Lại “hội thảo khoa học”

Ngày 5.12.2019 “Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trung ương” tổ chức “Hội thảo Khoa học Toàn quốc” tại tỉnh Vĩnh Phúc, đề tài là “Vai trò định hướng của phê bình trong hoạt động thực tiễn và sáng tạo văn học, nghệ thuật hiện nay”.

Cuộc “hội thảo khoa học” này quy tụ gần 180 “nhà khoa học”, “nhà nghiên cứu”, “nhà lý luận phê bình” và “văn nghệ sĩ”, do đích thân Trưởng ban tuyên giáo Võ văn Thưởng đến đọc diễn văn chỉ đạo.

Điểm đầu tiên là bệnh “hội thảo khoa học” của chế độ cộng sản. Những năm gần đâychế độ này đâm ra sính… “hội thảo khoa học”, lập đi lập lại đến độ hoá nhờn, thậm chí thành trò cười với muôn vàn thí dụ.

Thí du một: Ngày 14.9.2013, Khoa Văn học và Ngôn ngữ của Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TPHCM tổ chức buổi “tọa đàm khoa học về nhà thơ Bùi Giảng”, quảng cáo rằng đó là “lần đầu tiên kể từ năm 1975, Bùi Giáng trở thành đề tài của một tọa đàm khoa học…” [1]

Bùi Giáng trở thành một đề tài khoa học, nghe cũng là lạ nhưng xem qua hình thứ tổ chức thì đã thấy phản khoa học. Ngay sau đó nhiều người đã lên tiếng: hình Bùi Giáng trưng bày trong buổi hội thảo không phải là Bùi Giáng mà là chân dung nhà thơ Hòai Nam!

Thí dụ hai: Ngày 5.12.2017 Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trung ương tổ chức “Hội thảo khoa học toàn quốc” về đê tài “Các xu hướng vận động của văn học, nghệ thuật Việt Nam hiện nay – Thực trạng và định hướng phát triển” tại Quảng Ninh.

Tại đây, Phó Giáo sư Tiến sĩ Phan Trọng Thưởng đọc bản “Báo cáo đề dẫn”, bài này sau đó được ông hiệu đính, đăng lại trên báo Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh ngày 19.2.2018 với nhan đề “Vận động là quy luật phổ biếncủa Văn học, nghệ thuật”

Nếu đã đề cập đến “quy luật” thì phải nói rõ quan hệ, tác động qua lại và nhất là chu kỳ và tần số xuất hiện, diễn ra. Thí dụ có áp bức có đấu tranh. Hay “quy luật cung cầu”: cung giảm thì giá tăng, cung tăng giá giảm, cầu tăng giá tăng, cầu giả giá giảm v.v… Hay quy luật phun trào của núi lửa nào đó, sau 70 năm, 100 năm hay 200 năm thì nó phun trào một lần.

Còn nếu chỉ là “vận động” khơi khơi thì thử hỏi có bất cứ thứ gì trên đời mà không vận động để tồn tại?

Nhà sư ngồi thiền tưởng là im lặng như mà không, tim ông ta vận động, phổi ông ta vận động, bộ máy tiêu hóa ông ta cũng vận động. Con cá đứng yên một chỗ nhưng bộ vây và đuôi cá vẫn phải họat động để giữ thăng bằng.

Một tổ chức xã hội hay chính trị nếu muốn tồn tại thì phải hoạt động, không chỉ họat động với đời và hoạt động nội bộ giữa khác thành viên với nhau. Thành lập một tổ chức cho có tên rồi không hoạt động gì cả thì tổ chức đó sẽ chết.

Thú dụ ba: Ngày 23.3.2017 Hội đồng Lý luận Trung ương phối hợpvới Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức “Hội thảo khoa học quốc gia”với đề tài “Một số vấn đề lý luận – thực tiễn về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng thông qua tổ chức đảng và đảng viên”.

Bất cử đảng nào cũng có “tổ chức đảng” và “đảng viên” cả, cũng như cháo gà có hai thành phần chính ngoài nước là gạo và thịt gà.

Nói “Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng thông qua tổ chức đảng và đảng viên” thì cũng chả khác gì nói “Đổi mới phương thức nấu cháo gà bằng gạo và thịt gà”!

Nếu lúc này thì đảng “Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng thông qua tổ chức đảng và đảng viên” thì trước kia đảng được lãnh đạo thông qua cái gì?

Bây giờ, cuộc “hội thảo khoa học” ngày 5.12.2019 cũng y chang như vậy, cũng là đốt tiền thuế của dân cho một trò chơi vô bổ.

Hãy nghe ký giả Thiên Điểu tường thuật buổi hội thảo qua bài báo “Mặt trái của kinh tế thị trường làm tăng nguy cơ loạn chuẩn trong văn nghệ’”, đăng trên báo Tuổi Trẻ ngày 5.12.2019.

Tôi xin đi thẳng vào đề tài, trích ra từng đọan nhỏ để phân tích:

1.      TĐ: “Trưởng Ban Tuyên giáo trung ương Võ Văn Thưởng cho rằng nhiều bài phê bình chịu tác động từ mặt trái của kinh tế thị trường đang làm tăng nguy cơ loạn chuẩn, loạn giá trị trong đời sống văn nghệ.”

Nhận xét, góp ý:

–          Thứ nhất, thế nào là “mặt trái” của “kinh tế thị trường” tại Việt Nam?

–          Một tu sĩ thì phải đạo đức, không rượu chè trai gái, thế nhưng ông ta lại lén lút làm điều này, cái đó ta gọi là “mặt trái” của ông ta. Còn kinh tế thị truờng là thực thể với những yếu tố tích cực và tiêu cực, chấp nhận một nền kinh tế như thế thì phải chấp nhận tòan bộ những yếu tố đó và vấn đề là đề ra những chính sách để khai thác yếu tố tích cực, kềm hãm yếu tố tiêu cực.

–          Thứ hai, Việt Nam không áp dụng kinh tế thị trường theo kiểu “tư bản chủ nghĩa” đúng nghĩa mà là “tư bản thân hữu” (crony capitalism). Nếu nói đến “mặt trái” của nó thì phải nói đến quan hệ giữa các nhà tài phiệt có máu mặt và các quan chức chính tri cao cấp.

–          Một công ty dựng lên, tưởng là một công ty tư nhân, chịu sự chi phối của quy luật thị trường. Nhưng không nó là “sân sau” của anh Ba, anh Tư, đồng chí Y, đồng chí Z nào đó. Chỉ cần một cú điện thọai, tòan bộ những quy luật kinh tế sẽ bị đè bẹp để sau sau của các “anh” làm bá chủ thị truờng!

–          Như vậy, có thể nói: mặt trái của kinh tế thị trường tại Việt Nam chính là quyền lực vô biên của đảng cầm quyền!

2.      TĐ: “Khẳng định ngành lý luận phê bình có vai trò rất quan trọng trong nền văn học nghệ thuật, là yếu tố hữu cơ không thể thiếu trong một nền văn học nghệ thuật phát triển lành mạnh, nhưng ông Hữu Thỉnh – chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam – phải thừa nhận rằng ngành lý luận phê bình văn học nghệ thuật Việt Nam đang rất khủng hoảng. Hằng năm, Hội Nhà văn Việt Nam lựa chọn trao giải thưởng ở lĩnh vực lý luận phê bình và thường gặp khó khăn lớn để lựa chọn được tác phẩm để trao giải.”

Nhận xét, góp ý:

–          Ông Thỉnh mâu thuẩn với ông Thưởng. Nếu ngành lý luận phê bình văn học nghệ thuật Việt Nam đang ở tình trạng “rất khủng hoảng” thì nó đâu có đủ sinh khí và sức ảnh hưởng để “làm tăng nguy cơ loạn chuẩn, loạn giá trị trong đời sống văn nghệ.”

 

3.      TĐ: “Trưởng Ban Tuyên giáo trung ương Võ Văn Thưởng cho rằng cần có đánh giá công bằng rằng thời gian qua phê bình ít nhiều đã giữ được vai trò là “con mắt xanh”, kịp thời khích lệ những tìm tòi, sáng tạo và củng cố niềm tin, dũng khí đổi mới ở người sáng tác. Những kết quả đã đạt được của giới phê bình văn học, nghệ thuật là rất đáng trân trọng, cần phải được ghi nhận và đánh giá công bằng.”

Nhận xét, góp ý:

–          Đến đây thì ông Thưởng mâu thuẫn với ông Thỉnh. Nếu “những kết quả đã đạt được của giới phê bình văn học, nghệ thuật là rất đáng trân trọng, cần phải được ghi nhận và đánh giá công bằng” thì ngành này đâu có lâm vào tình trạng khủng hỏang?

4.      TĐ: “Nhưng ông (Thuởng) cũng thừa nhận sự trầm lắng của lý luận phê bình gần đây so với thực tế sáng tác sôi động của văn học nghệ thuật thời gian qua, thậm chí phê bình méo mó đang góp phần làm tăng nguy cơ loạn chuẩn, loạn giá trị trong đời sống văn nghệ.”Ở một số diễn đàn đã xuất hiện không ít những bài viết cảm tính, thiếu cơ sở khoa học, khen chê dễ dãi, thậm chí chịu tác động từ mặt trái của kinh tế thị trường, không những không định hướng được sáng tác và tiếp nhận mà còn làm tăng nguy cơ loạn chuẩn, loạn giá trị trong đời sống văn nghệ”, ông Thưởng nói.Điều này khiến phê bình đang phải đối diện với nguy cơ hiện hữu là bị giới sáng tác và công chúng văn nghệ “quay lưng”.

Nhận xét, góp ý:

Nhưng đến đây thì ông Thưởng lại mâu thuẫn với chính… ông Thưởng. Nếu giới phê bình tệ hại như thế, giới này đâu đáng để “trân trọng” và “được ghi nhận và đánh giá công bằng”?

 

5.      TĐ: “Để thúc đẩy phê bình nghệ thuật xông lên chiếm lĩnh lại vai trò của mình, ông Võ Văn Thưởng cho rằng cần phải khẩn trương khắc phục tình trạng nể nang, né tránh, khen chê cảm tính, hời hợt trong phê bình; đồng thời kêu gọi xã hội phải có ứng xử văn hóa và “bao dung, kiên nhẫn với thất bại của một số cây bút viết phê bình, nhất là với những tài năng trẻ”.

Nhận xét, góp ý:

–          Càng chỉ đạo sâu hơn trong “đề tài khoa học” này, ông Thưởng càng phản khoa học, càng tự mâu thuẫn với mình.

–          Y như chuyện tiếu lâm. Ông kêu gọi xã hội phải có ứng xử văn hóa và “bao dung, kiên nhẫn với thất bại của một số cây bút viết phê bình, nhất là với những tài năng trẻ”. Nhưng đã là “tài năng trẻ” thì phải thể hiện sự thành công từ đầu, phải chứng tỏ sự tài hoa của mình từ tác phẩm đầu tiên, đâu cần thiên hạ phải… bao dung?

6.      TĐ: “Trước thực trạng không còn mấy người có thể sống thuần túy bằng nghề viết phê bình văn học, nghệ thuật, Trưởng Ban Tuyên giáo trung ương đề nghị các cơ quan chức năng tiếp tục nghiên cứu, tham mưu, tư vấn giúp Đảng, Nhà nước có những biện pháp phù hợp, hiệu quả để tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách đối với lĩnh vực văn học, nghệ thuật nói chung, đội ngũ làm công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật nói riêng.”

Nhận xét, góp ý:

–          Nếu vậy, và nói đúng theo giọng của ông Thưởng thì đảng phải xuất kinh phí để nuôi dưỡng một đội ngũ các nhà lý luận phê bình “không cần cơ sở khoa học, khen chê dễ dãi và thậm chí chịu tác động từ các nghị quyết của đảng”!

–          Vì sao? Lướt qua các nghị quyết mà đảng đưa ra trong suốt lịch sử của mình, chúng ta thấy vô số nghị quyết “đá” nhau chan chát, cái mà đảng cần là đội nghĩ lý luận phê bình “đủ sức giải đáp những vấn đề” mà các nghị quyết ấy đặt ra!

–          Thí dụ đảng chủ trương “trói buộc” nền kinh tế (đánh tư sản, hợp tác hóa nông nghiệp, ngăn công cấm chợ) thì các nhà phê bình lý luận phải chứng minh đó là đúng đắn; đảng ra lệnh “cởi trói” bằng chính sách đổi mới, các nhà phê bình lý luận phải chứng minh rằng chuyện sai sót đã qua là… do “lịch sử để lại”, đảng hòan tòan vô can!

–           

7.      TĐ: “Ngoài ra, ông đề nghị sớm hoàn thành việc xây dựng hệ thống lý luận văn nghệ Việt Nam hiện đại, khoa học, đủ sức giải đáp những vấn đề đặt ra trong thực tiễn như nghị quyết 23 của Bộ Chính trị khóa X và các văn kiện quan trọng của Đảng đã đề ra.”

Nhận xét, góp ý:

–          Qua lời kêu gọi này chúng ta thấy gì? Ngay cả đảng mà cũng không đủ sức “giải đáp những vấn đề” mà “nghị quyết 23” và các “văn kiện quan trọng” khác của đảng đã “đề ra”.

–          Như vậy đảng có khác gì một người mù? Như vậy có nghĩa là tất cả những “nghị quyết” và “văn kiện quan trọng” đã được đảng đưa ra một cách tùy hứng, phi khoa học, phi thực tiễn và duy ý chí.

& &

Trước đó, chiều ngày 4.12.2019 ông Phan Đình Tân, phó chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trung ương, tổ chức họp báo về cuộc “hội thảo khoa học” nói trên. Cuộc họp báo được ký giả Thiên Điểu thuật lại trong bài “Chúng ta đang không có phê bình, chỉ có bình luận, nịnh nhau và ném đá”.

Tôi xin đi thẳng vào bài:

8.      “Than phiền về câu chuyện khủng hoảng của ngành lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật, phó chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trung ương dẫn ví dụ về các trường hợp ồn ào gần đây liên quan đến phê bình nghệ thuật âm nhạc như tranh cãi về nhạc bolero, cố nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 bị “ném đá” hội đồng khi nhận xét về giọng ca Đàm Vĩnh Hưng hay Thanh Lam phát ngôn về chuyện “ít học” của các ca sĩ miền Nam so với các ca sĩ miền Bắc…

Nhận xét, góp ý:

–          Chuyện lời qua tiếng lại của giới trình diễn này chẳng qua là chuyện ngồi lê, đôi mách, con gà ghét nhau tiếng gáy, không thể nào nâng chúng lên tầm cỡ của hạng mục “lý luận, phê bình”.

–          Thỉnh thỏang các cô ca sĩ hay người mẫu, diễn viên hay “hot girl” lại đưa ra những phát ngôn xanh rờn nhưng rổng tuếch, có lẽ ông phó chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trung ương này cũng cho ràng đó là những triết ngôn hay những luận điểm lý luận phê bình!

–           

9.      TĐ: “Ông Tân cho rằng hiện chúng ta không có phê bình văn học, nghệ thuật như một bộ môn rất trí tuệ, khoa học, sáng tạo; chúng ta không có văn hóa tranh luận, mà chỉ có hoặc là viết bình luận, nịnh bợ nhau, hoặc là “ném đá” hội đồng.”

Nhận xét, góp ý:

–          Không phải là “hiện chúng ta không có” mà là đảng cộng sản chưa bao giờ có. Những bài phê bình chửi bới, vu khống các văn nghệ sĩ Nhân Văn – Giai phẩm vào thập niên 1950 có hội đủ tính chất “trí tuệ, khoa học, sáng tạo” hay không? Hãy đọc lại những luận điệu đấu tô Phạm Tiến Duật (bài thơ “Vòng Trắng”), Trần Vàng Sao (Nguời đàn ông 43 tuổi nói về mình) trong các thập niên 1970, 1980 và muôn vàn thí dụ khác!

10.  TĐL: “Ông Tân phân tích, trường hợp những nhận xét của cố nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 và ca sĩ Thanh Lam theo ông ở khía cạnh nào đó đều có lý của họ, nhưng cả Thanh Lam và cố nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 đáng kính đều đã bị “ném đá” hội đồng một cách dữ dội.Thứ “văn hóa ném đá” này theo ông càng góp phần kéo lùi thêm nền phê bình văn học nghệ thuật chuyên nghiệp hiện nay vốn đã quá èo uột.”Hiện nay, những người tâm huyết, các nhà chuyên môn phải đặt câu hỏi rằng các nhà phê bình đang ở đâu trong nền văn học nghệ thuật nước nhà?”, ông Tân nói.”

Nhận xét, góp ý:

–          “Văn hóa ném đá” thực chất, là một thứ văn hóa đấu tố. Chính nhà nước cộng sản đã dung dưỡng thứ văn hóa này, biến nó thành một thứ quốc sách. Để xóa bỏ “văn hóa” này thì đầu tiên chính quyền phải ngưng việc sử dụng bộ máy truyền thông lề phải để ném đá những nhà họat động dân chủ.

–          “Văn học nghệ thuật” là một hình thức kiến trúc thuợng tầng, hình thành từ “hạ tầng” là nền tảng xã hội. Với một nền giáo dục bát nháo và vô đạo hiện tại, với một nền hành chính công quyền đầy bọn tham quan ô lại lớn bé khác nhau, đất nước có hy vọng gì cho một nền văn học nghệ thuật lành mạnh?

–          Muốn có một nền văn học nghệ thuật lành mạnh thì đầu tiên phải có một xã hội lành mạnh, một nền giáo dục lành mạnh, do đó phải có một chính quyền tử tế và chính danh, do chính người dân chọn lựa, không phải do nội bộ chính quyền tự “quy hoạch” với nhau.

Nguyễn Văn Chiến

Related posts