Những trận đại dịch viết nên lịch sử.

Tử thần đen ở châu Âu. Genetic Literacy Project.

ELIZABETH KOLBERT

Đại dịch COVID-19 bắt nguồn từ Vũ Hán, Trung Quốc, rồi hoành hành khắp nơi trên thế giới, đang gây tổn hại nặng nề tại châu Âu và Hoa Kỳ. Sau khi đã tương đối kiểm soát được dịch bệnh Trung Quốc lại đang muốn sử dụng trận dịch này để gây thanh thế chính trị, văn hóa khắp thế giới.

Đã có người nói rằng đại dịch COVID-19 sẽ gây sự biến đổi sâu sắc xã hội loài người sau đó, từ chuyện bảo hiểm sức khỏe cho tới quyền lực của nhà nước, vấn đề môi trường, quan hệ giữa các quốc gia,…

Nhưng nếu điều đó xảy ra thì nó cũng không phải là điều mới, vì trong lịch sử nhân loại đã có những thay đổi chính trị, địa chính trị, văn hóa rất sâu sắc, sau những cơn đại dịch. Bài viết sau đây của nhà báo Elizabeth Kolbert, từ New York, nơi COVID-19 đang hoành hành, nhắc lại chúng ta những điều đó.

*****************************

Trận đại dịch đầu tiên được ghi lại trong lịch sử loài người có lẽ là trận dịch hạch bắt đầu ở miền Đông Bắc Ai Cập vào năm 541, tại một thành phố tên là Pelusium, nay là Port Said. Trận dịch hạch này tràn qua phía Tây đến Alexandria (Ai Cập), sang phía Đông đến Palestine. Các nhà sử học đương thời có ghi lại cảnh tượng kinh hoàng của từng đám người, sau cơn sốt nhẹ ban đầu, bắt đầu nổi hạch mưng mủ, ói ra máu, rồi chết chồng chất lên nhau.

Sang năm 542 đại dịch lan đến Constantinople, kinh đô của Đế quốc Đông La Mã, nay là Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ. Đông La Mã lúc ấy nằm dưới sự cai trị của Hoàng đế Justinian, được các sử gia đương thời mệnh danh là nhà cai trị giỏi nhất lịch sử. Ông biên soạn luật pháp, xây ngôi thánh đường Hagia Sophia (lúc ấy thuộc Thiên chúa giáo dòng Chính thống), ký hiệp ước hòa bình với người Ba Tư, cải cách toàn bộ hệ thống thuế má của Đông La Mã.

Rồi dịch hạch kéo tới, Hoàng đế chỉ còn làm mỗi một việc là trả tiền để chôn xác chết, mà theo ghi chép của một sử gia, có khi lên đến 10 ngàn người một ngày. Có lúc xác nhiều quá không kịp chôn, cứ vứt đại ngoài rìa của tường thành.

Dịch hạch không phân biệt giàu nghèo gì hết, Hoàng đế cũng bị nhiễm bệnh, may mắn là sống sót. Nhưng đế chế của ông thì không được như vậy. Sau năm 542, ông không chiêu mộ được binh lính, các vùng đất chinh phục trước đó bắt đầu nổi loạn. Dịch hạch đến La Mã năm 543, rồi năm 544 đến nước Anh. Năm 558 nó tái phát ở Constantinople, rồi lặp lại năm 573, 586.

Trận đại dịch kéo dài đến tận năm… 750 trong vùng Cận Đông – Địa Trung Hải, và một trật tự thế giới mới đã nổi lên. Tại Cận Đông là nhà nước Hồi giáo ở bán đảo Ả Rập vươn lên, La Mã chỉ còn là một thị thành bé tí, bộ lạc Frank, tổ tiên người Pháp đang chinh phục Tây Âu.

Các nhà sử học đặt tên trận dịch hạch đó là Dịch hạch Justinian, vì ông là nhà cai trị hùng mạnh nhất lúc nó bùng phát.

Có những đại dịch cứ bùng lên, rồi tắt, nhưng lại bùng lên lại khi có điều kiện thuận tiện. Chẳng hạn như dịch đậu mùa. May mắn cho chúng ta là nay bệnh này không còn nữa, trước khi nó đã giết chết khoảng… một tỉ người. Không ai biết nó xuất phát từ đâu, nhưng dựa vào bộ gen của nó tương đồng với một số bệnh tương tự ở bò, lạc đà, khỉ, người ta cho rằng con virus này đã nhảy chồm lên con người khi con người bắt đầu thuần hóa động vật.

Trong số những nạn nhân của đậu mùa, có thể kể đến Pharaoh đầy quyền lực của Ai Cập, Ramses Đệ Ngũ, chết vào năm 1157 trước Công nguyên, Marcus Aurelius, Hoàng đế La Mã, năm 180. Vào thế kỷ 15, đậu mùa hoành hành ở đại lục địa Âu Á, và được cho rằng đã giết chết đến 30% dân số. Nó kinh hoàng tới mức mà cha mẹ không dám đặt tên con, chờ cho chúng qua khỏi trận đậu mùa.

Những trận đậu mùa dai dẳng ở châu Âu lại trở thành một vũ khí đáng sợ của người châu Âu, khi hệ thống miễn dịch của họ quen dần với căn bệnh này, và họ đem nó qua Tân Thế giới.

Năm 1518 người Tây Ban Nha đem đậu mùa đến một hòn đảo ở biển Caribbean. Sau khi “tiêu diệt” hết một phần ba dân bản xứ, đậu mùa lan qua đế quốc Aztec của người da đỏ ở Mexico ngày nay. Một giáo sĩ Tây Ban Nha ghi lại rằng nhiều người chết tới mức người ta giật sập nhà để chôn họ luôn. Sự tàn phá của đậu mùa làm cho nhà chinh phục Tây Ban Nha Hernan Cortes chiếm đất dễ dàng. Rồi sau đó đậu mùa lan xuống miền Nam, tàn phá đế quốc Inca (Peru ngày nay), nhanh hơn cả những conquistadors Tây Ban Nha theo sau đó.

Bệnh đậu mùa không những trao vào tay người Tây Ban Nha một vùng đất Trung và Nam Mỹ rộng lớn, nó còn làm biến đổi thêm cơ cấu dân số ở đây, vì người Tây Ban Nha bắt đầu đưa nô lệ từ châu Phi sang để thay thế dân bản xứ đã bị đậu mùa thảm sát.

Trận dịch hạch kinh hoàng nhất trong lịch sử có lẽ là trận Tử thần đen (Black Death) từ năm 1347 đến 1351, giết chết một phần ba dân số châu Âu. Chính trận đại dịch này cho ra đời thuật ngữ cách ly, tiếng Anh là quarantine, xuất phát từ tiếng Ý là quaranta có nghĩa là 40 ngày. Việc qui định 40 ngày không phải dựa trên những cơ sở khoa học, mà là những điển tích trong Kinh thánh.

Bệnh dịch tả lại có nguồn gốc trong thung lũng Hằng Hà ở Ấn Độ. Khi thực dân Anh xâm lăng Ấn Độ, họ mang dịch tả đi khắp nơi. Trận dịch tả thứ hai bùng lên ở Ấn Độ năm 1829, tràn sang Nga, châu Âu, rồi Hoa Kỳ. Tại Nga, Sa hoàng Nicolas đệ nhất đã áp dụng những biện pháp cách ly rất khắc nghiệt để chặn dịch. Nhưng người ta lại nhốt chung người bị tả và những loại bệnh khác chung với nhau, làm truyền ra tin đồn là các bác sĩ muốn giết những người bị bệnh. Đến năm 1891, trận đại dịch tả thứ năm tràn vào Ukraine, gây rối loạn xã hội một cách khủng khiếp với những vụ đốt nhà cướp bóc. Nhà cầm quyền đã thẳng tay đàn áp, và hành động này dẫn tới bạo lực ngày càng trầm trọng. Có thể nói không ngoa rằng trận dịch tả này đã dẫn đến Cách mạng tháng Chạp 1905, rồi đến Cách mạng Nga 1917.

Khi đại dịch xảy ra, nó làm cho xã hội chia rẽ, nghi ngờ nhau, người ta có khuynh hướng đổ tội cho ai đó. Lúc Tử thần đen hoành hành ở châu Âu, tại Đức nhà cầm quyền qui tội cho người Do Thái, hậu quả là nhiều người bị ngược đãi, số đông bỏ chạy sang Nga và Ba Lan.

Người ta thấy dịch bệnh đã giúp cho kẻ xâm lược Tây Ban Nha, nhưng đôi khi nó giúp dân bản xứ chống xâm lược, chẳng hạn như khi người Pháp muốn dẹp cuộc nổi dậy ở Haiti năm 1802, binh lính của họ bị “tiêu diệt” bởi dịch sốt vàng da, cuối cùng phải bỏ cuộc, rồi sau đó bán luôn lãnh thổ Louisiana (dọc sông Mississippi) cho người Mỹ.

Con người viết nên lịch sử, đồng ý, nhưng chắc cũng phải thêm vào rằng virus cũng góp phần viết nên lịch sử!

Elizabeth Kolbert là một nhà báo Mỹ chuyên viết đề tài khoa học và môi trường của tờ The New Yorker. Bà từng đoạt giải thưởng báo chí Pulitzer khi viết về sự tuyệt chủng của một số loài trong thiên nhiên.

Related posts