Tin thế giới sáng thứ Năm 14/5

Trung Quốc ôm khối nợ xấu vì Covid-19

Trung Quốc đang khởi động lại nền kinh tế sau đại dịch Covid-19 trước nhiều sức ép từ trong đến ngoài. Ảnh: Cảng Vũ Hán, Hồ Bắc, Trung Quốc ngày 09/05/2020 đã hoạt động trở lại.
REUTERS – China Daily CDIC

Siêu vi corona bắt nguồn từ Vũ Hán, do không kiểm soát được đã lan khắp thế giới và giờ tác động đến tham vọng Sáng kiến Một vành đai một con đường (BRI) của chủ tịch Tập Cận Bình. Dự án bị chậm tiến độ, còn Bắc Kinh như ngồi trên đống lửa do khối nợ xấu khổng lồ từ hơn 130 nước tham gia.

Các định chế tài chính Trung Quốc “hào phóng”, điều kiện cấp tín dụng lại không quá nghiêm ngặt, nên “nhiều nước tham gia Sáng kiến Một vành đai một con đường đã vay tiền Trung Quốc để đầu tư vào những dự án mới”. Thế nhưng, theo nhận định với trang CNBC (11/05) của nhà phân tích Kaho Yu, chuyên gia về châu Á của công ty tư vấn chiến lược và rủi ro Verisk Maplecroft, “đại dịch Covid-19 làm xáo trộn mọi nền kinh tế và sẽ khiến các kế hoạch trả nợ trở nên phức tạp”.

Khó trả nợ vì ưu tiên tái thiết kinh tế quốc gia

Trung Quốc giăng mạng lưới, với nhiều dự án quan trọng, ở các nước láng giềng Đông Nam Á, ưu tiên nhắm vào « các mắt xích yếu » như Lào, Cam Bốt, nhưng đồng thời tăng cường hiện diện ở Miến Điện, Indonesia, Malaysia và Thái Lan.

Ngoài việc các dự án bị chậm tiến độ vì dịch Covid-19, khả năng thanh toán các khoản nợ bằng đô la cho các chủ nợ Trung Quốc của các nước này cũng bị tác động « vì đồng tiền quốc gia sẽ bị mất giá, do thất thu từ xuất khẩu, nhưng lại phải tăng chi nội địa để tái thiết kinh tế », theo phân tích của chuyên gia Simon Leung, thuộc văn phòng luật Baker McKenzie. Đối với Pakistan và Sri Lanka, có lẽ Trung Quốc mất hy vọng thu về được một số khoản nào đó trong năm 2020.

Một nguồn nợ xấu khác đến từ các thỏa thuận cấp tín dụng đổi dầu lửa, được Trung Quốc áp dụng và luôn bị Ngân Hàng Thế Giới chỉ trích là thiếu minh bạch về số tiền vay. Và đối với những nước ký thỏa thuận kiểu này với Bắc Kinh, trong đó có nhiều nước châu Phi (Angola, Nigeria), « tình hình sẽ còn khó khăn hơn », theo phân tích của chuyên gia Kaho Yu.

Thứ nhất, do giá dầu sụt giảm nghiêm trọng, nên các nước nợ phải sản xuất nhiều hơn để trả cho Trung Quốc, song lại không đạt đủ chỉ tiêu sản lượng do dịch Covid-19. Thứ hai là do nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc tạm giảm trong thời gian dịch bệnh.

Trung Quốc trước sức ép xóa nợ, giãn nợ

Dịch Covid-19 là một thảm họa thiên nhiên, khiến một bên không thể thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng, nên sẽ tránh được các khoản phạt. Trước sức ép phải giãn thời gian thanh toán nợ, thậm chí là xóa nợ, Trung Quốc đã tỏ thiện chí thông qua chương trình giảm nợ cho một số nước nghèo.

Tuy nhiên, theo văn phòng nghiên Economiste Intelligence Unit (EIU), « việc xóa nợ trên diện rộng có thể sẽ gây nên một chu kỳ phản hồi tiêu cực, làm nản lòng các hoạt động cấp tín dụng trong tương lai của Trung Quốc, ít nhất là từ giờ đến cuối năm 2020 (cho đến năm 2021) ».

Dù vậy, Bắc Kinh có thể sẽ vẫn phải thực hiện vì đằng sau các dự án đầu tư của Trung Quốc, luôn có ý đồ chính trị. Chuyên gia Simon Leung, thuộc Baker McKenzi, nêu trường hợp hai ngân hàng cấp tín dụng chính, Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (China Developement Bank) và Ngân hàng Xuất-Nhập khẩu Trung Quốc (Export-Import Bank of China), đều « có liên hệ chặt chẽ » và « được chính phủ Trung Quốc ủng hộ, nên các cuộc tái đàm phán về nợ có thể sẽ kèm theo thảo luận về chính trị ».  

Còn ông Homin Lee, thuộc ngân hàng Thụy Sĩ Lombard Odier, nhấn mạnh đến « tầm quan trọng của Sáng kiến Một vành đai, một con đường », đặc biệt là “những dự án mang tính chiến lược” gắn liền với lợi ích kinh tế tương lai của Trung Quốc.

Trong quá khứ, Trung Quốc, chủ nợ hàng đầu của châu Phi, đã từng nhiều lần xóa nợ cho các nước tại đây, theo tuần báo Le Point (17/04), như vào năm 2018, xóa khoản nợ 78 triệu cho Cameroun, 7,2 triệu đô la cho Botswana và 10,6 triệu cho Lesotho ; vào năm 2017 xóa 160 triệu cho Sudan hoặc tái cơ cấu nợ 1,6 tỉ đô la cho Cộng Hòa Congo năm 2019… Tuy nhiên, dịch Covid-19 có lẽ sẽ khiến Trung Quốc bị tác động nghiêm trọng hơn nhiều vì lần này, khối nợ xấu của Trung Quốc mang quy mô toàn tầu.

Pháp bán vũ khí cho Đài Loan: Paris bác bỏ phản đối của Bắc Kinh

Hộ tống hạm lớp Lafayette của hải quân Đài Loan tham gia cuộc tập trận ở ngoài khơi căn cứ Tả Doanh ( Tsoying) Cao Hùng (Kaohsiung), Đài Loan, ngày 21/07/2014 AFP – MANDY CHENG

Hôm 13/05/2020, Paris đã lên tiếng bác bỏ tuyên bố phản đối và đe dọa của Bắc Kinh liên quan đến một thương vụ theo đó Pháp sẽ hiện đại hóa hệ thống tên lửa trang bị trên các chiến hạm được bán trước đây cho Đài Loan. Paris đồng thời khuyên Bắc Kinh nên “đặt trọng tâm” vào nỗ lực chung hiện nay nhằm chống đại dịch Covid-19.

Theo hãng tin Pháp AFP, trong một tuyên bố, bộ Ngoại Giao Pháp đã cho rằng: “Đối mặt với cuộc khủng hoảng Covid-19, mọi chú ý và nỗ lực của chúng ta phải tập trung vào cuộc chiến chống đại dịch”.

Phát biểu này được đưa ra một hôm sau khi Trung Quốc kêu gọi Pháp “hủy bỏ” thỏa thuận vũ khí vừa ký kết với Đài Loan, và đe dọa rằng một giao dịch như vậy với Đài Loan có thể “gây tổn hại cho quan hệ Pháp-Trung”.

Bộ Ngoại Giao Pháp nhấn mạnh: “Theo khuôn khổ tuyên bố Pháp-Trung năm 1994, Pháp vẫn thực hiện chính sách một nước Trung Hoa duy nhất và tiếp tục kêu gọi đối thoại giữa hai bên bờ eo biển (Đài Loan)”, và trong bối cảnh đó “Pháp tôn trọng nghiêm ngặt các cam kết hợp đồng đã thiết lập với Đài Loan và không hề thay đổi lập trường kể từ năm 1994”.

Hợp đồng gây tranh cãi liên quan đến thiết bị trên 6 chiếc hộ tống hạm lớp Lafayette mà Pháp đã bán cho Đài Loan vào năm 1991, một thương vụ từng gây ra khủng hoảng ngoại giao nghiêm trọng giữa Paris và Bắc Kinh.

Trong một thông cáo báo chí ngắn gọn ngày 07/04/2020 vừa qua, Hải Quân Đài Loan cho biết ý định hiện đại hóa các chiến hạm do Pháp sản xuất.

Một nguồn tin thạo tin đã xác nhận với AFP rằng một hợp đồng đã được bộ Quốc Phòng Đài Loan ký kết với đối tác Pháp DCI-Desco – một đơn vị của tập đoàn vũ khí Pháp Défense Conseil International DCI – liên quan đến việc hiện đại hóa hệ thống phóng mồi nhử chống tên lửa Dagaie trang bị trên 6 chiếc hộ tống hạm mua của Pháp.

Theo truyền thông Đài Loan, trích dẫn một trang web của chính phủ Đài Loan, trị giá hợp đồng là 800 triệu đài tệ tương đương với khoảng 24,6 triệu euro.  

Biển Đông: Chiến hạm Mỹ trở lại vùng biển có đối đầu giữa tàu Malaysia và Trung Quốc

Tàu cận chiến duyên hải USS Gabrielle Giffords (LCS 10) hoạt động gần tầu khoan dò dầu khí West Capella, treo cờ Panama, tại Biển Đông, ngày 12/05/2020. © U.S. Navy photo by Mass Communication Specialist 2nd Class Brenton Poyser

Trong một thông cáo đăng trên trang web của Hạm Đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ vào hôm qua, 12/05/2020, lực lượng Hải Quân Mỹ cho biết là một chiến hạm Mỹ đã được phái đến làm nhiệm vụ ngay trong khu vực ở Biển Đông nơi có tàu thăm dò dầu khí cho Malaysia hoạt động và một chiếc tàu khảo sát Trung Quốc gần đấy.

Bản thông cáo nói rõ là tàu cận chiến duyên hải USS Gabrielle Giffords (LCS 10) đã thực hiện những hoạt động “hiện diện” gần tầu khoan dò dầu khí West Capella, treo cờ Panama ở Biển Đông ngày 12/05.

West Capella là tàu khoan dò được tập đoàn dầu khí Petronas của Malaysia thuê để thăm dò trong vùng biển mà nước này tuyên bố là vùng đặc quyền kinh tế của họ.

Thông cáo kèm theo một bức ảnh chụp chiếc Gabrielle Giffords di chuyển sát tàu khoan của Malaysia, và trích lời chuẩn đô đốc Fred Kacher, chỉ huy nhóm tác chiến viễn chinh số 7 xác định rằng hoạt động của chiến hạm Mỹ cho thấy khả năng to lớn của Hải Quân Hoa Kỳ trong khu vực và là tín hiệu tốt nhất thể hiện sự ủng hộ của Mỹ đối với một khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

Thông cáo cũng nhắc lại rằng đây là lần thứ hai trong không đầy một tuần mà một chiến hạm Mỹ đến hoạt động gần tàu khoan Malaysia. Ngày 07/05 vừa qua, tàu cận chiến duyên hải USS Montgomery (LCS-8) cùng tàu tiếp liệu USNS Cesar Chavez (T-AKE 14) cũng đã đến vùng biển này.

Tàu chiến Mỹ hiện diện trong khu vực vào lúc Trung Quốc cũng cho tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8 cùng các tàu hải cảnh hộ tống đến hoạt động trong khu vực, vừa bám đuôi tàu Malaysia, vừa làm công việc khảo sát như từng làm vào năm ngoái tại khu vực Bãi Tư Chính và bờ biển miền Trung Việt Nam, sâu bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở Biển Đông.

Tàu thăm dò Malaysia đã rời khu vực.

Theo hãng tin Anh Reuters, chiếc tàu thăm dò dầu khí cho Malaysia West Capella đã rời khu vực vào hôm qua, 12/05. Giới điều hành chiếc tàu cho biết là con tàu đã rời đi sau khi hoàn thành công việc của mình.

Reuters ghi nhận là sự kiện này diễn ra sớm hơn so với kế hoạch, lẽ ra phải kéo dài đến cuối tháng.

Về phần đội tàu Trung Quốc, Reuters cho biết là các cứ liệu định vị hàng hải cho thấy là chiếc Hải Dương Địa Chất 8 vẫn hiện diện gần đây, ở vùng biển cách bờ biển Malaysia khoảng 230 hải lý.

Thực tế đáng buồn phía sau vụ tàu Trung Quốc ‘thủy táng’ thuyền viên Indonesia

Hàn Quốc và Bộ Tư lệnh Liên Hợp Quốc đã gửi binh sĩ tới trấn áp các tàu đánh bất cá hợp pháp của Trung Quốc ở vùng biển trung lập cửa sông Hàn giữa hai miền Triều Tiên
(ảnh minh họa lấy từ bản tin của tờ Koreabizwire).

Đầu tuần trước, đài MBC của Hàn Quốc đã phát hành một cảnh quay vụ việc thả xác thuyền viên Indonesia từ một tàu cá Trung Quốc. Vụ “thủy táng” này đã khiến cộng đồng Indonesiaphẫn nộ.

Báo cáo của MBC cho biết, trong vài tháng qua, hai thuyền viên Indonesia khác đã chết trên trên các tàu thuộc sở hữu của công ty Dalian Ocean Fishing, Co. Ltd, Trung Quốc, và thi thể của họ bị thả xuống biển.

Báo cáo cũng phơi bày điều kiện sinh hoạt và làm việc nghèo nàn trên các tàu có các thuyền viên Indonesia. Họ bị buộc làm việc tới 18 giờ mỗi ngày và chỉ được trả 150 USD (khoảng 3,5 triệu đồng) sau khi làm việc được 13 tháng.

Báo cáo nói các thuyền viên buộc phải uống nước biển lọc, sinh hoạt trong điều kiện tồi tàn mà không được chăm sóc sức khỏe. Khi có người trên tàu bị ốm, chủ tàu không cho họ lên bờ điều trị, dẫn đến những cái chết như đã nêu.

Chính phủ Indonesia thông qua Bộ trưởng Ngoại giao Retno Marsudi hứa sẽ giải quyết vấn đề này. Bà Marsudi đã yêu cầu chính phủ Trung Quốc điều tra công ty Dalian Ocean Fishing, Co. Ltd và trừng phạt công ty nếu những cáo buộc vi phạm nhân quyền được chứng minh.

Indonesia cũng đã thu xếp việc hồi hương cho các thuyền viên Indonesia còn lại rời khỏi các tàu Trung Quốc ở Busan, Hàn Quốc.

Có báo cáo cho rằng, các gia đình đồng ý việc “chôn cất trên biển” như vậy và đã nhận được 10.000 USD tiền bảo hiểm theo như hợp đồng lao động. Nhưng các gia đình này đã bác bỏ thông tin đó và nói rằng họ chỉ biết sự tình sau khi video về vụ thả xác lan truyền trên mạng.

Người lao động nước ngoài bị ngược đãi

Vụ việc đã góp phần làm sáng tỏ việc lao động nước ngoài bị bóc lột và ngược đãi, đặc biệt trong ngành đánh bắt cá. Nó cũng cho thấy những lỗ hổng trong hệ thống bảo hộ người lao động hiện hành của các bên liên quan, bao gồm Indonesia, Trung Quốc và Hàn Quốc.

Ai sẽ chịu trách nhiệm bảo vệ người lao động Indonesia trên tàu thuộc sở hữu của công ty Trung Quốc hoạt động bất hợp pháp trong lãnh hải Hàn Quốc?

Trường hợp thuyền viên Indonesia chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Nhiều người cho rằng, vụ việc là một thực tiễn điển hình của các công ty Trung Quốc.

Cả Trung Quốc và Hàn Quốc đều có điểm yếu trong việc bảo vệ người yếu thế. Việc người nhập cư bị ngược đãi vẫn tiếp diễn, bao gồm lạm dụng bằng lời nói, lạm dụng thân thể và phân biệt chủng tộc. Người sử dụng lao động thường tự ý cắt giảm các khoản tiền lương của công nhân và tăng giờ làm mà không có sự đồng ý của họ. Đáng buồn là do sợ mất giấy phép làm việc nên người lao động chịu đựng những lạm dụng như vậy.

Xu hướng gần đây trong lĩnh vực thủy sản cho thấy nhiều công ty đang tìm lao động giá rẻ để bù đắp những khoản lỗ do sự cạn kiệt nguồn cá bởi đánh bắt quá mức. Nhu cầu lao động giá rẻ được đáp ứng, dẫn đến ngày càng nhiều hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, nạn buôn bán người và lao động cưỡng bức.

Hàn Quốc là nước trả lương tối thiểu cao hơn các quốc gia khác, nhưng môi trường làm việc của Hàn Quốc cũng có những yếu kém. Đầu năm nay, một nhóm bảo vệ quyền lợi cho người lao động đã tổ chức một cuộc biểu tình kêu gọi sửa đổi luật lao động Hàn Quốc. Luật hiện hành bị lên án bởi những hạn chế nghiêm trọng trong khi lại cấp một số đặc quyền cho người chủ sử dụng lao động, do đó cho phép bóc lột người lao động nhập cư.

Thiếu khung pháp lý quốc tế bảo vệ người lao động nước ngoài

Indonesia, Trung Quốc, và Hàn Quốc không phê chuẩn Công ước lao động ngư nghiệp của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) năm 2007, giao thức quốc tế duy nhất hiện có để đảm bảo điều kiện sống và làm việc cho thuyền viên tàu cá. Do đó, những quốc gia này chỉ phải chịu nghĩa vụ hạn chế trong khung pháp lý quốc tế vốn được dùng để bảo vệ người lao động trong ngành đánh bắt cá.

Còn có các khung pháp lý quốc tế khác, như Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS) và Công ước Quốc tế về An toàn sinh mạng con người trên biển 1974 (SOLAS Convention), bắt buộc chủ tàu trên biển phải hỗ trợ và tìm cách giải cứu cho bất kỳ ai gặp nạn trên biển và đưa họ lên bờ ngay khi có thể. Tuy nhiên, vụ việc xảy ra trên tàu cá Trung Quốc đã dẫn đến nghi ngờ rằng tàu này không thực hiện theo các quy định đó.

Related posts