Cô Ca Sĩ Xuất thân từ Trường Trung Học Bình Long – Mai Lệ Huyền

Hiếm có người ca sĩ nào hát dòng nhạc bốc, sôi động được khán giả nhớ lâu như Mai Lệ Huyền. Giới báo chí ngày ấy, gọi Mai Lệ Huyền là “búp bê lửa”.

Cũng bởi, ngoài giọng hát và dòng nhạc hết sức “bốc lửa” ra, thì cách ăn mặc của Mai Lệ Huyền mỗi khi bước lên sân khấu dám chắc có thể “thắp lửa lòng” bất cứ đấng nam nhi đa tình nào. Trang phục diễn của Mai Lệ Huyền thường là mini jupe bó sát, áo ngắn, váy đầm kín kín hở hở, vừa đủ đẹp, vừa đủ quyến rũ.

Đệ nh Từ cô bé “hát thế” vụt sáng thành sao ất gợi cảm

Mai Lệ Huyền sinh năm 1946, tên thật là Nguyễn Thị Kim Cúc. Lệ Huyền mang một vẻ đẹp rất lạ. Đôi mắt to và sâu thăm thẳm, gương mặt tròn như búp bê với làn da bánh mật, nụ cười lúng liếng ưa nhìn. Cùng với những điệu nhảy “bốc lửa”, cách ăn mặc tân thời, Mai Lệ Huyền đã trở thành biểu tượng đệ nhất gợi cảm có sức phủ sóng rộng rãi trong làng âm nhạc thời bấy giờ.

Cơ duyên đến với âm nhạc của cô bé Cúc cũng rất khác người. Tuy sở hữu ngoại hình bắt mắt, một giọng ca hút hồn nhưng Cúc lại chẳng bao giờ dám mơ mình sẽ trở thành ca sĩ. Tưởng chừng như, nếu không có chương trình biểu diễn bị trục trặc năm ấy, chắc người ta sẽ không bao giờ phát hiện ra một Mai Lệ Huyền mà sau này ánh hào quang của bà vẫn khiến người ta trầm trồ tán thưởng mỗi khi nhắc nhớ. Đó là chương trình ca nhạc gây quỹ từ thiện của ban nhạc đình đám Tân Dân Nam, được tổ chức tại Trường trung học Bình Long, tỉnh Bình Long cũ – nơi Kim Cúc đang theo học.

Theo kịch bản chương trình, mở đầu là các tiết mục văn nghệ góp vui của học sinh Trường Bình Long, sau đó mới là sự xuất hiện của nữ ca sĩ ăn khách nhất ban nhạc Tân Dân Nam – Yến Vỹ. Nhờ cái tên Yến Vỹ, khán giả mua vé đến xem chật như nêm. Thế nhưng, “chương trình phụ” đã sắp kết thúc mà Yến Vỹ vẫn chưa thấy tăm hơi. Khán giả bắt đầu la ó, còn Tân Dân Nam và ban tổ chức thì bối rối, lo lắng đến xanh mặt khi biết tin Yến Vỹ bị bệnh đột xuất không thể đến tham gia chương trình. Tên tuổi Yến Vỹ đã kéo khán giả đến với đêm nhạc, nay lại không thấy mặt đâu, chắc chắn Tân Dân Nam sẽ bị tẩy chay.

Người đại diện của Tân Dân Nam mồ hôi rịn đầy trên trán, hồi hộp chờ xong tiết mục cuối của Trường Bình Long để ra xin lỗi khán giả. Tiết mục cuối cùng năm ấy do Kim Cúc đảm nhận. Sau khi trình bày bài “Duyên quê” của Hoàng Thi Thơ, người ta đã ngờ ngợ nhận ra một giọng hát không phải là tầm thường. Và đến bài Lệ đá của Trần Trịnh thì Kim Cúc đã thực sự chinh phục được khán giả.

Với sự da diết nồng nàn, pha chút gì đó phá cách, và sự nguyên sơ hoang dại trong cách hát đã khiến ban nhạc lẫn khán giả rất bất ngờ với tài năng của cô ca sĩ “vô danh”. Dứt bài hát, Kim Cúc chưa kịp cúi chào, khán giả đã reo hò yêu cầu cô học trò nhỏ hát tiếp. Chưa biết làm thế nào thì Kim Cúc đã kịp nhận ra ánh mắt cầu cứu lẫn động viên của ban nhạc. Cô ca sĩ “hát thế” đã hát liên tục đến mấy bài, còn khán giả thì phấn khích đến mức độ quên đi sự vắng mặt của Yến Vỹ.

Câu chuyện cô bé học trò cứu nguy cho ban nhạc Tân Dân Nam chẳng mấy chốc lan nhanh khắp làng âm nhạc Sài Gòn. Người ta ngay lập tức đổ xô về Bình Long để mời Kim Cúc đi diễn tại Sài Gòn. Nhưng cuối cùng, Kim Cúc đã quyết định làm học trò của nhạc sĩ Trần Trịnh và Đinh Việt Lang.

Chính hai nhạc sĩ này đã đặt nghệ danh Mai Lệ Huyền cho Kim Cúc. Nổi tiếng từ bản nhạc trữ tình Lệ đá, nhưng nét đẹp có gì đó hoang sơ và giọng ca khỏe khoắn, đầy chất lửa của Mai Lệ Huyền đã khiến người ta hướng cô vào dòng nhạc giật gân, sôi động. Và từ đó, cái tên Mai Lệ Huyền trở thành “bảo chứng phòng vé” cho tất cả các chương trình, tụ điểm âm nhạc tại miền Nam lúc bấy giờ.

Để tiện cho việc ca hát, Mai Lệ Huyền quyết định rời Bình Long về cư trú ở Gia Định, Sài Gòn. Tuy còn ngồi trên ghế nhà trường, nhưng “búp bê lửa Mai Lệ Huyền” đã tạo ra “sóng gió” ở các bar nhạc Sài Gòn. Không chỉ được biểu diễn cùng các ban nhạc nổi tiếng như ban nhạc: Huỳnh Anh, Taming Piano, Huỳnh Háo, Đoàn Châu Nhi (guitar), Anh Trổ, Anh Hạnh… Mai Lệ Huyền còn được mời hát chung với các ca sĩ lừng danh như: Trần Văn Trạch, Khánh Hà, Elvis Phương trong các đêm đại nhạc hội.

Đến năm 1970, nhạc sĩ Y Vân đã phát hiện ra phong cách hát đặc trưng không trùng lắp hoặc bị ảnh hưởng bởi bất kỳ ca sĩ nào của Mai Lệ Huyền nên đã sáng tác riêng cho cô nhiều ca khúc như “Thôi”, “Ảo ảnh”… Những ca khúc này khiến Mai Lệ Huyền trở thành ca sĩ hát nhạc sôi động “độc quyền” trong lòng khán giả.

Thời ấy, những chiếc đĩa nhạc có hình bìa của Mai Lệ Huyền trong trang phục rất gợi cảm đã khiến nhiều học sinh trung học, lính chiến, phu xích lô phát sốt, xếp hàng chờ mua. Đĩa nhạc của Mai Lệ Huyền luôn “cháy kệ”. Những ca từ rộn rã trong Hai trái tim vàng, Túp lều lý tưởng, Mắt xanh con gái … do Mai Lệ Huyền thể hiện đã phủ sóng khắp miền Nam trong suốt những năm đầu của thập niên 70. Cố nhạc sĩ Châu Kỳ đã từng nhận xét vui về Mai Lệ Huyền rằng, khi nghe nhạc kích động của Mai Lệ Huyền, những “kẻ điếc, ngồi xe lăn cũng phải co giật”.

Đệ nhất gợi cảm

Từ cô học trò non nớt, Mai Lệ Huyền đã một bước lên mây. Số tiền cát-sê Lệ Huyền nhận được đủ để cô thầu luôn Đệ nhất khách sạn ở Tân Bình làm sân khấu riêng. Mỗi đêm, Mai Lệ Huyền mời thêm các đồng nghiệp nổi tiếng cùng thời như Thanh Tuyền, Phương Dung, Carol Kim, Phương Hồng Quế, Ngọc Hiếu, Mai Ly… cùng tham gia biểu diễn.

Mai Lệ Huyền là người có công lăng-xê ca sĩ Jeannie Mai và ca sĩ Thái Châu tại sân khấu ca nhạc Đệ nhất khách sạn. Song song với việc làm bầu sô, Mai Lệ Huyền còn thu âm theo hợp đồng của các hãng: Việt Nam, Shotguns, Sóng Nhạc, Continental, Thanh Thúy, Thương Ca, Hoàng Thi Thơ, Trường Hải, Nhã Ca, Họa Mi…

Người ta hầu như không thể cưỡng lại vẻ gợi cảm của Mai Lệ Huyền khi cô gái có thân hình đồng hồ cát này diện áo quây, mini jupe, với đường cong miên man. Mai Lệ Huyền nóng bỏng đến mức, khi cô nhận lời các nghệ sĩ đàn anh như Nhật Trường, Duy Khánh… đến trình diễn cho các tiểu đoàn lính VNCH đóng quân ở vùng sâu vùng xa thì Nhật Trường, lẫn các anh em khác phải đứng cạnh để bảo vệ cô “búp bê” bé nhỏ đang “bị” hàng trăm khán giả quá khích vây quanh.

Lính xa nhà đã lâu, lại thần tượng giọng ca sôi động của Mai Lệ Huyền, nay được thấy cô “búp bê lửa”, đệ nhất gợi cảm thời bấy giờ đang đứng trước mặt thì khó lòng bắt họ… đứng yên được. Thế nên, Mai Lệ Huyền đứng khuấy động sân khấu mà đàn anh, đàn chị đi cùng đứng sau cánh gà cứ nơm nớp, phập phồng.

Ngoài việc đi hát cho các bar, vũ trường, chạy show lính, … Mai Lệ Huyền còn được biết đến như một tài năng trong lĩnh vực kịch nói, điện ảnh. Với khuôn mặt xinh đẹp, làn môi gợi cảm và vóc dáng như thần vệ nữ, Mai Lệ Huyền nhanh chóng lọt vào mắt xanh của các nhà sản xuất phim.

Dần dần người ta quen thuộc với một Mai Lệ Huyền trong vai trò diễn viên điện ảnh sau các bộ phim tâm lý xã hội, đầy màu sắc diễm tình như: Gác chuông nhà thờ, Mãnh lực đồng tiền, Nhà tôi, Còn gì cho nhau, … Ngoài ra, Mai Lệ Huyền còn đảm nhiệm các vai quan trọng trong những vở kịch lớn của các đoàn hát đình đám thời bấy giờ. Không những thế, Mai Lệ Huyền còn “phủ sóng” màn ảnh nhỏ với các chương trình hút khách như: 45 phút vui La Thoại Tân, Mai Lệ Huyền’s show …

Mai Lệ Huyền mãi mãi là “búp bê lửa” trên sân khấu, vô cùng gợi cảm và rực rỡ.

Phuonghoang Kiem (sưu tầm)

Related posts