Mùa tặng quà (cũng là mùa nhận quà)

Lễ Giáng Sinh và năm mới Dương Lịch gần kề, có lẽ không ít bạn đọc đã mua sắm. Khi mua sắm trong dịp này, chúng ta không những mua vật dụng cần thiết cho mình và gia đình mà còn nghĩ tới nhiều món quà. Thật vậy, tặng quà là một đặc điểm của lễ Giáng Sinh và năm mới Dương Lịch.

Người ta có thể trách ngành bán lẻ đã khai thác dịp lễ này để tạo ra nhiều động lực thôi thúc người ta mua sắm. Tung ra nhiều trò chơi tặng quà cho nhau để người này mua quà tặng cho người khác. Khi lễ Giáng Sinh và năm mới Dương Lịch 2018 qua đi, thống kê cho thấy dân Úc tiêu xài sơ sơ $25 tỷ Đô La. Nếu chia đồng đều cho người đang sống ở Úc vào năm ngoái, mỗi người đã chi $1,325 khi mua sắm trong dịp cuối năm. Trong số này, có phần khá lớn dành cho quà cáp.

Chúng ta tặng quà cho người thân, người quen biết và không quên những người kém may mắn. Đó là truyền thống mừng lễ và ăn Tết (tây) của người Úc. Thông thường, gia đình ở Úc dựng cây Noel và đặt quà chung quanh gốc cây. Trẻ em Úc tin rằng chính Santa mang quà đến cho mình. Vì lý do đó, trong các cuộc lễ trước Giáng Sinh từ họp mặt trong gia đình, trường học, hội đoàn cho đến các buổi Carols by Candlelight lớn nhỏ thường có người đóng vai Santa và trẻ em Úc rất phấn khởi khi được đón Santa. Ở Úc, quà lớn nhỏ gì và do ai tặng cho trẻ em đều là quà do Santa mang đến cả.

Giữa người lớn với nhau, người Úc cũng tặng quà. Tặng quà như thể là tượng trưng cho tâm tình của mình. Ở Úc không có thói ‘tặng quà’ như đang xảy ra ở Việt Nam (vào dịp cuối năm, Trung Thu, hay lễ lạc riêng tư của xếp). Quà ở bển là một thứ đút lót bóp bụng mà dâng. Quà ở đây cho thấy mình chăm sóc, để ý đến người khác. Tình cờ lúc nào đó (trong năm) thoáng thấy bạn nâng niu một nhánh bông, trìu mến nhắc tên một cuốn sách, hay nhận ra mái tóc bạn thiếu một cây trâm nhỏ… Dịp này, ta tặng bạn món quà ấy thì chẳng phải tỏ ra mình chăm sóc bạn ru? Vì lẽ đó, ở Úc ít thấy người ta tặng món quà tổ bố cho nhau bởi lẽ cách tặng quý hơn trị giá của món quà.

Phải biến món quà thành chiếc cầu nối giữa người tặng và người nhận quà. Cầu nối này không phải chỉ có bao lâu vẫn còn món quà, bởi lẽ có những món quà còn lâu mới tiêu hao nhưng lại bị người nhận bỏ xó. Nhận xong là quên mất tiêu. Ngược lại món quà càng tạo được háo hức thì càng in sâu vào trí nhớ của người nhận. Vì lẽ đó, thông thường người ta gói quà kỹ lưỡng cho thật đẹp mắt. Gói quà càng đẹp càng in sâu vào lòng người nhận vì cho thấy người tặng chăm sóc đến người nhận. Về phía người nhận, chắc là còn lâu mới quên cảm giác khi nâng niu món quà. Và lâu phai nhoà trong tâm khảm giây phút háo hức mở gói quà. Do thế, trong dịp này ở trước cửa hàng như Myer, David Jones thường có người chực sẵn gói quà giúp. Gần đây, hàng ‘Made in China’ tống qua Úc quá nhiều chiếc giỏ rẻ tiền đựng quà. Chúng làm người tặng mất cơ hội gởi gấm tâm tình khi chắt chiu gói quà; và làm người nhận không còn háo hức khi mở quả nữa.

Người ta nói nhiều đến ‘nghệ thuật tặng quà’ và Việt Luận tin rằng bạn đọc đã rành. Trong khi đó, người ta nói ít tới ‘nghệ thuật nhận quà’. Bạn đọc có bao giờ nghĩ rằng có một thứ nghệ thuật như thế không. Chắc là đã nghĩ tới nghệ thuật nhận quà khi dạy con cháu trong nhà. Dù món quà nhỏ, con cũng lấy làm vui mà nhận vì quà quý ở tấm lòng chứ không vì mắc rẻ. Đang thấy tất cả chúng ta dạy con cái điều hay lẽ phải như thế. Tuy nhiên, rủi nhận món quà không vừa ý chắc là chính mình khó giữ được ý tứ lộ ra nét mặt. Thật vậy, nếu có nghệ thuật tặng quà thì cùng có nghệ thuật nhận quà. Tặng quà sao cho người nhận thấy sướng. Ngược lại, nghệ thuật nhận quà là làm cho người tặng cũng được như vậy.

Tặng quà làm cho mình thấy vui sướng, thoả mãn. Cảm giá lâng lâng này khiến cho một số nhà tâm lý học hiện đại đặt vấn đề không biết khi tặng quà cho người khác có phải chúng ta tặng quà cho chính mình. Hai nhà tâm lý Ed O’Brien và Samantha Kassirer, thuộc đại học Chicago và đại học Northwestern, Hoa Kỳ, làm một thí nghiệm: mỗi ngày họ đưa cho mỗi người $5 để từng người mua cũng một món quà, rồi cho người khác hay cho chính mình cũng được. Tặng quà hay nhận quà xong, từng người cho biết mình thấy vui sướng chừng nào. Kết quả: ai nhận quà thì sau 5 ngày là thấy giảm bớt vui sướng; ai tặng quà thì vẫn thấy vui sướng như trong ngày đầu tiên. Thí nghiệm cho thấy hai điều: một là tặng quà và nhận quà đều làm cho người ta vui sướng; hai là tặng quà làm cho ta vui lâu hơn.

Vì lẽ đó, trong dịp lễ Giáng Sinh và năm mới Dương Lịch đang diễn ra, chúng ta vui sướng gởi gấm tâm tình của mình vào món quà khi tặng người khác. Đồng thời, làm cho nguồn vui này kéo dài lâu hơn trong lòng người khác bằng cách trân quý món quà do người ấy tặng mình.

Việt Luận

Related posts