Tin thế giới thứ Năm 14/5: Mỹ cáo buộc tin tặc Trung Quốc đánh cắp nghiên cứu virus corona

Mỹ cáo buộc tin tặc Trung Quốc đánh cắp nghiên cứu virus corona

Giới chức Mỹ hôm thứ Tư (13/5) cho biết tin tặc liên quan tới Trung Quốc đang xâm nhập vào các tổ chức Mỹ thực hiện nghiên cứu về virus corona. Các nhà chức trách cảnh báo cả nhà khoa học và quan chức y tế cộng đồng hãy cảnh giác với hành vi trộm cắp trên mạng.

(Ảnh: Getty Images)

Theo Reuters, Cục Điều tra Liên bang (FBI) và Bộ An ninh Nội địa hôm 13/5 đã phát đi tuyên bố chung nói rằng FBI đang điều tra “các nhân tố ảo” (cyber actors) có liên quan tới Trung Quốc đang thực hiện hành vi xâm nhập vào các tổ chức Mỹ. FBI đã theo dõi “các nỗ lực tìm kiếm và thu thập bất hợp pháp tài sản trí tuệ có giá trị (IP) và dữ liệu y tế cộng đồng liên quan tới vắc-xin, phương pháp điều trị, và xét nghiệm từ tổ chức và cá nhân liên quan đến nghiên cứu COVID-19”.

Tuyên bố trên không cung cấp thêm chi tiết về danh tính của các tin tặc, cũng như danh tính của các tổ chức và cá nhân bị nhắm mục tiên tấn công mạng.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington đã lập tức lên tiếng chỉ trích cáo buộc của giới chức Mỹ là “dối trá”.

Đại sứ quán Trung Quốc hôm 13/5 phát đi tuyên bố bằng văn bản cho hay: “FBI đã phát hành một cảnh báo dựa trên sự giả định có tội mà không có bất kỳ bằng chứng nào”. Đại sứ quán Trung Quốc nhấn mạnh thêm rằng cáo buộc này của Mỹ “gây tổn hại tới sự hợp tác quốc tế đang diễn ra chống đại dịch [virus corona]”.

Thời gian qua các nghiên cứu và dữ liệu liên quan đến virus corona đã nổi lên là mục tiêu săn lùng ưu tiên của giới tin tặc toàn cầu. Các tổ chức tình báo phương Tây đã nhiều lần phải gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc các tổ chức y tế công cộng và dược phẩm đang bị nhắm mục tiêu tấn công mạng.

Trong một diễn biến liên quan, vào sáng thứ Tư 13/5 (giờ địa phương), lãnh đạo cơ quan tình báo New Zealand đã phát đi tuyên bố nói rằng cơ quan tình báo quốc gia nam Thái Bình Dương này lên án bất kỳ nỗ lực nào nhằm tấn công mạng vào cơ sở hạ tầng liên quan tới công tác ứng phó COVID-19.

Tổng giám đốc Cục An ninh Thông tin Chính phủ New Zealand, ông Andrew Hampton cho biết: “Chúng tôi kêu gọi tất cả các nhân tố ảo hãy kiềm chế hành vi mà có thể gây nguy hiểm cho công tác ứng phó với đại dịch COVID-19 trên phạm vi quốc gia và quốc tế”.

Tuần trước, Reuters đưa tin các điệp viên mạng liên quan tới Iran đã tấn công vào máy tính của nhân viên tại công ty dược phẩm Gilead Sciences của Mỹ. Công ty dược phẩm này đang bào chế thuốc remdesivir kháng virus và cho tới nay đây là loại thuốc duy nhất được chứng minh có thể hỗ trợ bệnh nhân COVID-19 chống chọi với virus corona chủng mới.

Vào tháng Ba và tháng Tư, Reuters đưa tin các tin tặc trình độ cao đã thực hiện nhiều nỗ lực xâm nhập vào hệ thống máy tính của Tổ chức Y tế Thế giới vào thời điểm đại dịch virus corona lây lan khắp toàn cầu.

Xuân Thành

Ông Trump: ‘100 thỏa thuận thương mại không lại được với Dịch bệnh từ Trung Quốc’

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu ngày 13/5/2020 (ảnh chụp màn hình Fox News / Youtube).

Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng lợi ích từ các thỏa thuận thương mại với Bắc Kinh đều trở nên mờ nhạt khi so sánh với những tổn thất từ COVID-19, điều mà ông gọi là “Dịch bệnh từ Trung Quốc”.

Trong một bình luận trên Twitter hôm thứ Tư (13/5), ông Trump viết: “Như tôi đã nói từ lâu, giao dịch với Trung Quốc là điều phải trả giá rất đắt. Chúng tôi vừa ký kết một Thỏa thuận thương mại tuyệt vời, mực còn chưa ráo thì thế giới đã bị tấn công bởi Dịch bệnh từ Trung Quốc”.

Tổng thống Trump cho rằng 100 thỏa thuận thương mại cũng không thấm vào đâu so với tổn thất từ virus Vũ Hán – “tất cả những sinh mạng vô tội đó đã bị đánh mất!”

Theo CNBC, không rõ ông Trump đề cập đến ai khi nói rằng “giao dịch với Trung Quốc là điều phải trả giá rất đắt”. Nhà Trắng đã từ chối đưa ra bình luận về tuyên bố của ông Trump.

Hôm thứ Hai (11/5), Tổng thống Trump và Bộ trưởng Lao động Eugene Scalia đã chỉ đạo Ủy ban Đầu tư Tiết kiệm Hưu trí Liên bang ngừng kế hoạch đầu tư vào các công ty Trung Quốc.

Trong một lá thư gửi Ủy ban này, ông Scalia viết rằng kế hoạch đầu tư tiết kiệm liên bang hiện tại sẽ đặt “hàng tỷ đô la tiền tiết kiệm hưu trí vào các công ty gây ra mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của Hoa Kỳ”.

Một lá thư khác từ chính quyền Trump cảnh báo rằng các công ty Trung Quốc có thể sẽ phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt liên quan đến “các hành động tội lỗi của chính phủ Trung Quốc đối với tình trạng lây lan toàn cầu [của virus corona]”.

Theo ITV, Tổng thống Trump vốn đã chỉ trích mạnh mẽ cách phản ứng của Trung Quốc đối với COVID-19, ông nói Bắc Kinh đã hành động quá chậm chạp và bày tỏ nghi ngờ rằng có thể virus corona chủng mới này đã bị rò rỉ từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán.

Hôm thứ Tư (14/5), một nhóm các thượng nghị sỹ Hoa Kỳ đã đề xuất một dự luật mở đường cho Tổng thống Trump có thể áp dụng các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc đối với Trung Quốc liên quan đến trách nhiệm trong đại dịch toàn cầu COVID-19.

Minh Hòa

Trung Quốc bắt giữ giáo sư luật chỉ trích phản ứng của chính quyền trong đại dịch

Trung Quốc bắt giữ giáo sư luật chỉ trích phản ứng của chính quyền trước đại dịch
Giáo sư luật Trương Tuyết Trung.

Chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã bắt giữ một học giả luật sau khi ông gửi một thư ngỏ tới chính quyền, chỉ trích việc xử lý dịch bệnh ở Vũ Hán và yêu cầu quyền tự do ngôn luận, tờ South China Morning Post (SCMP) đưa tin hôm thứ Hai (11/5).

Trương Tuyết Trung (Trương Xuezhong), một giáo sư về hiến pháp Trung Quốc và luật sư bào chữa cho các nhà hoạt động nhân quyền tại nước này, từ lâu đã là một nhà phê bình hệ thống chính trị và pháp lý của ĐCSTQ. Hôm Chủ nhật vừa rồi (10/5), công an đã đến bắt giữ ông tại nhà riêng ở Thượng Hải.

“Ông đã được đưa đi vào tối chủ nhật. Ba chiếc xe cảnh sát đã đến nhà ông”, ông Wen Kejian, một nhà phân tích chính trị và là bạn của ông Trương, nói với tờ SCMP.

Một người bạn khác của ông Trương, chia sẻ với điều kiện giấu tên, xác nhận ông Trương đã bị chính quyền bắt giữ.

“Ông ấy đã chuẩn bị tinh thần sau khi đăng bức thư ngỏ”, người bạn này nói thêm.

Vào thứ bảy (9/5), ông Trương đã đăng bức thư của mình trên WeChat, một mạng xã hội phổ biến ở Trung Quốc. Ông gửi bức thư cho các đại biểu của Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc Trung Quốc, cơ quan lập pháp của nước này. Thời điểm đăng bức thư rất có tính chủ đích, bức thư của ông Trương đã lưu hành rộng rãi trên mạng khi cơ quan lập pháp quốc gia này chuẩn bị triệu tập cho các phiên họp quốc hội quan trọng nhất của họ trong những tuần tới.

Trong bài đăng trên WeChat, ông Trương đã đính kèm bức thư ngỏ kèm một thông điệp ủng hộ quyền tự do ngôn luận.

“Cách tốt nhất để đấu tranh cho tự do ngôn luận là tất cả mọi người phát biểu như thể chúng ta đã có quyền tự do ngôn luận trong tay”.

Trích đoạn bức thư ngỏ của ông Trương

Trong thư, ông Trương đã gọi nền cai trị ở Trung Quốc là “lạc hậu” vì thiếu một nền hiến pháp hiện đại.

“Sự bùng phát và lan truyền dịch Covid-19 là một minh chứng rõ nét cho vấn đề này”, ông lập luận.

Covid-19 bắt nguồn từ Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc ở miền trung Trung Quốc, vào cuối năm 2019. Kể từ đó, virus này đã lan ra khỏi Trung Quốc sang các nước khác, dẫn đến đại dịch viêm phổi toàn cầu hiện nay, gây ra ít nhất 289.932 ca tử vong trên toàn thế giới. Việc ĐCSTQ che giấu sự bùng phát Covid-19 lúc ban đầu tại Vũ Hán đã bị chỉ trích rộng rãi bởi giới chức y tế toàn cầu. Họ đổ lỗi cho ĐCSTQ vì thiếu minh bạch mà cho phép virus này bùng phát từ một ổ dịch cục bộ thành đại dịch toàn cầu.

Bức thư của ông Trương đã đề cập đến sự thiếu vắng hệ thống giám sát trong hệ thống chính trị Trung Quốc như yếu tố chủ chốt đằng sau sự bùng phát dịch bệnh thảm khốc này.

Có rất ít kênh truyền thông chuyên nghiệp và độc lập điều tra và báo cáo về sự bùng phát dịch, cũng không có các chuyên gia y tế cung cấp lời khuyên độc lập cho công chúng … Nó chỉ cho thấy sự kiểm soát chặt chẽ và lâu dài của chính quyền Trung Quốc đối với xã hội và người dân đã phá hủy hoàn toàn cấu trúc và khả năng tự thích ứng của xã hội.

Trích đoạn bức thư ngỏ của ông Trương

Vị luật sư nhân quyền cũng kêu gọi quyền tự do ngôn luận.

“Hai mươi hai ngày trước lệnh phong tỏa, Vũ Hán vẫn đang điều tra và trừng phạt những người dân tiết lộ về tình hình dịch bệnh, bao gồm bác sĩ Lý Văn Lượng … cho thấy chính quyền chèn ép xã hội một cách chặt chẽ và độc đoán như thế nào”, ông Trương viết trong thư ngỏ.

Bác sĩ Lý đã trở thành một người tử vì đạo vì sự quả cảm dám nói lên sự thật và phát biểu tự do ở Trung Quốc khi anh qua đời vì Covid-19 vào tháng Hai. Ngay trước khi chết, bác sĩ Lý đã cố gắng cảnh báo công chúng về sự nguy hiểm của nCoV trong đợt bùng phát dịch ban đầu ở Vũ Hán, nơi anh bị chính quyền ĐCSTQ bắt giữ, khiển trách và buộc tội “phát tán tin đồn sai lệch”. Kể từ đó, vụ bắt giữ và cái chết đau xót của bác sĩ Lý đã châm ngòi cho những lời kêu gọi quyền tự do ngôn luận tại Trung Quốc đại lục, như trong bức thư của ông Trương có nêu.

Theo Breitbart
Quý Khải dịch

Related posts