CORONAVIRUS: LỊCH SỬ DẠY CHÚNG TA ĐIỀU GÌ?

OLIVIER BECHT

‘…Nói tóm lại, sự bão hòa của thông tin xung quanh căn bệnh khiến dường như thế giới đang dừng lại và khi trí tuệ tạo ra một phần thực tế, nó thực sự dường như dừng lại…’

dichta_trungco02

Đối với thế hệ của tôi, dịch bệnh toàn cầu này là một sự kiện chưa từng được biết đến, chưa từng trải nghiệm.

Tuy nhiên, khi nói chuyện với bố mẹ tôi, dường như thế giới đã biết về nó và không chỉ trong các thế kỷ qua.

Không cần phải quay lại thời bệnh dịch hạch, dịch tả hay cúm Tây Ban Nha năm 1918.

Các dịch bệnh khác, rất giống với coronavirus, đã hoành hành thế giới vào năm 1957 và 1969.

Năm 1957, thế giới đã trải qua một đại dịch gọi là “cúm châu Á”. Bố tôi vẫn còn nhớ điều đó vì cả gia đình ông (bố, mẹ, 5 đứa con) đều nằm liệt giường gần như không thể dậy được hơn 15 ngày. “Cúm châu Á” này đã gây ra 100.000 ca tử vong chỉ riêng ở Pháp và hơn 2 triệu ca tử vong trên toàn thế giới.

Năm 1969, cũng từ châu Á, “cúm Hồng Kông” đã tấn công thế giới. Nó đã làm 31.000 người chết ở Pháp và 1 triệu người chết trên toàn thế giới.

Tôi tìm thấy một bài báo trên tờ Libération, xuất bản năm 2005 đã so sánh việc điều trị đợt nắng nóng năm 2003 với “bệnh cúm Hồng Kông”.

Dưới đây là những gì trích từ bài viết này nói về tình hình năm 1969:

“Chúng tôi không có thời gian để đưa người chết ra ngoài. Chúng tôi chất đống những thi thể trong một căn phòng ở phía sau phòng chăm sóc phục hồi. Và chúng tôi đã di dời những xác khi có thể, vào ban ngày, vào buổi tối”. Hôm nay, ông trưởng phòng phân khoa bệnh truyền nhiễm của Trung tâm Bệnh viện Đại học Nice, Giáo sư Dellamonica đã ghi nhớ những hình ảnh kinh hồn về cái gọi là bệnh cúm “Hồng Kông” này, nó đã tàn phá nước Pháp vào đầu mùa đông 1969-1970. Lúc đó ở tuổi đôi mươi, ông làm việc với tư cách nhân viên ngoại trú trong khoa phục hồi của Giáo sư Jean Motin, tại bệnh viện Edouard-Herriot ở Lyon. Người ta nhập viện nằm trên cáng, trong tình trạng thảm khốc. Họ chết vì xuất huyết phổi, môi tím tái, xám xít. Có tất cả mọi lứa tuổi, 20, 30, 40 và hơn nữa. Sự việc kéo dài mười đến mười lăm ngày, và rồi nó dịu xuống. Và lạ thay, chúng tôi đã quên. – Hết trích –

Điều này không xảy ra ở Thế kỷ thứ mười hai, mà là 50 năm trước đây thôi! Lạ thay, chúng ta quên mất.

Điều kỳ lạ hơn nữa là các phương cách ứng phó của giới chính trị và truyền thông đối với dịch này.

Trong khi bệnh viện đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng y tế cực lớn: lượng bệnh nhân tăng đột ngột, không kịp điều trị cho họ, tỷ lệ tử vong lên đến hàng chục ngàn người, không một ai và hầu như không ai nói về điều này.

Báo chí vào thời điểm này nói đến việc phóng phi thuyền Apollo lên Mặt trăng, Chiến tranh Việt Nam, hậu quả của tháng 5 năm 1968 … nhưng không hoặc ít nói đến hàng chục ngàn người chết trong các bệnh viện quá tải. Tệ hơn, thế giới vẫn tiếp tục sinh hoạt, làm như không có gì xảy ra.

Vậy lịch sử dạy chúng ta điều gì?

Đầu tiên đây là một tin tốt. Xã hội của chúng ta đã “trải qua nhiều lần dịch” và chúng ta đã hồi phục sau những dịch bệnh này. Bất chấp cái chết hàng loạt do chúng gây ra, chúng ta không chết hết và cuộc sống sẽ vươn lên.

Sau đó, chi trong vòng 50 năm, tiến bộ kỹ thuật đã thay đổi sâu sắc xã hội của chúng ta. Vào năm 1969, cái chết của hàng triệu cá nhân dường như là một định mệnh không thể tránh khỏi nhưng ngày nay chúng ta không chấp nhận điều này. Chúng ta trông chờ khoa học có thể bảo vệ chúng ta tránh khỏi tất cả những căn bệnh này, đánh bại chúng và có thể một ngày nào đó sẽ đánh bại chính cái chết. Tất nhiên tôi nói về xã hội phương Tây của chúng ta bởi vì số lượng 100.000 cái chết dường như là một cú sốc lớn và không thể chấp nhận được ở châu Âu hoặc Bắc Mỹ trong khi hầu như không ai phản ứng trước thảm cảnh bệnh sốt rét có thể giết chết mỗi năm nửa triệu người Châu Phi

Lịch sử cũng dạy chúng ta rằng những đòi hỏi của chúng ta đối với nhà nước đã thay đổi rất nhiều. Chúng ta bây giờ, và đây là cái giá của nhà nước phúc lợi, sống trong một xã hội “mong đợi mọi thứ từ nhà nước”. Vào năm 1969, không ai mong muốn Pompidou ngăn chặn “cúm Hồng Kông” hoặc thậm chí tổ chức cấm cố dân chúng để cứu người. Ngày nay, tai nạn nhỏ nhất nhất thiết phải là trách nhiệm của một cơ quan công quyền và nếu chúng ta không đạt được kết quả ngay lập tức và thỏa đáng, thì nhất thiết là giới tinh hoa đã thất bại. Tôi cần phải minh định, tôi không tìm cách bào chữa cho bất cứ ai và đúng là mức thuế không giống như năm 1969 vì vậy mức độ yêu cầu chính danh có thể cao hơn. Tôi chỉ nhận định như vậy.

Cuối cùng, lịch sử dạy chúng ta rằng lĩnh vực truyền thông đã thay đổi rất nhiều và có ảnh hưởng to lớn đến việc xử lý các sự kiện. Năm 1969, các phương tiện truyền thông vẫn chủ yếu nằm dưới sự kiểm soát của nhà nước. Vì chúng ta không thể ngăn chặn căn bệnh, chúng ta hầu như không nói về nó. Và cuộc sống vẫn tiếp diễn. Trong thời đại của các kênh tin tức và phương tiện truyền thông xã hội, chúng ta chỉ nói về bệnh tật, sức khỏe, chính trị, kinh tế. Mọi thứ nhanh chóng trở thành chủ đề tranh cãi và tai tiếng. Tồi tệ hơn, cảm giác như cái nhìn của chúng ta về thế giới bây giờ bị giới hạn trong những gì xuất hiện trên màn hình của chúng ta. Và vì chỉ có bệnh tật trên màn hình của chúng ta, chúng ta gần như quên rằng cuộc sống vẫn tiếp diễn với những gì tuyệt vời nhất (ví dụ như tình yêu, nhưng cũng là sáng tạo, đổi mới) mà cũng có những điều tệ hơn (hận thù, bạo lực, tội ác, ngu ngốc …). Nói tóm lại, sự bão hòa của thông tin xung quanh căn bệnh khiến dường như thế giới đang dừng lại và khi trí tuệ tạo ra một phần thực tế, nó thực sự dường như dừng lại.

Rồi các bạn nói rằng “thời buổi khác, các phương pháp điều trị cho bệnh và các sự kiện cũng khác”. Vâng, bạn nói đúng và quả là điều may mắn.

Những bài học lịch sử này không buộc chúng ta phải đối xử với sự việc như trong quá khứ. Hoàn toàn khác.

Nhưng những tiếng nói từ quá khứ vẫn báo cho chúng ta biết:

– dịch bệnh đó luôn tồn tại và có lẽ sẽ luôn tồn tại bởi vì chúng không xuất phát từ âm mưu của các nhà khoa học điên được thao túng bởi những người lính trong phòng thí nghiệm bí mật, mà đơn giản là virus là một phần của Thiên nhiên, giống như chúng ta.

– rằng chúng ta sẽ có thể triển khai tất cả các khoa học và có các chính phủ tốt nhất trên thế giới, sẽ luôn có một sự kiện tự nhiên mà không ai có thể lường trước và chúng ta hoàn toàn không thể tránh được.

– rằng chúng ta phải luôn giữ tinh thần tích cực vì Nhân loại luôn hồi phục sau những dịch bệnh này. Nước Pháp cũng sẽ phục hồi, có thể nhanh hơn nếu chúng ta thể hiện sự kiên cường và tình anh em trong sự thử thách.

Vì vậy, chúng ta hãy cố gắng đừng đánh mất đi sự bình tĩnh và tinh thần vì chúng ta mải dán con mắt vào cái máy tính đếm người chết đang độc chiếm màn hình của chúng ta, hãy đoàn kết thay vì buộc tội lẫn nhau, hãy tập trung vào những sinh mạng mà chúng ta có thể cứu, mỗi người trong vai trò và vị trí của mình, chúng ta hãy tiếp tục sống, yêu thương, phát minh bởi vì cả thế giới và sức sống không dừng lại và những ai cò thời giờ hãy tận dụng thời giờ để hình dung một thế giới tốt đẹp hơn, một nơi mà chúng ta muốn sống sau cuộc khủng hoảng này.

Nhìn về quá khứ đôi khi là bước lùi cần thiết giúp xây dựng tương lai tốt hơn.
Can đảm và hy vọng!

Olivier Becht

Trọng Khiêm dịch

Nguồn: olivierbecht.com/actualites/coronavirus-que-nous-enseigne-lhistoire/

Related posts