THI SĨ HƯ VÔ – NHƯ LOÀI CHIM THORN BIRDS

Tùy Bút Trần Sương Lam.

Như Loài Chim Thorn Birds

Tôi phiêu lãng mang hồn đi ở trọ

Chỗ nhân gian lạc lõng tiếng khóc cười

Để thấy em hoá thân thành người lạ

Rồi lân la chen chúc bước vào đời.

Dấu chân hoang còn in trên phiến đá

Từ trăm năm một di tích luân hồi

Như chiếc bóng cựa mình trong lòng mắt

Có xốn xang thì cũng mất nhau thôi!

Tôi lảo đảo tựa loài chim Thorn Birds

Gọi thất thanh lời yêu dấu sau cùng

Chùm gai nhọn xuyên qua đời thảng thốt

Đâu chắc gì em đã kịp khóc chung.

Thì cũng có một thời em lỡ vận

Ngồi tựa lưng cùng những bụi mận gai

Nghe máu chảy sụt sùi quanh vết nhọn

Ghim ngọt ngào một dấu tích trần ai…

Hư Vô

Hình ảnh chim, cánh chim không lạ trong văn chương Việt Nam xưa cũng như nay. Ta có thể bắt gặp trong văn chương trung đại cánh chim mang cả buổi chiều trong đôi cánh nhỏ, chao nghiêng; cánh chim bơ vơ, lạc loài cuối chân trời tìm về chốn bình yên; cánh chim với giọng hót nức nở của nỗi thương nhà, nhớ nước… Nối tiếp dòng văn thơ cổ, nhiều thi phẩm hiện đại vẫn thấp thoáng những cánh chim bay:

“Chim trời thả bóng vào mây

Ngẩn ngơ thả nhớ vào ngày xa em”

(Hoàng Đình Quang –Chiêm Bao)

Ngày mai nhạn sẽ hợp đôi

Ngày mai tôi sẽ ngỏ lời yêu em (Ngày mai)

Nhưng tội nghiệp, trên trời đôi nhạn lạc,

Cứ yêu nhau đừng tưởng đến ngày mai..

(Lòng anh – Hàn Mặc Tử)

Những cánh chim trong thi đàn hiện đại Việt Nam thường là cánh chim chuyển tải những cảm xúc của con người trong tình yêu với khúc hoan ca lẫn bi ca về tình yêu. Hư Vô cũng hòa vào chương khúc tình yêu của Việt Nam, của nhân loại lời hát tình yêu “Như Loài Chim Thorn Birds”.

Trong truyền thuyết có một loài chim là Thorn Birds. “Loài chim ấy chỉ hót một lần trong đời nhưng là tiếng hót hay nhất thế gian. Có một lần nó rời tổ bay đi tìm cho bằng được một bụi mận gai. Giữa đám cành gai gốc, nó cất tiếng và hát bài ca của mình rồi lao ngực vào chiếc gai dài nhất, nhọn nhất. Nó không biết sức mạnh nào đã buộc nó lao vào mũi nhọn đến chết mà vẫn hót. Lúc mũi gai xuyên qua tim, nó không nghĩ rằng mình sắp chết, nó chỉ hót cho đến lúc mất tiếng đứt hơi”…và thi sĩ Hư Vô đã mượn loài chim Thorn Birds để gửi vào đó khúc tình buồn của mình.

Khúc tình buồn ấy bắt đầu bằng câu chuyện thuở mới quen nhau:

Tôi phiêu lãng mang hồn đi ở trọ

Chỗ nhân gian lạc lõng tiếng khóc cười

Để thấy em hoá thân thành người lạ

Rồi lân la chen chúc bước vào đời.

(Hư Vô)

Hai câu thơ đầu tôi cảm nhận lạnh, lạnh tanh. Trần gian lạc lõng, chơi vơi. Trần gian đơn điệu chỉ có tiếng khóc, tiếng cười. Trần gian không có gì để gắn bó nên chẳng thiết tha. Lạnh, nhạt, câu chữ hằn một nỗi chán chường đến mệt mỏi. Nhưng chàng thi sĩ không đi một mình, vô tình nhận ra “em” cũng bước vào cõi tạm với sự “lân la, chen chúc” hai từ này trong văn nói thường mang nghĩa “chê” (nghĩa âm tính), nhưng khi ngôn ngữ đã thành thơ sẽ trở nên sống động, tượng hình lạ lùng. Còn từ “hóa thân” lại là một từ đẹp. Tôi cho rằng “em” ở đây có một cái gì không như trước, không giống như xưa và khi hai người yêu thương nhau không cảm nhận sự gần gũi thì sao có thể gắn bó. “em hoá thân thành người lạ” dường như là lời báo trước của thi sĩ về cuộc tình tan. Kiếp trước hẹn hò gặp nhau kiếp sau. Nhưng kiếp sau lại có một cái gì chông chênh giữa hai con người ấy. Tôi cảm nhận hình như giữa hai con người ấy “lạc” mất nhau rồi. Nhớ lời thề nguyền, tìm dấu tình yêu, tìm chốn ước hẹn chờ người:

Dấu chân hoang còn in trên phiến đá

Từ trăm năm một di tích luân hồi

(Hư Vô)

Lãng tử tìm thấy dấu chân thuở trước như một di tích luân hồi. Nhẽ ra dấu vết ấy nên dùng chứng tích hay dấu tích nhưng nhà thơ lại chọn di tích luân hồi. Một nghệ thuật cường điệu để dấu tích trần ai bình thường thành di tích luân hồi đặc biệt. Đặc biệt vì khối tình ấy như khối ngọc lưu ly không tan, luân hồi theo kiếp người. Tình đẹp, thi sĩ nặng tình. Câu thơ ấm áp, tỏa rạng, cảm xúc thăng hoa. Nhưng cái gì đẹp lại không ở với ta lâu, tình như chiếc bóng vừa thấy đã tan biến. Sự chóng vánh tạo giọng điệu xót xa:

Như chiếc bóng cựa mình trong lòng mắt

Có xốn xang thì cũng mất nhau thôi!

(Hư Vô)

“Cựa mình” câu chữ chạm đến sự mong manh. Tình sao mong manh thoáng qua trong tia nhìn rồi hun hút trôi đi. Hụt hẫng, bàng hoàng, tiếc nuối. Trái tim nặng tình đau xót không nguôi. Ý thơ làm tôi nhớ đến một câu ca dao:

“Xốn xang như muối xát gừng,

Phải chi hồi trước ai đừng biết ai!” (Ca dao)

Người tình trong ca dao hối tiếc vì biết duyên không thành thì thà đừng quen nhau. Lãng tử không hối tiếc mà đau xót vì không giữ được tình đã đợi chờ nhau bao kiếp.

Tình yêu đã hết thì không thể quay lại được nữa, cho dù tâm còn động, cho dù không thể quên. Điều này đến bây giờ tôi mới cảm nhận được: Người ta rời bỏ nhau không phải vì hết yêu nhau mà vì không còn có thể ở cùng nhau được nữa. Có lẽ vì vậy mà câu thơ “Có xốn xang thì cũng mất nhau thôi!” đã trở thành nỗi ngậm ngùi dài.

Vì sao mà chia tay có lẽ chỉ mình lãng tử hiểu và đã là niềm riêng thì sao có thể sẻ chia chính vì cứ mang nên nỗi sầu cứ nhân lên nhiều dần cho đến một lúc phải vỡ tung, phải kết thúc, phải dừng lại. Khổ thơ tiếp tôi cho rằng nó là khổ thơ nặng chất kịch tính đẩy cảm xúc của thi sĩ lên cao trào:

Tôi lảo đảo tựa loài chim Thorn Birds

Gọi thất thanh lời yêu dấu sau cùng

Chùm gai nhọn xuyên qua đời thảng thốt

Đâu chắc gì em đã kịp khóc chung.

(Hư Vô)

“Tôi” xốn xang, lảo đảo, thất thanh, thảng thốt… một loạt từ láy diễn tả nhiều cung bậc của tâm trạng tràn ngập những âu lo, thảng thốt, hãi hùng. Âm thanh, cảm xúc, hành động được khuấy động lên như một cơn giông bão mịt mù. Động lực cuối cùng để tồn tại cũng không còn. Tình bao kiếp cũng tan vỡ, sức chịu đựng hoàn toàn sụp đổ thương quá hình hài của chàng trai “phiêu lãng mang hồn đi ở trọ” âm thanh thảng thốt cuối cùng cất lên là khúc hát về tình yêu bất tử trỗi dậy trước khi nhận chùm gai nhọn xuyên thấu qua trái tim mình. Dòng máu chim Thorn Birds đang tuôn chảy, dòng máu của chàng trai đang tuôn chảy cuốn theo dòng nước mắt của tôi – người đã chứng kiến mối tình giẫy chết. Hóa thân của tình yêu sao quá đắt, gục xuống trên chùm gai nhọn vẫn là kiếp cô đơn và trong tận cùng sâu thẳm của linh hồn yêu vẫn khắc khoải một điều da diết: mong giọt nước mắt em rơi trước chân tình của tôi. “Đâu chắc gì” vẫn là giọng buồn thương da diết ẩn chứa một nỗi niềm một hoài vọng, mong ngóng. Không có dịp để làm người tình chung nhưng không thể thì mong được một lần “khóc chung”. Ước muốn đơn giản nhưng vẫn không thành hiện thực. Lời thơ chất chứa những đắng cay.

Sự ruồng bỏ đã thành hình nhưng trái tim tình yêu vẫn không ngừng khắc khoải một ước mơ: chàng trai phiêu lãng gửi lại cho đời khúc tình yêu bất tử, một tặng vật tình yêu quý giá cho những tình nhân đang tha thiết yêu nhau:

Thì cũng có một thời em lỡ vận

Ngồi tựa lưng cùng những bụi mận gai

Nghe máu chảy sụt sùi quanh vết nhọn

Ghim ngọt ngào một dấu tích trần ai…

(Hư Vô)

Một hồi ức về tình yêu đã qua. Vẫn là cái nhìn bao dung, nhân hậu của thứ tha. Em cũng đã từng yêu tôi, từng hy sinh cho một tình yêu vĩnh cửu cũng từng bị gai cào nát thịt da. Dấu tích tình yêu, sự tận hiến của em cho tình vẫn còn ghi dấu, cho dù hôm nay em đã quên, đã không còn yêu thương tôi vẫn không trách hờn, tôi vẫn muốn để lại cho em một khúc hát của tình yêu bất tử, món quà tôi tặng ghi dấu những hoan lạc của tình yêu cùng những ngọt ngào, cay đắng. Đó là “dấu tích trần ai” Nếu chỉ là dấu chân hoang qua cõi tình nhiều kiếp chỉ là một “di tích luân hồi” nhưng đã là sự hiến dâng thì lại là một kết thúc luân hồi để tình yêu chuyển sang một cung bậc mới “dấu tích trần ai”. Tình yêu định hình trở thành những vết cắt đớn đau “Nghe máu chảy sụt sùi quanh vết nhọn” nhưng rồi nó “ghim” thành một một dấu tích ngọt ngào. Điều rất sâu trong cảm nhận của thi sĩ là nỗi đau đớn của kiếp tình sẽ thăng hoa trở thành một bông hoa, bài nhạc khi nó được trui rèn trong sóng gió, trong sự tha thứ, bao dung, trong sự tận hiến của con người như Meggie Cleary – người phụ nữ trong tiểu thuyết “Tiếng Chim Hót Trong Bụi Mận Gai” được Colleen Mc Culough xây dựng lên chính là hiện thân của loài chim Thorn Birds. Meggie biết tình yêu không phải chỉ là vị ngọt, nó có cả vị mặn chát, chua, cay của nước mắt, của ghen tuông, của hiểu lầm, của chia ly… mà nhiều khi, cái vị ngọt ngào của hạnh phúc, trong cả cuộc yêu mình chỉ nếm được một lần. Nhưng cái gì tốt đẹp nhất chỉ có thể có được khi người ta chịu trả giá bằng nỗi đau khổ vĩ đại. Bởi vậy nên cô cứ lao ngực vào bụi mận gai, vắt kiệt sức mình vì tình yêu, dù biết nó có thể vô cùng đau đớn.

Bụi mận gai không lạ với những tình yêu mãnh liệt. Ở đó, những tình nhân đã từng nếm nhiều hương vị của tình yêu ngọt ngào, chua cay lẫn đớn đau. Mỗi lần đớn đau là thương tích toàn thân, nỗi đau như máu tim chảy tràn. Lời thơ làm tôi nhớ đến lời của một bài nhạc “Speak Softly Love” của Nino Rota do Larry Kusik viết ca từ và Trường Kỳ dịch lời Việt: “Có biết đau thương mới như là tình / Say đắm trong đời thì mới là yêu. / Tình như đớn đau tình xé lòng nhau / Muôn đời không lành.” (Thú Yêu Thương)

Chết cho tình yêu, cái chết ngọt ngào tuy đớn đau nhưng khẳng định cái quý giá của tình yêu. Nếu cuộc sống trần gian không còn chỗ cho tình yêu tồn tại thì nơi ấy đã tận thế.

Đọc bài thơ tôi tự hỏi: Tình yêu không phải lúc nào cũng là khúc ca hoan lạc mà có khi còn là khúc bi ai. Phạm Thái vì tình mà vỡ tan giấc mộng anh hùng, Honoré de Balzac chờ đợi hơn hai mươi năm để đến với tình yêu muộn của mình và còn bao nhiêu cặp tình nhân đã như loài chim Thorn Birds kia chấp nhận cái chết để dâng tặng cuộc đời một khúc ca tuyệt vời, như Meggie Cleary hy sinh cả tuổi thanh xuân của mình cho “người tình trăm năm” mà không hề hối tiếc. Vị đắng của tình yêu càng nhiều thì vị ngọt ngào càng có ý nghĩa hay nói một cách khác tình chỉ đẹp, mãi mãi tồn tại nếu ta biết dâng hiến, chấp nhận mọi nỗi đau chỉ cho riêng mình.

Trần Sương Lam

Related posts