quốc lâm vào thế khó, bởi vì Bắc Kinh, vốn luôn tuyên bố ủng hộ chủ nghĩa đa phương, không thể từ chối cuộc điều tra của WHO, tổ chức mà Bắc Kinh không ngớt ca tụng.

Bài xã luận ngày 18/05 của Hoàn Cầu Thời Báo nói rằng Trung Quốc sẽ không phản đối một cuộc điều tra khoa học về nguồn gốc virus corona chủng mới và đặt điều kiện là cuộc điều tra phải do WHO tiến hành chứ không phải là do một quốc gia hay một tổ chức khu vực. Ngoài ra, công tác điều tra phải bảo đảm khoa học, công bằng, không chỉ về các yếu tố liên quan đến Trung Quốc mà cả những yếu tố liên quan đến Hoa Kỳ và các quốc gia khác.

Liên quan đến chủ đề về sự hiện diện của Đài Loan trong Hội Đồng Y Tế Thế Giới, Hoàn Cầu Thời Báo gọi đó là một “trò hề”. Đối với Trung Quốc, hòn đảo 23 triệu dân này chỉ là một « tỉnh của Trung Quốc ». Các nước phương Tây không có “đại sứ”, mà chỉ có “đại diện” ở Đài Loan. Năm 2009, Bắc Kinh đã đồng ý để Đài Loan làm quan sát viên ở WHO. Thế nhưng, kể từ khi bà thái Anh Văn, thuộc đảng Dân Tiến ủng hộ đòi độc lập cho Đài Loan trở thành tổng thống, Đài Loan bị Trung Quốc phản đối, không cho làm quan sát viên ở WHO nữa. Vấn đề là theo ý kiến nói chung, Đài Loan đã quản lý thành công cuộc khủng hoảng Covid-19. Mặc dù nằm sát cạnh đại lục, nhưng ở Đài Loan chỉ có 7 ca tử vong vì virus corona.

Theo Le Monde, được Mỹ ủng hộ, Đài Bắc đã biết khai thác khủng hoảng theo hướng có lợi cho mình, sử dụng ngoại giao khẩu trang như Bắc Kinh, nhưng không tuyên truyền kiểu phản tác dụng như chế độ Cộng Sản Trung Quốc. Hôm 13/05, báo chí Đài Loan không bỏ lỡ cơ hội tiết lộ khẩu trang mà nhiều lãnh đạo Mỹ đeo là do Đài Loan sản xuất. Theo bộ Ngoại Giao Đài Loan, có 29 nước, trong đó có Mỹ, Canada, Úc, Nhật, New Zealand muốn Đài Loan được hưởng lại quy chế quan sát viên của WHO. Hơn 100 dân biểu châu Âu cũng ký vào một lá thư kiến nghị theo hướng này. Tờ Nhân Dân Nhật Báo cho rằng những người muốn “khu Đài Loan” tham gia WHO đang biến “vấn đề y tế thành chính trị”.

Tuy nhiên, theo Le Monde, sau những năm cô lập đài Loan về chính trị (hiện giờ chỉ còn một số nước nhỏ ở vùng Caribê và Thái Bình Dương vẫn tiếp tục công nhận Đài Loan), giờ đây Trung Quốc chỉ còn cách thừa nhận là Đài Loan đã đạt được một tính chính đáng mới trên trường quốc tế.

Sự ra đi của một tượng đài điện ảnh Pháp

Khác với Le Monde, Les Echos, Le Figaro, La Croix vốn tập trung vào các vấn đề thời sự, kinh tế, xã hội quốc tế và trong nước có liên quan đến đại dịch Covid-19, báo Libération vốn thường chú trọng đến các vấn đề mang tính văn hóa, nghệ thuật, hôm nay đặc biệt dành trang nhất, bài xã luận và nhiều bài viết ở 6 trang trong để tưởng niệm Michel Piccoli, một trong những tượng đài của nền điện ảnh Pháp. Michel Piccoli từ trần ở tuổi 94 hôm 12/05 nhưng đến hôm 18/05 gia đình mới công bố thông tin. Gia tài điện ảnh của ông là sự góp mặt trong hơn 200 bộ phim.

Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin trở lại làm việc

Điện Kremlin hôm nay thông báo Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin đã trở lại làm việc sau khi được chẩn đoán nhiễm nCov.

Điện Kremlin cho biết thêm Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký quyết định hủy lệnh tạm thời chuyển nhượng quyền hạn của ông Mishustin cho Phó thủ tướng thứ nhất Andrey Belousov. Ông Belousov đã đảm nhận vai trò quyền thủ tướng Nga từ ngày 30/4.

Singapore gửi nhầm kết quả xét nghiệm Covid-19

Theo CNA, giới chức Singapore đã xin lỗi 357 người dân do gửi sai kết quả xét nghiệm Covid-19.

Những người này đã được thông báo kết quả dương tính với nCov từ trước. Tuy nhiên, đến 5 giờ chiều 16/5 (giờ địa phương), họ tiếp tục nhận được một tin nhắn báo lại kết quả cũ.

Cuối ngày 18/5, Bộ Y tế Singapore thông báo “những tin nhắn được gửi đi do trục trặc trong hệ thống công nghệ thông tin của bộ phận xét nghiệm và chúng tôi đang cố gắng cải thiện độ chính xác của hệ thống này”. 

Bộ Y tế xin lỗi vì “sự bất tiện và lo lắng do tin nhắn gây ra” và nói rằng đã thông báo cho những ai nhận được tin nhắn trong vài giờ.

Rocket rơi gần đại sứ quán Mỹ

Theo AFP, một quả rocket rơi gần đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Baghdad rạng sáng nay, nhưng không gây thương vong.

Chưa tổ chức nào đứng ra nhận trách nhiệm về vụ tấn công. Lần gần đây nhất rocket rơi gần khu nhà đại sứ quán Mỹ là hồi giữa tháng 2.

Related posts