Thư toà soạn: Từ xấp giấy Việt Luận đến eVietluan

Vì con Corona, thế giới đổi khác. Việt Luận cũng đổi khác.

Bạn đọc không còn cái thú cầm xấp giấy, lật từng trang, khẽ nhấp cà phê và thong thả đọc báo. Mất hết cái thú đó rồi. Bây giờ bạn đang đọc eVietluan… Bạn đọc như thế nào? Xin kể cho bà con biết với (*).

Việt Luận bị con Corona cắn dữ quá nhưng chưa tới nỗi phải vào bệnh viện và nằm trong phòng cấp cứu như thủ tướng Anh Boris Johnson. Bị con Corona đuổi, Việt Luận đóng của toà soạn ở đường Chapel, Bansktown, NSW, Úc, cho nhân viên làm việc ở nhà, rồi tờ báo lánh nạn vào thế giới ta bà với hai địa chỉ VietLuan.com.au và facebook.com/VietLuanOnline. Bạn đọc vẫn có thể liên lạc với toà soạn như trước đây (ngoại trừ bước chưn vô ‘hello’ cô thư ký xinh đẹp của bổn báo).

Chính phủ Úc cũng lánh nạn theo lối này. Quốc hội, dinh thủ tướng và các sở bộ cài then lại, cho công chức làm việc ở nhà. Người dân muốn gõ cửa công thì nhấp mouse vào Australia.gov.au. Đơn từ, xin xỏ hay trình báo gì thì cưỡi thảm thần bay tới My.gov.au. Chí đến khám bệnh thì dùng TeleHealth. Thú thiệt TeleHealth quá mới với Việt Luận nên xin bạn đọc nào biết thì chia sẽ thêm cho bà con mình (*). Con nít không cắp sách tới trường nữa: chúng học Online. Ngày 6.4 sắp tới trường học Victoria bắt đầu ‘term 2’. Nhà trường mở cửa nhưng học sinh lại ở nhà. Mua bán gì cũng thế. Bạn đọc cứ ‘on-lai’ là có anh chàng Ấn Độ chở đồ tới giao tận nhà. Rồi đây, cửa tiệm ở Úc sẽ không còn nhận tiền mặt nữa. Họ chỉ kéo cạc thôi. Thế giới thiệt đã thành thế giới ảo rồi.

Còn lại một số việc chưa thành ‘ảo’ thì chúng ta phải coi chừng. Trong khi thế giới đang đổi khác khi chúng ta bước ra khỏi nhà thì phải nghĩ kỹ mình đi đâu, làm gì? Cái thủa ‘công an phường và gã tổ trưởng’ đang đội mồ sống lại ngay ở Úc! Bà con mình ở Úc đang chuyền cho nhau những tin như ‘chàng kia chỉ đi gặp bạn gái thôi’ mà đã bị cảnh sát phạt ngàn đô rồi đó. (Nhưng của đáng đáng tội! chàng này bị phạt không phải vì tội gặp bạn gái mà chàng quá nhớ bạn gái nên trốn ‘quarantine’ khỏi khách sạn đó thôi!). Cảnh sát Úc phạt dữ lắm. Đúng vậy. Cảnh sát Úc phạt không ngớt tay và phạt luôn hai thầy đội kia khi đi tuần mà đứng gần nhau. Thế là ở Úc đã có chuyện cảnh sát phạt cảnh sát.

Nhưng khi nào thì phạt thì còn tuỳ theo tiểu bang (hay lãnh thổ) vì luật giữ khoảng cách an toàn ở từng nơi lại thay đổi theo tình hình con Corona cắn dữ hay đã bị đẩy lui. Bạn đọc có thể ghé vài những nơi sau đây để biêt rõ hơn luật về giữ khoảng cách an toàn tại nơi mình ở:

Tiểu bang NSW:

https://preview.nsw.gov.au/covid-19/social-distancing

Tiểu bang Victoria:

https://www.dhhs.vic.gov.au/coronavirus-covid-19-transmission-reduction-measures

Tiểu bang Queensland:

https://www.qld.gov.au/health/conditions/health-alerts/coronavirus-covid-19/take-action/social-distancing

Tiểu bang Nam Úc:

https://www.sahealth.sa.gov.au/wps/wcm/connect/public+content/sa+health+internet/healthy+living/protecting+your+health/preventing+disease+and+infection/flu+stops+with+you/what+is+social+distancing

Tiểu bang Tasmania:

https://www.coronavirus.tas.gov.au/

Tiểu bang Tây Úc:

https://healthywa.wa.gov.au/coronavirus

Lãnh Thổ Bắc Úc:

https://coronavirus.nt.gov.au/

Lãnh thổ thủ đô ACT:

https://www.health.act.gov.au/sites/default/files/2020-03/FAQS%20-%20New%20Public%20Health%20Emergency%20Directions%20in%20the%20ACT%2019.03.20.pdf

Thật ra luật lệ giữ khoảng cách an toàn như hiện nay có thể giúp cho ít người Úc bị chở vào bệnh viện, rồi nằm trong phòng ICU như ông thủ tướng Anh Boris Johnson. Hay tệ hơn, Úc không như Mỹ: không còn chôn trong nghĩa địa nữa – ai chầu ông bà ông vải thì …. hui công viên. Ở bển, vì nghĩa địa Mỹ hết chỗ họ tạm thời ‘an nghĩ’ dưới bóng mát của cổ thụ trong công viên.

Trong thực tế ‘giữ khoảng cách an toàn’ rất hiệu nghiện chống con Corona nhưng không phải không gây ra phản ứng phụ. Như thể thuốc Ký Ninh có thể giúp người mắc dịch ngồi lên nhưng có thể lại lãnh phản ứng phụ như nôn mửa, tiêu chảy và ù lỗ tai hay mù mắt. Vì những phản ứng phụ có thể xảy ra, nên thế giới đang có 41 thứ thuốc trị con Corona nằm trong phòng thí nghiệm mà chưa dám chích cho ai hết. Các nhà khoa học phải thử trên chuột, người tình nguyện thí mạng cùi và chờ coi có phản ứng phụ không cái đã.

Một rong nhiều phản ứng phụ của luật cột giò người Úc ở trong nhà là…. có thể vì quá thương nhau nên 9 tháng 10 ngày nữa nước Úc sẽ rân trời đất những tiếng bế bi khóc chào đời, …. có thể vì lúc nào cũng thấy bản mặt ‘dễ ghét’ của phân nửa mình kia nên chính phủ Úc phải chi ra thêm $150 triệu để giúp vợ chồng uýnh lộn nhau.

Thiệt tình eVietluan rất muốn chính phủ nới lỏng luật giữ khoảng cách an toàn để trở về sống bình thường. Nhưng xin chính phủ đừng nới lỏng quá sớm. Pháp đã phải gia hạn luật này lần thứ nhì và kéo dài cho tới ngày 15.4. Tổng thống Donald Trump lớn tiếng cam kết sau lễ Phục Sinh nước Mỹ sẽ sầm uất trở lại, nay ổng phải đổi gọng cảnh cáo nước MỸ phải bước vào hai tuần lễ sóng gió!

Hiện nay có tin đồn liên bang Úc dám đen tiểu bang Nam Úc ra làm con chuột thí nghiệm. Theo tin đồn này, Nam Úc sẽ là nơi đầu tiên ở Úc nới lỏng luật ‘giữ khoảng cách an toàn’ để cho con Corona dính vô thiệt nhiều người khoẻ mạnh ở đây. Khi có nhiều người Nam Úc dính thì tự nhiên cả đám sẽ được miển nhiễm. Chữ được bác sỹ dùng là ‘herd immunity’. Đây cũng là mọt cách để trừ con Corona. Nhưng thủ hiến Nam Úc Steven Marshall đã cải chính tin đồn này.

Việt Luận xin kết thúc thư toà soạn cho số báo này bằng cách cám ơn thân chủ quảng cáo tiếp tục ủng hộ Việt Luận, thân hữu tiếp tục khuyến khích Việt Luận, bạn đọc tiếp tục gởi địa chỉ email về eVietluan@gmail.com để nhận báo eVietluan miễn phí, và văn hữu tiếp tục giởi bài cho Việt Luận.

Cầu chúc quý vị an lành qua mùa đại dịch này.

Kính

Việt Luận

(*) Xin bạn đọc chia sẻ tại https://vietluan.com.au/lien-lac/  và tại facebook.com/VietLuanOnline

Related posts