Virus corona: Kiện Trung Quốc, chuyện không đơn giản

Lối vào Tòa Án Hình Sự Quốc Tế (ICC/CPI) tại La Haye, Hà Lan. Ảnh chụp ngày 03/03/2011. REUTERS/Jerry Lampen


Trong khi đại dịch Covid-19 hoành hành gây tang thương khắp các châu lục, nặng là Mỹ và châu Âu (đặc biệt là Anh Quốc, Ý, Tây Ban Nha và Pháp), rất nhiều nước muốn đòi Bắc Kinh phải trả giá vì đã để virus corona lây lan ra toàn cầu. Thế nhưng, luật pháp quốc tế khiến việc khởi kiện và kết án được Trung Quốc không phải đơn giản.

Đó là nhận định của Les Echos, tờ báo kinh tế uy tín tại Pháp, ngày 06/05/2020, dựa trên ý kiến của một số chuyên gia Pháp về luật quốc tế.

Những thủ tục tố tụng nào đã được tiến hành?

Cho đến này, thủ tục tố tục vẫn được ưu tiên tiến hành: đó là kiện lên tòa án quốc gia. Nhiều hành động theo nhóm đã được tổ chức ở nhiều nơi, chẳng hạn tại một số bang của Mỹ như Florida, Nevada, Texas hay ở quốc gia Nigeria. Bang Missouri, Mỹ, đã tự nộp đơn khiếu nại trên danh nghĩa của bang. Họ muốn đòi Trung Quốc bồi thường hàng tỷ đô la để bù đắp cho những thiệt hại kinh tế có liên quan đến đại dịch. Tuy nhiên, theo chuyên gia luật quốc tế Catherine Le Bris, thuộc Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp CNRS, cho dù đó là cá nhân, doanh nghiệp, hiệp hội hay chính quyền địa phương, thì cách thức tiến hành đều như nhau : Họ phải đệ đơn kiện lên các tòa án quốc gia chứ họ không có tư cách pháp nhân quốc tế.

Những phiên tòa này có thể khiến Trung Quốc bị kết án hay không?

Thực ra, ngay từ đầu, kiểu thủ tục tố tụng này đã gần như vô hiệu. Đó là do có một nguyên tắc quan trọng trong luật quốc tế : nguyên tắc về quyền miễn trừ tài phán của một quốc gia để bảo vệ quốc gia này khỏi bị tư pháp của nước khác trừng phạt. Nollez-Goldbach, nhà nghiên cứu luật quốc tế của CNRS, giải thích : « Một Nhà nước có thể không bị kiện ra tòa án của một nước khác ». Chuyên gia luật quốc tế Catherine Le Bris diễn giải : « Đó sẽ là một cuộc tấn công vào chủ quyền của Trung Quốc ».

Còn giáo sư về luật quốc tế, Thibaut Fleury-Graff, thuộc đại học Versailles, Pháp, nhấn mạnh : « Quyền miễn trừ tài phán bảo vệ một quốc gia khỏi bị xét xử bởi một quốc gia khác. Ngoài ra, quyền miễn trừ thi hành án bảo vệ họ khỏi việc phải thi hành bản án mà nước khác bất chấp mọi chuyện để tuyên án chống lại họ ». Bà Catherine Le Bris cho biết thêm là mục đích của kiểu trình tự tố tụng này chủ yếu mang tính chính trị, bởi vì xét về mặt pháp lý, nó sẽ không mang lại thành công.


Vai trò của các tòa án quốc tế là gì ?

Những tòa án quốc tế đúng là được lập ra để có thể xét xử các quốc gia, nhưng phải có những điều kiện nhất định. Trước hết, Tòa án Hình sự Quốc tế, được thành lập năm 2002, chỉ xét xử các tội phạm quốc tế nghiêm trọng nhất : tội diệt chủng, tội ác chống lại nhân loại và tội ác chiến tranh. Nhà nghiên cứu luật quốc tế, Raphaëlle Nollez-Goldbach, nhấn mạnh: “Những tội như trên không liên quan đến Trung Quốc lần này, trừ khi chúng ta chứng minh được Bắc Kinh đã tạo ra virus corona chủng mới gây Covid-19 và để nó lây lan như một lại vũ khí sinh học để hại người dân Trung Quốc cũng như người dân các quốc gia khác. Quý vị tưởng tượng xem, các bằng chứng cần thiết cho những cáo buộc như thế này phải nhiều đến thế nào!” Hơn nữa, Tòa hình sự quốc tế không xét xử các Nhà nước mà là các cá nhân. Do đó, chỉ những người đứng đầu Nhà nước hoặc các quan chức cấp cao của một nước mới có thể bị xét xử ở cấp tòa án này.

Còn Tòa Công Lý Quốc Tế ?
Đúng là còn một lựa chọn khác là Tòa Công Lý Quốc Tế, tòa án của Liên Hợp Quốc được thành lập vào năm 1945, để xét xử tranh chấp giữa các quốc gia. Tuy nhiên, chuyên gia Catherine Le Bris dự báo giả thuyết một quốc gia chủ động lên ý tưởng kiện Trung Quốc là ít có khả năng xảy ra : « Không một nước nào muốn tạo tiền lệ và lãnh nguy cơ sau này bị kiện ». Cho đến nay, Úc mới chỉ yêu cầu mở một cuộc điều tra quốc tế. Theo chuyên gia Thibaut Fleury-Graff, các luật gia gần như nhất trí: “Việc đưa Trung Quốc ra xét xử ở tòa án dường như rất khó có thể xảy ra”.

Có cách nào để trừng phạt Trung Quốc?
Nhà nghiên cứu luật quốc tế Thibaut Fleury-Graff nhận định: “Luật pháp quốc tế cho phép phòng ngừa, ngăn chặn xung đột và khủng hoảng, nhưng khi luật quốc tế bị vi phạm, vấn đề bồi thường thiệt hại trở nên phức tạp hơn và thường phải được giải quyết thông qua các con đường khác ngoài tư pháp. Nhiều người đã nắm được điều này. Chẳng hạn, trên đài Fox News của Mỹ, một dân biểu phe Cộng Hòa tại Indiana đã đề xuất hàng loạt cách thức để buộc Trung Quốc phải trả giá cho các thiệt hại mà đại dịch đã gây ra ở Hoa Kỳ. Một trong số các đề xuất đó là buộc Trung Quốc phải hủy nợ một phần cho Mỹ.

Còn tại Úc đợt này, một dân biểu tính đến việc tịch thu một số tài sản và đất đai thuộc về Trung Quốc để bù đắp cho những thiệt hại mà Úc đã gánh. Luật pháp quốc tế cho phép các nước áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế với hai điều kiện: luật của một quốc gia đã bị một quốc gia khác vi phạm và biện pháp trừng phạt tương xứng với mức độ vi phạm. Khi Nga sáp nhập bán đảo Crime của Ukraina, các biện pháp trừng phạt kinh tế nghiêm khắc đã được Liên Hiệp Châu Âu và Hoa Kỳ đơn phương áp đặt. Tôi nghĩ rằng họ sẽ có thể làm điều tương tự với Trung Quốc”.


Ai dám trừng phạt Trung Quốc?

Trừng phạt Trung Quốc về kinh tế cũng là biện pháp được báo chí Pháp nhắc đến trong thời gian gần đây. Chẳng hạn, Le Monde, ngày 22/04 đề xuất nhóm G20 và Mỹ áp thuế 20%/năm và trong vòng 5 năm đối với tất cả các sản phẩm nhập từ Trung Quốc. Số tiền này ước tính đạt 2.500 tỉ đô la/năm và sẽ được dùng để phục hồi kinh tế và tái thiết các nước đã bị dịch bệnh tàn phá nặng nề.

Báo Le Figaro nêu quan điểm của Francis Journot, người điều hành trang web Collectivité nationale của Pháp, theo đó chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula Von der Leyen và tổng thống Mỹ phải ký một thỏa thuận chung đòi Trung Quốc bồi thường một phần thiệt hại. Bởi vì, nếu châu Âu và Mỹ, hai nạn nhân lớn nhất của đại dịch Covid-19, ngại đối đầu với Trung Quốc hay làm lơ trách nhiệm của Bắc Kinh trong việc làm lây lan virus ra toàn cầu, tức là phương Tây chấp nhận để người dân sau này phải làm việc nhiều hơn, đóng nhiều thuế hơn để bù đắp  và các nước sẽ phải áp dụng các chính sách thắt lưng buộc bụng.

Tuần báo Pháp Le Point hôm 12/04 nhận định nếu có một tòa án hình sự quốc tế đủ thẩm quyền thì phải khẩn trương kiện Trung Quốc ra tòa với các cáo buộc “gây hại cho sức khỏe người dân toàn thế giới” và “gây tội ác chiến tranh y tế”. Thế nhưng, có một câu hỏi đặt ra là : « Liệu có nước nào dám kết án Trung Quốc ? ». Các vị chưởng lý của Pháp và các nước khác sẽ đều lẩn tránh vì vụ án quá lớn! Tất cả đều phải sợ ! Đây chẳng phải điều đáng tự hào !

Trung Quốc đang chơi trò “mèo vờn chuột” với toàn thế giới. Và chuột thì sẽ phải cẩn thận để không chọc giận mèo ! Thế giới hiện đang cần khẩu trang của Trung Quốc, phụ thuộc vào dược phẩm và cả nguồn dược thiệu thô của Trung Quốc để bào chế dược phẩm. Nhiều mặt hàng hàng chiến lược, thậm chí mang tính sống còn của chúng ta đều phụ thuộc vào Trung Quốc.

Cây bút chuyên mục Thời luận của Le Point cay đắng kết luận sẽ không ai dám tấn công Trung Quốc, thậm chí còn cảm thấy may mắn là chưa bị Trung Quốc xếp vào “danh sách đen”!

Thùy Dương

Related posts