Tin thế giới sáng thứ Ba 12/5: Covid-19: Pháp vừa giải tỏa vừa lo

Covid-19: Pháp vừa giải tỏa vừa lo

Ảnh chụp tại ga Saint-Lazare, Paris, ngày 11/05/2020, ngày đầu tiên Pháp dỡ bỏ phần nào lệnh phong tỏa. REUTERS/Charles Platiau


Sau 8 tuần được đặt trong tình trạng phong tỏa phòng chống dịch Covid-19, hôm nay 11/05 là một ngày đặc biệt, nước Pháp bắt đầu gỡ bỏ một phần các biện pháp hạn chế hoạt động đời sống thường nhật. Một giai đoạn mới mở ra với người dân Pháp trong tâm trạng vừa thở phào nhẹ nhõm nhưng lại không ít lo lắng, thận trọng và hoài nghi.

Nhưng đó mới chỉ là giai đoạn 1 kéo dài 3 tuần của cả tiến trình giải tỏa hoàn toàn mà điểm kết thúc phụ thuộc vào diễn tiến tình hình dịch, không ai có thể nói trước điều gì. Có thể thấy không khí ngày dỡ bỏ phong tỏa của nước Pháp ở khắp các trang báo ra hôm nay.

Le Monde chạy tựa “Dỡ phong tỏa: những bất trắc của ngày 11/05”. Có thể nói cuộc chiến chống Covid-19 đặt nước Pháp trước thách thức chưa từng có, và giờ đây giai đoạn thoát khỏi vòng phong tỏa do virus corona cũng đang đặt ra rất nhiều thử thách mới cho mọi người dân cũng như chính phủ Pháp. Le Monde nhận định, giai đoạn giải tỏa thực sự sẽ phải là từ ngày 02/06. Đây vẫn chỉ là giai đoạn khởi động, thăm dò. Từ nay đến khi đó, “mọi người vẫn như đi trên trứng với nỗi ám ảnh làm sao không để dịch bùng lên một lần nữa”. Các chỉ số về mức độ virus lây lan và mật độ bệnh nhân ở nhiều vùng đông bắc vẫn còn đáng lo ngại.

Với chính phủ, Le Monde ghi nhận « việc dỡ bỏ phong tỏa lần này đang diễn ra dưới sức ép của dư luận ». Chính phủ đang cân bằng việc trở lại với tự do, khôi phục hoạt động đời sống xã hội với cuộc chiến chống dịch. Một mục tiêu không dễ thực hiện khi mà ngay từ đầu dịch, các quyết định của chính phủ luôn tỏ ra chậm hơn so với thực tế.

Nhật báo kinh tế Les Echos chạy tựa lớn ngắn gọn nhưng nhiều hàm ý : « Một thời kỳ mới ». Tờ báo ghi nhận : « Pháp bước vào việc dỡ phong tỏa rủi ro cao ». Trên phương diện y tế, thì đây là bước đi đầy nguy hiểm. Cho đến giờ, dịch bệnh đã làm 26 nghìn người chết và Pháp là nước bị dịch nặng thứ 5 thế giới. Hiện tại, vẫn còn 4 vùng lớn ở khu vực đông bắc đất nước vẫn là những vùng đỏ, tức là những điều kiện y tế, bệnh dịch vẫn còn rất căng thẳng. Mặc dù vậy, trước việc phải khẩn cấp khôi phục hoạt động đời sống kinh tế, chính phủ vẫn phải giải tỏa hoạt động cho đất nước. Trên phương diện chính trị, quyết định này là một trắc nghiệm cho tổng thống Emmanuel Macron, trong lúc mà chính phủ của ông đang bị chỉ trích nhiều trong việc xử lý khủng hoảng dịch.

Giữa rủi ro không tránh được và đòi hỏi cấp bách bảo vệ người dân Pháp, đang lo lắng cả về đời sống kinh tế cũng như y tế, tổng thống Emmanuel Macron phải “đặt cược lớn”. Theo Les Echos, đại đa số người dân pháp vẫn rất lo lắng vì dịch bệnh thì vẫn chưa khống chế được, chưa có thuốc chữa hay vắc xin. Họ còn lo lắng về vố số vấn đề đặt ra khi dỡ phong tỏa trong bối cảnh đang rất mất lòng tin với việc xử lý khủng hoảng dịch của chính phủ.

Đại đa số dân Pháp mất niềm tin vào chính quyền

Về lòng tin của dân vào chính phủ trong xử lý dịch, Le Figaro so sánh Pháp với các nước châu Âu qua những con số thăm dò dư luận. Tờ báo cho biết: “Về dịch virus corona : Người Pháp vô địch châu Âu về ngờ vực chính quyền”. Theo một nghiên cứu của Viện thăm dò dư luận Odoxa thực hiện cho Le Figaro, “trong lúc mà đa số người dân châu Âu đánh giá chính phủ của họ đã hành động đúng tầm với tình hình trong cuộc khủng hoảng virus corona thì 66% người Pháp lại nghĩ ngược lại. Chỉ có 34% dân Pháp tỏ ra ủng hộ hành động của chính phủ”. Đi vào chi tiết, Le Figaro cho biết thêm: “Xung quanh vụ khủng hoảng y tế này, 75% dân Pháp cho rằng chính phủ đã không nói ra sự thật. 74% cho rằng chính phủ đã không đưa ra những quyết định tốt vào đúng thời điểm. ¾ dân chúng còn thấy chính quyền đã không làm những việc cần thiết để hỗ trợ các bệnh viện và nhân viên y tế”.

Vẫn theo thăm dò dư luận trên, dù việc phong tỏa đã được đại đa số người dân châu Âu cũng như Pháp thực hiện tốt, nhưng cũng không ít người lo lắng về việc ra khỏi phong tỏa cùng các hệ quả của nó. Có 35% dân Pháp cho biết không muốn dỡ bỏ phong tỏa từ ngày 11/05, chủ yếu là vì lý do y tế. Trong khi đó, 28% lo sợ bị mất việc làm trong tháng tới. Tại Pháp, tỉ lệ thất nghiệp tăng cao đi kèm với sự mất lòng tin báo hiệu một cuộc khủng hoảng xã hội mới. Tổng thống Pháp đang đứng trước một thách thức khác là “hậu khủng hoảng”. Thực thi giải tỏa mới bắt đầu nhưng đã có dấu hiệu nguy hiểm cho chính phủ, Le Figaro kết luận.  

19 thủy thủ Iran thiệt mạng do hỏa tiễn bắn nhầm

19 thủy thủ thiệt mạng trong vụ tên lửa Iran bắn nhầm tàu đồng đội - 1
Hình ảnh được cho là từ vụ bắn nhầm của tên lửa Iran. Hiện giới chức Iran chưa xác nhận bức ảnh này. (Ảnh: Naval News)

Reuters dẫn thông báo ngày 11/5 của hải quân Iran cho hay, một hỏa tiễn Iran đã bắn nhầm vào tàu hỗ trợ Konarak của nước này trong một vụ tập trận tại Vịnh Oman hôm 10/5. Sự việc đã khiến 19 thủy thủ thiệt mạng và 15 người khác bị thương.

Truyền thông Iran cho biết vụ bắn nhầm hỏa tiễn là một vụ tai nạn, do tàu Konarak – khí tài có nhiệm vụ đặt các mục tiêu giả định ở vùng biển cho các tàu khác tập bắn – ở quá gần so với mục tiêu diễn tập. Chính vì vậy, nó đã bị hỏa tiễn từ tàu khác bắn vào dẫn tới tai nạn. 

Far News dẫn một nguồn tin quân sự chưa xác định đã bác bỏ thông tin từ truyền thông Iran rằng tàu Konarak bị chìm.

Hãng tin trên dẫn lời quan chức Iran cho hay 2 thủy thủ bị thương hiện đang trong khu chăm sóc tích cực. Những người còn lại đang trong tình trạng ổn định. Quân đội Iran nhấn mạnh rằng vụ việc đang được các chuyên gia xem xét và kêu gọi mọi người tránh đưa ra “mọi suy đoán” về vụ tai nạn. 

Tai nạn gần eo biển Hormuz

19 thủy thủ thiệt mạng trong vụ tên lửa Iran bắn nhầm tàu đồng đội - 2
Vụ việc xảy ra ở cảng Jask, gần eo biển Hormuz (Đồ họa: AFP)

Tai nạn xảy ra ở cảng Jask, cách thủ đô Tehran 1270km về hướng đông nam, và nằm gần eo biển Hormuz – nơi quân đội Iran vẫn thường tổ chức tập trận quân sự. Phía Tehran cho hay, họ sẽ tiến hành điều tra kỹ hơn về vụ tai nạn.

Tàu Konarak đóng tại Hòa Lan, dài 47 mét và được nâng cấp hồi năm 2018. Hãng tin Anadolou của Thổ Nhĩ Kỳ cho biết có khoảng 40 thủy thủ ở trên tàu Konarak khi vụ tai nạn xảy ra. Tuy nhiên, thông tin này chưa được xác minh.

Tai nạn xảy ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Iran vẫn chưa hạ nhiệt. Kể từ sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân và gia tăng trừng phạt lên Tehran, hai quốc gia đã liên tục có các động thái thách thức lẫn nhau. Gần đây nhất, cả Mỹ và Iran đều dọa sẽ bắn tàu của nhau trong kịch bản một bên khiêu khích trước.

Cầu thủ 19 tuổi đột ngột qua đời

Andrea Rinaldi, tài năng bóng đá lớn của Ý vừa qua đời.

Cầu thủ 19 tuổi đột ngột qua đờiRinaldi không thể chống chọi lại cơn bạo bệnh bất ngờ ập đến, để lại nỗi tiếc thương cho gia đình, bạn bè, đồng đội và các huấn luyện viên.

Tiền vệ Andrea Rinaldi (19 tuổi) của CLB Atalanta đã qua đời tại bệnh viện hôm thứ Sáu sau 3 ngày bất tỉnh. Thông tin trên được Legnano, đội bóng Rinaldi đang thi đấu.

“Thành phố nhỏ bé của chúng tôi nói riêng, toàn bộ thế giới bóng đá nói chung hôm nay đã trải qua một cú sốc lớn. Andrea Rinaldi, chiến binh tí hon của chúng tôi đã ra đi và mãi mãi không quay trở lại”, trích thông báo trên trang chủ Legnano.

“Chứng phình mạch máu não đã cướp đi mạng sống, cũng như tương lai đầy hứa hẹn trước mắt của của Rinaldi. Đây thực sự là một bi kịch đến quá đột ngột, không ai có thể tưởng tượng nổi”.

Nguyên nhân cái chết của Rinaldi, như thông báo của Legnano, là chứng phình mạch máu não (aneurysm). Theo người nhà Rinaldi, cậu đang luyện tập chăm chỉ như mọi ngày thì đột nhiên ngã ra rồi mê man bất tỉnh, khi nhập viện thì đã rơi vào tình trạng chết một phần não. Các bác sĩ dù cố hết sức vẫn không thể giúp cậu tỉnh lại.

Andrea Rinaldi trưởng thành từ lò đào tạo của Atalanta. Cậu được đánh giá là một trong những tài năng chói sáng nhất, là mầm non hứa hẹn. Nhận thấy tiềm năng trong Rinaldi, CLB Legnano đã hỏi mượn Atalanta. Đây là hành động có lợi cho đôi bên vì Legnano đang cần một tiền vệ tấn công để phục vụ mục tiêu ở giải Serie D, cá nhân Rinaldi cũng có thêm cơ hội ra sân.

Mùa này Rinaldi hầu như chẳng bỏ lỡ một trận đấu nào cho Legnano (23 lần ra sân). Thậm chí, cậu còn để lại ấn tượng với một pha sút xa thành bàn tuyệt đẹp.

Theo mô tả của Giovanni Munafo, Chủ tịch CLB Legnano, Rinaldi là một cậu bé tuyệt vời. Cầu thủ trẻ sinh năm 2001 thường xuyên đến sân trước mọi đồng đội và chưa bao giờ quên việc đi qua chào tạm biệt ông Munafo trước khi ra về.

Tổng thống Trump ‘không có hứng’ mở lại đàm phán thương mại với Trung Quốc

Tổng thống Mỹ Donald Trump (ảnh chụp màn hình video của Nhà Trắng).

Tổng thống Donald Trump hôm thứ Hai (11/5) tuyên bố ông “không có hứng” với việc mở lại các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc, trong bối cảnh Hoa Kỳ đang phải chịu tổn thất nghiêm trọng vì dịch viêm phổi Vũ Hán.

Reuters đưa tin, ông Trump đưa ra tuyên bố này tại một cuộc họp báo về tình hình COVID-19.

Khi được hỏi liệu ông có ủng hộ việc tái khởi động thỏa thuận thương mại Giai đoạn 1 với Bắc Kinh hay không, như một số cố vấn Trung Quốc đã đề xuất, Tổng thống Trump trả lời: “Tôi không có hứng. Chúng tôi đã ký một thỏa thuận. Tôi cũng đã nghe nói về việc đó – họ muốn mở lại các cuộc đàm phán thương mại để khiến nó trở thành một thỏa thuận có lợi hơn đối với họ”.

Hôm 8/5, ông Trump nói với Fox News rằng ông chưa quyết định liệu có tiếp tục duy trì thỏa thuận Giai đoạn 1 với Trung Quốc hay không.

Cũng hôm 11/5, cố vấn thương mại hàng đầu của Tổng thống Trump, ông Peter Navarro đe dọa Washington sẽ trả đũa Bắc Kinh để trừng phạt trách nhiệm của chính quyền Trung Quốc khi để xảy ra đại dịch COVID-19.

“Trung Quốc phải bị gửi một hóa đơn đòi nợ”, ông Navarro phát biểu trong cuộc phỏng vấn với CNBC. “Chắc chắn họ sẽ bị trừng phạt, vấn đề đặt ra bây giờ là phải buộc Trung Quốc chịu trách nhiệm, phải buộc Đảng Cộng sản Trung Quốc phải chịu trách nhiệm”.

Cắt bỏ lệ thuộc Trung Quốc, Nhật Bản kêu gọi 400 công ty sản xuất nội địa

Một phụ nữ Nhật Bản mua tích trữ khẩu trang (ảnh chụp màn hình phóng sự của Nippon TV News 24 Japan / Youtube).

Chính phủ Nhật Bản đã làm việc với hơn 400 doanh nghiệp của nước này nhằm tăng cường sản xuất nội địa các sản phẩm y tế và chấm dứt phụ thuộc vào Trung Quốc, Nikkei đưa tin.

Động thái của Tokyo diễn ra trong khi Nhật Bản phải lệ thuộc vào nguồn vật tư y tế nước ngoài để ứng phó với dịch viêm phổi có nguồn gốc từ Vũ Hán, Trung Quốc.

Nikkei cho biết các nhà sản xuất Nhật Bản thường nhập khẩu khoảng một nửa số hoạt chất của họ từ Trung Quốc, Hàn Quốc và các nước khác. Tuy nhiên, đại dịch toàn cầu Covid-19 đã làm xáo trộn hoạt động thông quan trên toàn thế giới.

Một nhà giao dịch cho biết: “Việc giao hàng trước kia thường mất 4-5 ngày, thì giờ phải cần đến 3 tuần”.

Theo Nikkei, bộ kinh tế và bộ y tế của Nhật Bản đang tổng hợp thông tin về hơn 400 công ty tình nguyện tham gia sản xuất vật tư y tế, cùng với các nhà sản xuất hiện có. Danh sách này sẽ được cung cấp cho Hiệp hội Y khoa Nhật Bản và các bệnh viện để giúp họ nhanh chóng tìm thấy các nhà cung cấp các sản phẩm mà họ cần.

Nhật Bản là một trong số các quốc gia đang rời bỏ Trung Quốc sau khi chính quyền Bắc Kinh bị sụt giảm uy tín nghiêm trọng vì tình trạng che giấu dịch bệnh, làm thế giới bỏ lỡ thời điểm vàng để ứng phó với Covid-19, khiến virus lây lan tới hơn 200 quốc gia, hơn 4 triệu người nhiễm và hơn 200.000 người tử vong.

Tháng trước Nhật Bản tuyên bố sẽ chi hơn 2 tỷ USD để hỗ trợ các doanh nghiệp di dời hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc.

Bộ Tư pháp Mỹ bất ngờ hủy vụ án chống lại Trung tướng Michael Flynn

Ảnh chụp màn hình video: https://youtu.be/m4gHUIGu-dE.

Ngày 7/5, Bộ Tư pháp Mỹ bất ngờ có động thái hủy bỏ vụ án hình sự chống lại Trung tướng Michael Flynn, cựu lãnh đạo Cơ quan Tình báo Quốc phòng Hoa Kỳ (DIA) kiêm cựu cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Donald Trump.

Theo Epoch Times, ông Flynn đã nhận tội vào ngày 1/12/2017 với tội danh nói dối trong một cuộc trả lời chất vấn của Cục điều tra liên bang Mỹ FBI hồi đầu năm ngày 24/1/2017.

“Chính phủ đã kết luận rằng cuộc chất vấn của FBI với Flynn là ép buộc và bất công, bởi cuộc điều tra phản gián của FBI nhắm vào Flynn không phải là một cuộc điều tra chính đáng, theo lời của chính FBI, nó cho thấy ông ấy ‘không hề có bất kỳ vi phạm nào’, và do đó [vụ án] được đóng lại”, Timothy Shea, quyền công tố viên liên bang của Quận Columbia cho biết.

Vì chính phủ đã không bị “thuyết phục” rằng FBI đã chất vấn Flynn với “một cơ sở điều tra hợp pháp”, nên lời nhận tội của Flynn là không liên quan, không cấu thành một tội phạm. Một lời nói dối chỉ cấu thành một tội phạm nếu nó là “có chứng cứ”, nghĩa là nó phải có một “sức nặng chứng minh” liên quan đến vấn đề điều tra, công tố viên liên bang Shea nói.

“Hơn nữa, chúng tôi không tin rằng chính phủ có thể chứng minh việc các tuyên bố sai lệch có liên quan hay không và cả tính cụ thể của bằng chứng đối với một nghi ngờ đủ hợp lý”.

Vụ án Flynn đã trở thành tâm điểm chỉ trích của phe những người ủng hộ Tổng thống Trump chống lại một số cựu quan chức FBI hàng đầu trước đây đã tham gia vào cuộc điều tra có tên là Crossfire Hurricane. Cuộc điều tra, được đưa ra vào năm 2016, để xác định xem liệu chiến dịch của ông Trump có thông đồng với nước Nga để gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử tổng thống hay không. Nó đã được tiếp quản vào tháng 5/2017 bởi một công tố viên đặc biệt, cựu Giám đốc FBI Robert Mueller, người đã kết luận vào tháng 3/2019 rằng cuộc điều tra không thể tìm ra bất kỳ sự thông đồng nào như vậy.

Những đánh giá về cuộc điều tra liên quan đến nước Nga [của FBI] đã phát hiện ra rất nhiều bất thường và sai trái. Ít nhất, chính một số điều tra viên hiện đang bị điều tra hình sự trở lại bởi công tố viên liên bang John Durham.

Flynn đã phản ứng lại tin tức này, bằng cách đăng lên Twitter một đoạn video ghi hình cháu trai của ông hát quốc ca. “Cháu trai Travis… và ‘CÔNG LÝ giành cho TẤT CẢ’”, vị tướng đã nghỉ hưu viết.

Việc bác bỏ vụ án Flynn được đề nghị bởi Jeffrey Jensen, công tố viên liên bang của Quận Đông Missouri, người được Tổng chưởng lý William Barr giao quyền vào hồi tháng 1 để thực hiện việc xem xét lại vụ án. “Tôi kết luận, một cách đúng đắn và chính đáng, tòa án nên bác bỏ vụ án”, ông Jensen nói trong một tuyên bố ngày 7/5 do Bộ Tư pháp công bố. “Tôi đã tóm tắt những phát hiện của mình cho ngài Tổng chưởng lý Barr, tư vấn cho ông ấy về những kết luận này và ông ấy đã đồng ý”.

Theo Washington Times, luật sư bào chữa kỳ cựu John Dowd, người đại diện cho Tổng thống trong cuộc điều tra Mueller, nói rằng ông “rất vui mừng” cho tướng Flynn và Tổng thống. “Bộ Tư pháp hôm nay đã tỏa sáng. Liêm chính đã trở lại trong Bộ Tư pháp, nhờ có ngài William Barr. Đó là một ngày tuyệt vời, tuyệt vời cho đất nước”, luật sư Dowd nói.

Nhận xét về FBI và cựu Giám đốc James B. Comey, ông nói: “Khi người ta muốn hành động tham nhũng và lừa đảo, làm bạn mất cảnh giác, thì đó là cách mà cựu Giám đốc FBI Comey đã làm. Ông ta đã làm một việc đáng xấu hổ. Ông ta đã lợi dụng [sự chân ướt chân ráo của] một chính quyền mới thành lập”, ông nói. “Tổng thống Trump không phải là một chính khách. Ông ấy là một doanh nhân. Vì vậy, trong khi [chính quyền mới] đang cố gắng để đưa mọi thứ vào trật tự, thì [FBI] đã lợi dụng nó. Những gì ông ta [Comey] đã làm là xảo quyệt”.

Related posts