Trong Đôi Mắt Anh, Em Là Tất Cả – Mỹ Linh

Cứ sau mỗi đêm văn nghệ là chúng tôi nhận được rất nhiều bức ảnh được chụp thật là đẹp và được nghe những tiếng trầm trồ khen ngợi: “hình này chị trông rất là lãng mạn”; “Wow! trên sân khấu dưới ánh đèn màu lung linh, hình này trông em đẹp như thiên thần”; “ trong hình này, ai cũng đẹp cả, nhìn nụ cười là mê rồi.” v.v…

Tôi thầm hỏi có mấy ai biết đằng sau những tấm hình quý giá đó là sự hy sinh và đam mê của các anh chị “phó nhòm” không nhỉ? Rồi thì bao nhiêu là  “like” trên Facebook; cuộc vui nào cũng trôi qua, nhưng dư âm vẫn còn đó qua những tấm hình độc đáo tuyệt vời, mà mình quên đi các chiến sĩ  đã quên ăn, quên uống, âm thầm tìm cái đẹp nhất cho người được chụp qua ống kính tinh vi và đôi mắt nghệ sĩ tính của người chụp hình.

“The two most engaging powers of a photograph are to make new things familiar and familiar things new.” (William Thackeray), chỉ đơn giản như vậy thôi, thế mà ít ai đạt được, ngoại trừ khi người ta cảm thấy “trong đôi mắt anh, em là tất cả.”

Rất may mắn tôi đã quen khá nhiều anh chị chụp ảnh, nên có dịp quan sát các anh chị đã “dấn mình trong đam mê” trong lãnh vực nghệ thuật này ra sao.

Thật là khá “vất vả” để cho ra đời những bức ảnh vừa ý. Được dịp chụp dưới ánh đèn lung linh của sân khấu, thì mới thấy được nỗi khó khăn của các “thợ nháy.” Sân khấu càng huyền ảo với muôn ánh đèn lấp lánh thì càng đòi hỏi “tay nghề” cao bấy nhiêu! Thật vậy, trên sàn nhảy, “Áo em trắng quá nhìn không ra”… và dance floor thì ánh đèn “sương khói mờ nhân ảnh,” vậy mà đôi mắt tinh nhuệ qua ống kính anh vẫn “nhìn thấy em.”

Nhiều khi chương trình văn nghệ thật là hay, thế mà có bao giờ các anh chị được ngồi xuống thưởng thức trọn vẹn đâu!  Có khi mới ngồi xuống nghỉ chỉ vài phút là đã “bị réo” nhờ đi chụp hình “chỗ này chỗ kia!” Lúc nào tôi cũng thấy những nụ cười yêu đời dường như không bao giờ biết mỏi mệt! Đam mê nhiếp ảnh là nguồn sinh lực, dù cho phải “mây che trên đầu và nắng trên vai,” và giữa cuộc vui, khi thiên hạ vui đùa trên sàn nhảy, thì nhiếp ảnh gia “chẳng biết nơi nao là chốn quê nhà.”

Để có được một góc độ hoàn hảo cho một bức hình, các phó nhòm phải vác cái máy nặng trên vai, lăng xăng qua lại trước sân khấu. Khi đã “yên vị” thì lại lo “canh” chụp cho được cái khoảnh khắc đặc biệt của “đối tượng.” Sau mỗi lần chụp thì phải qua một quá trình chọn lọc tỉ mỉ để lựa ra được vài tấm hình vừa ý rồi “post-processing” cho hình đẹp thêm để mọi người cùng vui.

Khi cuộc vui chấm dứt thì chỉ có những bức hình là gợi đến “một thời để nhớ.” Không có các anh chị chụp ảnh rất “có tâm”, thì giờ đây chỉ còn là những hoài niệm trong ký ức và “tưởng rằng đã quên!”

Bài viết này đặc biệt dành cho anh chị: Phúc An, Hưng Nguyễn, Andy Ngô, Nhu Nguyễn, Mơ Đốc, Trung Lê, Tony Lee, Nhi Nhi, Thanh Lan, Nguyên Cao, Phil Nghiêm và những ai đã và đang làm công việc nghệ thuật cao cả này!

Related posts