Kế “đục nước bắt cá” của Trung Quốc ở biển Đông có thể phản tác dụng

  • Trọng Đức

Trong binh pháp 36 kế, có một kế là hỗn thủy mạc ngư, tức thừa nước đục bắt cá. Nay cả thế giới đang quay cuồng trong cơn bão COVID-19 (vốn bắt đầu từ chính Trung Quốc), Mỹ và Châu Âu phải tập trung mọi nguồn lực chống dịch, thì Bắc Kinh tức tốc thúc đẩy các hoạt động trên biển Đông để vừa thực hiện âm mưu từ lâu của mình, vừa “rút củi đáy nồi”, chuyển hướng áp lực đang sục sôi trong dân chúng ra nước ngoài.

Ông Tập Cận Bình (Ảnh: VOA)

Ngày 2/4, Trung Quốc đâm chìm tàu cá của Việt Nam hoạt động ở Hoàng Sa. Trong khi vấp phải sự chỉ trích của Việt Nam và thế giới, Trung Quốc đưa ra một lời giải thích vô lý rằng chính tàu cá của Việt Nam đã húc vào tàu hải cảnh của Trung Quốc rồi chìm.

Ngày 14/4, Trung Quốc xua tàu Hải Dương Địa Chất 8 ra biển Đông, con tàu “tai tiếng” đã cắm cọc ở vùng biển Việt Nam suốt nhiều tháng với mục tiêu được cho là quấy rối hoạt động dầu khí của Việt Nam.

Hôm 19/4, Bộ Dân chính Trung Quốc công bố “danh xưng tiêu chuẩn” cho 25 đảo, bãi đá ngầm cùng 55 thực thể địa lý dưới đáy biển ở Biển Đông, phần lớn số này nằm trong quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Việt Nam nói trong những thực thể này có những bãi cạn nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, có điểm chỉ cách bờ biển Việt Nam chưa đầy 60 hải lý hoặc đường cơ sở Việt Nam khoảng 50 hải lý.

Trước đó một ngày, hôm 18/4, Trung Quốc tuyên bố thành lập cái gọi là “quận Tây Sa” và “quận Nam Sa” thuộc “thành phố Tam Sa”, hai quận hành chính để quản lý quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Không những thế, Trung Quốc còn gửi công hàm lên Liên Hiệp Quốc tố cáo Việt Nam chiếm đóng trái phép các đảo thuộc Trung Quốc, yêu cầu Việt Nam rút toàn bộ nhân lực khỏi các đảo này.

Cũng trong tháng Tư, bản đồ Hoàng Sa, Trường Sa bị phát hiện xuất hiện trong lãnh thổ Trung Quốc, khi bị chỉ trích, Facebook nói đây là lỗi “cập nhật bản đồ”. Gần đây, người ta phát hiện trên kênh Youtube của tỷ phú Bill Gates có bản đồ đường “lưỡi bò” mà Trung Quốc vẽ ra ở Biển Đông.  Vị tỷ phú người Mỹ này cũng nức tiếng khen ngợi Trung Quốc đã kiểm soát tốt đại dịch, đồng thời ra mặt phản đối chính quyền Trump khi nói không nên đổ lỗi cho Trung Quốc.

Ý đồ chiếm trọn Biển Đông của Bắc Kinh vốn đã rõ như ban ngày, nhưng nay được Bắc Kinh đẩy nhanh tốc độ trong một sự tính toán rằng khi Mỹ đang bị quấn tay bởi đại dịch, Việt Nam và các nước nhỏ ở Đông Nam Á sẽ không dám đối mặt trực diện với sức mạnh của người khổng lồ phương Bắc, nhưng có lẽ Trung Quốc đã nhầm.

Vụ đâm chìm tàu cá Việt Nam rồi bỏ mặc ngư dân đã làm dấy lên làn sóng chỉ trích sự phi nghĩa của Trung Quốc trong bối cảnh thế giới tang tóc vì dịch bệnh. Chính phủ và Quốc hội Mỹ liên tiếp có người đứng lên yêu cầu Trung Quốc chấm dứt hành vi bắt nạt các nước nhỏ.

Chúng ta đã thấy Trung Quốc đang… chèn ép láng giềng ở Biển Đông, thậm chí đi xa đến mức đâm chìm một tàu đánh cá của Việt Nam. Mỹ cực lực phản đối thói bắt nạt của Trung Quốc. Chúng tôi hi vọng các nước khác sẽ buộc họ chịu trách nhiệm“, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói hôm 23/4, theo Reuters.

Hôm 24/4, tàu khu trục mang tên lửa đàn đạo USS Barry đã băng ngang qua eo biển hẹp nằm giữa Đài Loan và Trung Quốc đại lục để tiến về phía Biển Đông, đánh dấu lần thứ hai trong vòng chưa đầy 1 tháng tàu chiến Mỹ đi qua khu vực này. Trong lúc đó tại phía nam Biển Đông, 3 tàu chiến của Mỹ và 1 tàu khu trục Úc đã tham gia một cuộc tập trận chung tại khu vực không xa nơi tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc khảo sát bất hợp pháp ở vùng biển Malaysia. Mỹ gửi đi một tín hiệu chắc chắn rằng dù đang phải vật lộn với đại dịch, Mỹ cũng không bỏ quên lợi ích của mình ở vùng biển then chốt này.

Trong khi đó, một nước được coi như đã “xoay trục” sang Trung Quốc như Philippines cũng lên tiếng ủng hộ Việt Nam trong vụ đâm tàu.

“Kinh nghiệm tương tự của chúng tôi đã cho thấy niềm tin vào tình bạn đã bị mất như thế nào qua vụ việc như vậy; và niềm tin đã được tạo ra nhiều thế nào bởi hành động nhân văn của Việt Nam trực tiếp cứu mạng sống của ngư dân Philippines của chúng tôi“, tuyên bố có đoạn nêu rõ.

“Chúng tôi đã không ngừng và sẽ không ngừng cảm ơn Việt Nam về hành động đó. Và với suy nghĩ, chúng tôi đưa ra tuyên bố này để thể hiện tình đoàn kết”.

Việt Nam đang được chứng kiến một sự thay đổi trong tầm nhìn chiến lược về biển Đông.

Hôm 26/4, Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh có một phát biểu đáng chú ý rằng Việt Nam đã rút ra nhận thức rõ ràng về ai là bạn, ai chỉ là đối tác, qua những gì chứng kiến về an ninh trên Biển Đông, trong lúc diễn ra đại dịch Covid.

“Điều đáng lên án là những quốc gia nhân cái dịp này đẩy mạnh những hoạt động phi pháp và tham vọng của họ và cái đó tôi cho là không có lợi cho quốc gia đó. Quốc gia nào làm điều đó không có lợi”, ông Vịnh nói với phóng viên.

“Những lúc như thế này chúng ta sẽ biết ai là bạn, ai là bạn thân thiết, ai là người mà chỉ là đối tác. Những lúc như thế này mới thấy rằng khi đất nước mình gặp khó khăn, thì những ai sẽ đến với chúng ta.”

Theo RFA, một chuyên gia của Ấn Độ cho rằng Việt Nam nên hiểu rằng việc coi Mỹ là kẻ thù lâu dài sẽ không có lợi cho các lợi ích chiến lược của Hà Nội. Việt Nam cần ký thỏa thuận an ninh và đối tác chiến lược với Mỹ. Có thể áp dụng theo mô hình quan hệ đối tác chiến lược toàn cầu Ấn Độ-Nhật Bản và tuyên bố chung về hợp tác an ninh.

Về phần mình, Việt Nam đã trở thành tiếng nói chống bá quyền Trung Quốc mạnh mẽ nhất khu vực Đông Nam Á, lập tức phản đối các công hàm “luật rừng” của Trung Quốc về vấn đề biển đảo cũng như thẳng thắn thừa nhận sự cố lịch sử mà Trung Quốc đang lợi dụng để buộc Việt Nam từ bỏ chủ quyền. Trung Quốc lại đưa ra Công Hàm Phạm Văn Đồng 1950 ra Liên Hiệp Quốc, trong đó chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thừa nhận tuyên bố 12 hải lý của Trung Quốc lúc bấy giờ để nói rằng Việt Nam đã thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc ở Hoàng Sa và Trường Sa.

Các chuyên gia luật của Việt Nam đã nhanh chóng lên tiếng bác bỏ suy luận này của Trung Quốc, nói thẳng rằng công hàm này vô nghĩa vì theo Hiệp Định Geneva 1954, hai quần đảo này lúc đó thuộc sự quản lý của Việt Nam Cộng Hòa. Thủ tướng cũng không có quyền từ bỏ lãnh thổ quốc gia, lại càng không thể từ bỏ một phần lãnh thổ mà họ không có quyền quản lý.

Tinh thần chống Trung trong Việt Nam có thể còn dâng cao hơn trong khi nước này tỏ ra rất thành công trong chiến dịch chống dịch COVID-19. Trung Quốc trong khi định nhân thế giới hỗn loạn tóm gọn Biển Đông, thì nay có nguy cơ đưa Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác vào thế đối địch, đồng thời cũng có thể bị mất hết tín nhiệm trên trường quốc tế vì hành động “đục nước béo cò” này.

Trọng Đức

Related posts