Đức sẽ lần đầu thử lâm sàng vắc-xin COVID-19 vào cuối tháng Tư

  • Như Ngọc

Giới chức y tế Đức mới đây đã cho phép thử nghiệm lâm sàng vắc-xin virus corona đầu tiên. Theo tờ DW, đợt thử nghiệm trên người lần đầu sẽ tiến hành trước cuối tháng Tư.Embed from Getty Images

Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn hôm 22/4 đã thông báo phê duyệt thử nghiệm lâm sàng vắc-xin virus corona do một công ty dược phẩm Đức nghiên cứu bào chế.

Viện Paul Ehrlich (PEI) được chính phủ Đức giao nhiệm vụ quản lý phát triển và phê duyệt vắc-xin ở Đức cũng đã chuẩn thuận cho thử nghiệm lâm sàng vắc-xin BNT162b1 chống virus corona (còn được gọi là virus SARS-CoV-2).

Vắc-xin BNT162b1 do nhà nghiên cứu ung thư và miễn dịch học Ugur Sahin cùng đồng nghiệp trong công ty dược BioNTech nghiên cứu phát triển. Vắc-xin này dựa theo nghiên cứu từ trước của ông Sahin cùng cộng sự về miễn dịch ung thư. Ông Sahin đã từng giảng dạy tại Đại học Mainz và hiện đang làm Giám đốc điều hành công ty BioNTech.

Trong một cuộc họp trực tuyến cùng với các nhà nghiên cứu của Viện Paul Ehrlich, ông Sahin nói BNT162b1 là loại vắc-xin RNA. Ông giải thích rằng thông tin di truyền vô hại của virus SARS-CoV-2 được chuyển vào tế bào người thông qua các hạt nano lipid – một hệ thống cung cấp gen không do virus. Các tế bào người sau đó biến đổi thông tin di truyền này thành protein. Chính protein vừa được tạo ra này sẽ kích thích phản ứng miễn dịch của cơ thể người với virus corona chủng mới.

Theo DW, thử nghiệm lâm sàng vắc-xin BNT162b1 trên người sẽ có sự tham gia của 200 tình nguyện viên khỏe mạnh trong độ tuổi từ 18 đến 55. Mục đích của lần thử nghiệm này là để xác định phản ứng miễn dịch và đánh giá xem liệu vắc-xin có gây ra bất kỳ tác dụng phụ không mong muốn nào hay không.

Viện Paul Ehrlich phát đi tuyên bố cho hay: “Thử nghiệm vắc-xin tiềm năng trên người là cột mốc quan trọng trên đường hướng tới bào chế thành công vắc-xin an toàn và hiệu quả chống lại COVID-19 cho người dân Đức và cộng đồng quốc tế”.

Ngoài BNT162b1, công ty dược phẩm BioNTech cũng đang hợp tác cùng công ty dược phẩm Pfizer để nghiên cứu phát triển ba loại vắc-xin RNA khác.

Trong tháng Ba, Mỹ và Trung Quốc cũng đã công bố bắt đầu thử nghiệm lâm sàng vắc-xin COVID-19 trên người.

Giới chức y tế Mỹ ngày 16/3 cho biết đợt thử nghiệm lâm sàng đầu tiên vắc-xin phòng virus corona đã được bắt đầu tại Seattle, bang Washington.

Theo AFP, vắc-xin có tên gọi là mRNA-1273 do các nhà khoa viện Y Tế Quốc Gia phối hợp cùng với hãng công nghệ sinh học Moderna, có trụ sở tại Cambridge, bang Massachusetts, bào chế.

Sau đó một ngày, tờ Nhân dân nhật báo của Trung Quốc hôm 17/3 đưa tin, các nhà nghiên cứu thuộc Học viện Quân y nước này đã được cấp phép thực hiện thử nghiệm lâm sàng giai đoạn đầu vắc-xin phòng COVID-19 do họ mới phát triển.

Cuộc thử nghiệm do Học viện Quân y Trung Quốc phối hợp với công ty công nghệ sinh học CanSino Biologics có trụ sở ở Hồng Kông tiến hành, theo Reuters.

Gần đây hơn, hôm 12/4, các nhà khoa học Israel đã công bố trong vài tuần nữa, nước này sẽ sớm có vắc-xin phòng COVID-19 và sẽ đưa ra thị trường sau ít nhất 90 ngày nữa.

Giám đốc điều hành của Viện nghiên cứu Galilee, ông David Zigdon cho biết Israel sẽ đưa vắc-xin phòng COVID-19 ra thị trường sau ít nhất 90 ngày và đó sẽ là một loại vắc-xin uống.

Vài ngày qua, báo chí Việt Nam đưa tin các chuyên gia y tế đang lập đề cương xin thử nghiệm vắc-xin lao chống COVID-19.

Theo tờ Vietnamnet, Bộ Y tế đã giao Bệnh viện Phổi Trung ương phối hợp với một số đơn vị khác nghiên cứu đề tài vắc-xin BCG ngừa lao có khả năng phòng COVID-19.

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương hôm 20/4 cho biết ông đang hoàn thiện đề cương, dự kiến trong tuần tới sẽ trình Bộ Y tế. Sau khi được thông qua, Bệnh viện sẽ phối hợp với một đơn vị của Pháp để thực hiện thử nghiệm vắc-xin.

Như Ngọc 

Related posts