TỔNG THỐNG NGÔ ĐÌNH DIỆM QUA DỰ ÁN NGUYÊN TỬ LỰC PHỤNG SỰ HOÀ BÌNH

Song song với nhiệm vụ bảo vệ Tổ Quốc, chống lại sự xâm lăng của quân cộng sản Bắc Việt, ngoài quốc sách Ấp Chiến lược, khu Trù Mật, Tổng Thống Ngô Đình Diệm còn đưa ra những chương trình với mục đích phát triển kinh tế nước nhà nữa. Như mở mang phi cảng Tân Sơn Nhất, xây dựng xa lộ Sài gòn – Biên Hoà, thiết lập nhà máy xi măng Hà Tiên… Còn có một dự án mang tầm vóc quốc tế. Đó là Nguyên tử lực cuộc phụng sự hoà bình.

 Năm 1958 do Hoa kỳ hậu thuẫn, Tổng Thống Ngô Đình Diệm đưa ra và cho soạn thảo một chương trình “Nguyên Tử Lực Cuộc”. Sau khi bàn bạc, chuẩn bị, từng chi tiết chọn nơi thực hiện dự án phải mất đến hai năm. Chương trình nguyên tử lực cuộc có ba người đóng góp rất nhiều:

1. Giáo sư Bửu Hội:

Tên đầy đủ Nguyễn Phúc Bửu Hội, gốc Hoàng phái triều nhà Nguyễn ở Huế. Ông sinh 1915 tại Huế, cha tên Nguyễn Phúc Ưng Úy quan thượng Thư nhà Nguyễn thời Bảo Đại. Ông qua Pháp du học tại Đại Học SORBONNE, tốt nghiệp bằng Tiến Sĩ Hóa Hữu Cơ. Ông cũng là bạn tâm giao của Tổng Thống Diệm. Chính vì thế ông trở về nước phục vụ qua lời mời Tổng Thống. Với vai trò Tổng Cục Trưởng Nguyên Tử Lực Cuộc, ông còn là Đại Sứ Việt Nam Cộng Hoà tại Liên Hiệp Quốc.

2- Kiến trúc sư Ngô Viết Thu:

Đồng hương với giáo sư Bửu Hội, ông Thụ học Cao Đẳng Kiến Trúc Đà Lạt. Ông được giải thưởng kiến trúc Khôi Nguyên La Mã tại Pháp, chính giáo sư Bửu Hội đích thân chuyển lời mời của Tổng Thống Ngô Đình Diệm đến Ngô Viết Thụ từ Pháp trở về giúp nước. Ngô Viết Thụ đảm nhận về thiết kế và giám sát kỹ thuật cho dự án Nguyên Tử Lực Cuộc.

3- Thị Trưởng Đà Lạt Trần Văn Phước:

Ông sinh ngày 23-08-1918 tại TAKEO (Campuchia) con của ông Trần Văn Phát và bà Trương Thị Mẫn ở Chợ Lớn.

 Ông làm Thị Trưởng Đà Lạt từ năm 1956 đến 1963. Ông có công rất nhiều cho thành phố Đà Lạt, trong khoảng thời gian ông làm Thị trưởng Đà Lạt như kiến thiết Viện Đại Học Đà Lạt, xây chợ mới Đà Lạt. Riêng dự án xây dựng nhà máy Nguyên tử năng, ông gợi ý tỏ ra thiện trí bán miếng đất có diện tích 21,15 ha với giá tượng trưng một đồng bạc, qua Công Văn 10677-HC/2B vào ngày 04-10-1960.

Nguyên Tử Lực Cuộc được thiết kế do hảng KASER ENGINERS AND CONSTRUCTORS INC. Kỷ sư JAMES A CONWELL trong vai trò Cố Vấn quan trọng ở giai đoạn đầu xây dựng hệ thống lò luyện và khu vực nghiên cứu Nguyên Tử Đà Lạt bảo đảm có thể vận hành lâu dài.

 Ngày 13-10-1960 Tổng Thống Ngô Đình Diệm chấp thuận cho dự án Nguyên Tử xây cất trên miếng đất do Thị Trưởng Trần Văn Phước bán giá tượng trưng qua côngg văn số 639-TTP/NTLC/CH.

Đến sáng ngày 03-11-1960 có một cuộc họp Liên Nha bất thường diễn ra tại số 287 Phan Thanh Giản Sài Gòn do Giáo Sư Bửu Hội chủ tọa. Các thành phần của dự án gồm có: Kiến Trúc Sư Ngô Văn Tòng, Ngô Viết Thụ, Kỹ Sư James A. Conwell và các thư ký, chuyên gia của Nguyên Tử Lực Cuộc. Trong cuộc họp nầy Giáo Sư Bửu Hội đặt ra những điều kiện chặt chẽ với nhà thầu. Vì công trình nầy có tầm vóc rất quan trọng đối với quốc tế cùng uy tín và danh dự một quốc gia đang điều hành. Đòi hỏi tính an toàn rất cao, không như xây dựng dinh thự hay nhà ở thông thường. Đến phần Kiến Trúc Sư Ngô Viết Thụ trình ra bản MAQUETTE Trung Tâm Nghiên Cứu Nguyên Tử Đà Lạt của tương lai. Ông còn yêu cầu ông Lê Tuấn Anh- Quyền Phụ Tá Hành chánh và Tài Chánh, ông cũng là người giám sát toàn bộ trong quá trình xây dựng, trình tổng quát Hội nghị xin ý kiến để tu chỉnh lần chót.

 Sau cùng ông Thụ được yêu cầu tăng 10% chi phí để thẩm mỹ hoá trung tâm, vì đây là trung tâm góp phần với thế giới chớ không riêng cho Việt Nam. Trước đó vào tháng 06-1960 Kiến trúc Sư Ngô Viết Thụ được ứng trước ngân khoản 200.000 đồng để chi dụng khởi công. Ông Ngô Viết Thụ được Tổng Thống Ngô Đình Diệm tin tưởng hoàn toàn.

 Trong buổi họp báo hôm đó, ông Ngô Viết Thụ đưa ra sáng kiến sửa đổi hình thức bên ngoài các toà nhà để trước hết được thích hợp với phong cảnh núi đồi xung quanh sau nữa để phù hợp với nền văn minh cổ truyền Việt nam. Vì thế toà nhà vuông chứa là nguyên tử trở thành hình ống, toạ lạc giữa cung tròn và toà nhà hình ống chứa lò nguyên tử được biến thành biểu tượng cho bát quái đồ. Đây là sự kết hợp kiến trúc giữa tối tân và cổ truyền.

 Có một sự bất đồng giữa Kỹ sư Mỹ với ông Bửu Hội và Ngô Viết Thụ qua việc xây dựng kỹ thuật hầm phân (fosses septiques). Sau cùng đồng ý sửa theo ý kiến của Kỹ Sư CONWELL, để tránh khả năng rò nhiễm sau nầy. Giáo Sư Nguyễn Tư Bân còn cho biết, khi ông đi công cán tại Đà Lạt, có nghe dư luận lo lắng lò nguyên tử sẽ rò rỉ nước thoát ra sông hồ. Nên ông lưu ý nướn thoát phải được lọc qua hầm thật kỹ trước khi thoát ra sông, tránh ô nhiễm.

 Tháng 01-1961 Giáo Sư Bửu Hội đề nghị thêm vào dự án nầy hai phòng thí nghiệm Vật Lý và Hoá Học Ông diện dẫn rằng:

– Hiện nay các phòng thí nghiệm đã xây cất chỉ để điều hành thông thường vài chương trình khảo cứu đã đề cập đến. Cần phải xây dựng thêm hai phòng thí nghiệm để thiết trí máy móc cho các chuyên viên thực hiện công cuộc khảo cứu. Một khi có hai phòng thí nghiệm trên, sẽ nhận được máy móc để trang bị, của các quốc gia bạn. Những máy móc đó gồm có: Máy SPECTROGRAPHE DE MASS, máy ORDINATEUR IBM, máy PULSED NEUTRON SOURCE và đặc biệt là các nhiên liệu như: chất đồng vị phóng xạ mà lò VNR-1 không sản xuất được, nước nặng (eau lourde) và các chất có có Tritium…

Giáo Sư Bửu Hội đưa ra một chương trình xây cất dài hạn:

– Đợt 1: (1960- 1961)

 Xây Trung Tâm Nghiên Cứu Nguyên Tử, gồm lò nguyên tử và các phòng thí nghiệm phụ thuộc và hai phòng thú nghiệm.

– Đợt 2:

 Xây dựng phòng Vật Lý – Hoá học Hữu Cơ và phân tích (chimie organique et anlytique).

Đợt 3: (1963)

 Xây thêm Viện nghiên cứu kỹ thuật nguyên tử(để dạy các chuên viên và nhân viên cách dùng các chất có phóng xạ) giãng đường và thư viện.

Đợt 4 (1964)

 Thiết trí một giãng đường GAMA (gama field) để khảo cứu về tính cách di truyền (genetics) của các loại cây cỏ trồng tại Đà Lạt, nhằm mục đích tăng gia sản xuất kỹ nghệ trồng tỉa.

Chi phí xây cất hai phòng thí nghiệm khoảng 5 triệu đồng, được Tổng Thống Ngô Đình Diệm chấp thuận.

 Ông Bửu Hội còn nhấn mạnh rằng: Hai phòng Vật Lý và Hoá Học chẳng những để thoả mãn nhu cầu khảo cứu khoa học của Trung Tâm, mà còn có mục đích giúp Viện Đại Học Đà Lạt và Trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt trong chương trình huấn luyện sinh viên.

 Viễn kiến và hy vọng kết nối các trung tâm giáo dục nghiên cứu trong thành phố Đà Lạt và quốc tế hoá vai trò, vị trí của trung tâm nầy đã được ông Bửu Hội tính toán khá cụ thể. Ông được Tổng Thống Ngô Đìng Diệm hưởng ứng hoàn toàn.

 Tháng 02-1961 trong chuyến đi thăm điểm xây cất Trung Tâm Nghiên Cứu Nguyên Tử Đà Lạt, có ông Kiến Trúc Sư Ngô Viết Thụ, giáo sư Nguyễn Tư Bân tháp tùng, Tổng Thống Diệm đã bày tỏ sự quan tâm đến việc đào tạo chuyên viên tại nước ngoài. Ông Diệm còn chỉ thị “phải xây cất cho xong trong năm 1961, còn phải tranh thủ thời gian để tránh mùa mưa”.

 Chương trình khởi công xây dựng vào tháng 04-1961 đến ngày 18-08-1961 Tổng Cục trưởng Nguyên Tử Lực Cuộc lại gửi Bộ trưởng tại Phủ Tổng Thống Sài gòn báo cho Tổng Ủy Ban Nguyên Tử Lực Hoa Kỳ về sự thay đổi hiệu năng của lò nguyên tử tại Đà Lạt. Trước đây giáo sư Bửu Hội có soạn thảo và đệ trình Tổng Ủy Ban Nguyên Tử Lực Mỹ quốc một cuốn PROPOSAL để trình bày với Tổng Ủy Ban nầy về công cuộc xây cất Trung Tâm Nghiên Cứu Nguyên Tử, cùng các chi tiết liên hệ, như lý lịch và học trình của các chuyên viên sẽ phục vụ tại Nguyên Tử Lực Cuộc Việt Nam sau nầy, với mục đích xin tài trợ. Trong cuốn Propasal nói trên, đề cập đến lò nguyên tử 100KW, nay đã có sự thay đổi hiệu năng từ 100KW lên tới 250KW.

 Sự thay đổi hiệu năng đã ảnh hưởng đến tài chánh, mà còn liên hệ đến vấn đề thuê mướn chất URANIUM để thay lò phản ứng (Réacteur) sau nầy. Vì những lý do trên, nên Tổng Cục trưởng đã soạn thảo xong tập phụ lục để bổ khuyết cuốn Proposal trước trình bày cho Tổng Ủy Ban Nguyên Tử Lực Hoa Kỳ biết các chi tiết, đồng thời Tổng Cục Trưởng đã nhờ Bộ Ngoại Giao cho gửi tập phụ lục nầy cùng với một Công Văn chính thức của Nguyên tử Lực Cuộc sang Toà Đại Sứ Việt nam tại Hoa Thịnh Đốn để chuyển tới ông G. SEABORG, Chủ Tịch Tổng Ủy Ban Nguyên Tử Lực Hoa Kỳ biết về sự kiện thay đổi hiệu năng của lò nguyên tử Việt Nam hầu được sự thoả thuận trước của họ và dễ dàng trong việc thuê mướn chất URANIUM sau nầy.

Trong quá trình xây dựng ròng rã 2 năm từ 1961 đến 1962 đều đúng theo dự đoán tính toán của giáo sư Bửu Hội. Tuy có chậm trễ một thời gian do thủ tục, mời gọi thầu cùng với địa hình dốc đồi. Tuy nhiên với sự quan tâm của Tổng Thống Diệm và phiá Mỹ đối với công trình trọng yếu nầy khá chặt chẽ. Hằng tháng ông Lê Tuấn Anh – Quyền Phụ Tá Hành Chánh và tài Chánh của Nguyên Tử Lực Cuộc, có những hình ảnh cụ thể ghi chép báo cáo tiến trình xây dựng gửi về Phủ Tổng Thống tại Sài Gòn. Từng giai đoạn khi xây vỏ tường lò nguyên tử được xem là rất quan trọng. Ngày 28-05-1962 thì lớp bê tông thứ nhất được đổ và hoàn thành vào ngày 30-05-1962. Ba tuần sau, hãng GENERAL ATOMICS cử kỹ sư ERVIN EDWARD DUNN đến giám sát quá trình đổ bê tông lớp thứ hai và thứ ba. Từng công đoạn đã có sự giám sát từ phiá Nguyên Tử Lực Cuộc, phiá Mỹ và các tổ chức viện trợ Pháp, Hội Đồng Anh quốc hay kế hoạch Colombo… Trong khoảng thời gian nầy, một số nhân viên được cử đi ngoại quốc nghiên cứu, thực tập chuyên ngành nguyên tử hạt nhân với cam kết sẽ trở về làm việc tại Trung Tâm Nghiên cứu Nguyên Tử Đà Lạt.

 Cuối năm 1962 một Trung Tâm Nghiên Cứu Nguyên Tử theo lối kiến trúc tân tiến đã thành hình, như một biểu tượng trí thức và hoà bình bền vững. Kinh phí xây dựng và thiết trí lò nguyên tử là 22 triệu tiền Việt Nam, trị giá những dụng cụ khoa học nhập cảng, kể cả lò nguyên tử hơn 700 ngàn Mỹ Kim.

 Ngày 26-02-1963 lúc 12 giờ 40 phút đánh dấu một giai đoạn mới và thành công của Nguyên Tử Lực Cuộc: Lò Nguyên tử VNR-1 chính thức đi vào hoạt động. Như vậy sau gần 5 năm chuẫn bị và gây dựng hạ tầng cơ sở cũng như triệu tập chuyên viên các ngành, đã đến lúc Nguyên Tử Lực Cuộc có thể khai thác khả năng lò nguyên tử vào các hoạt động khao học đã định theo ý hướng áp dụng nguyên tử năng phụng sự hoà bình để phụng sự cho nhân loại.

Sáng ngày 28-10-1963 Tổng Thống Ngô Đình Diệm có mặt trong buổi lễ Khánh Thành Trung Tâm Nghiên Cứu Nguyên Tử Đà Lạt. Quan khách đến dự từ Sài Gòn đi bằng phi cơ quân sự C47 đáp xuống phi trường Cam Ly. Gồm có các ông: Ông Bà Đại Sứ Mỹ, Ông GANJU Tổng Lãnh Sự Ấn Độ, ông HORACE JAQUES Phó Tổng Lãnh Sự Thụy Sĩ, ông HUDYONOTO Tổng Lãnh Sự Indonésia, ông -R-JONES Đệ Tam Tham Vụ Sứ Quán Úc Đại Lợi, ông BEELAERTS VAN BLOKLAND Xử Lý Thường Vụ LÉGATION DES PAYS BAS. Phía Việt Nam có Viện Trưởng Viện Đại Học Sài gòn, Tổng Giám Đốc Việt Tấn Xã, Tổng Giám Đốc Trung Tâm Khảo Cứu Khoa học, các giáo sư, học giả: Bùi Quốc Hương, Lê Xuân Chất, Ưng Hội, các Bộ trưởng Kinh Tế Tài Chánh, Công Chánh và Giao Thông. Ngoài ra còn có các Đại Sứ các nước trong khu vực: Trung Hoa Dân Quốc, Lào, Philippines…

 Dĩ nhiên có sự hiện diện của ông Bửu Hội, Kiến Trúc Sư Ngô Viết Thụ, giáo sư Nguyễn Tư Bân và ông Phụ Tá Hành Chánh Tài Chánh Lê Tuấn Anh, đây là những người trụ cột trong Nguyên Tử Lực Cuộc.

 Ngày 29-10-1963 Tổng Thống Ngô Đình Diệm phê chuẩn và ban hành thoả ước Việt -Pháp về việc xử dụng nguyên tử phụng sự hoà bình (SL 135/NG. Đây là chữ ký cuối cùng của Tổng Thống Ngô Đình Diệm.

Trong Tập San Văn Hoá Đà Lạt do Nguyễn Bảo Tri chủ biên của Viện Đại Học Đà Lạt xuất bản 1974 có ghi lại như sau:

“Trung Tâm Nghiên Cứu Nguyên Tử Đà Lạt có cưả chính về phiá Tây, cánh Nam gồm thư viện, văn phòng hành chánh và phòng tiếp tân. Cánh Bắc là khu kỹ thuật gồm phòng thí nghiệm quang tuyến hoá học, phòng thay quần áo, phòng đo phóng xạ năng, phòng thí nghiệm vật lý nguyên tử, phòng thí nghiệm quang tuyến sinh vật học, phòng quang tuyến X và văn phòng các chuyên viên khảo cứu.

 Dãy nhà ở giữa gồm phòng thí nghiệm kiểm xạ và phòng điều khiển nguyên tử: Nối liền hai cánh với phòng chứa nguyên tử ở chính giữa. Ở phiá sau, cách dãy nhà chính một quãng ngắn là nhà chứa máy phát điện DIESEL và các phương tiện tu bổ cơ khí, đồ mộc.

 Tổng số diện tích xây cất của Trung Tâm chừng 2.000 mét vuông”.

Tập Sản cũng mô tả về lò Nguyên Tử của Trung Tâm như sau:

 “Lò nguyên tử VNR-1 là loại lò Nguyên Tử TRIGA MARK II do hãng Kỹ nghệ GENÉRAL ATOMICS thuộc công ty GENE!RAL DYNAMICS ở Hoa Kỳ chế tạo để huấn luyện nghiên cứu và sản xuất đồng vị phóng xạ. Lò nguyên tử có thể hoạt động với năng suất tối đa 250KW”.

 Trung tâm nguyên tử được đặt dưới đáy bể chứa bằng nhôm hình trụ có chứa nước chưng cất tinh khiết, chính nhờ nước nầy mà bức tường dày khoảng 2.5 mét không sợ bị nhiễm xạ khi máy đang hoạt động.

 Tâm nguyên tử có chứa 2.5 kg UNANIUM 235, ở đây có nguồn trung hòa tử (neutron) dùng để bắn vỡ nhân URANIUM9 khi máy hoạt động phản ứng dây chuyền tiếp tục phát ra nhiệt và phóng xạ. Sự phá vỡ nhân nầy được kiềm chế bởi ba thanh điều khiển bằng “Boron carbide” – một loại kim khí có tính chất hấp thụ các trung hoà tử rất nhạy.

 Tất cả được điều khiển bằng một bàn điều khiển đặt tại phòng bên.

 Thành phần khảo cứu khoa học tại Trung tâm gồm: ban vật lý lò nguyên tử, ban Kiểm Xạ, ban điện tử, ban vật lý nhân tử, ban quang tuyến hoá học và ban quang tuyến sinh vật học.

 Là một trung tâm nghiên cứu mang tầm vóc quốc tế, ngay từ khi mới thành lập Nguyên Tử Lực Cuộc, chính phủ Việt Nam Cộng Hoà cũng đã kết nối với các tổ chức toàn cầu trong lãnh vực nghiên cứu nguyên tử lực phục vụ hoà bình. Gởi nhân viên đi đào tạo, công tác, trao đổi tại Anh, Pháp, Nam Hàn, Nhật Bản, Trung Hoa Dân Quốc và các nước Đông Nam Á để mở rộng màng lưới sinh hoạt học thuật.

Thay cho phần kết.

 Ngày 01-11-1963 Trung Tướng Dương Văn Minh cầm đầu cuộc đảo chánh, không những ông ra lệnh giết anh em Tổng Thống Ngô Đình Diệm- Ngô Đình Nhu, mà còn tiêu diệt luôn nền Đệ Nhất Cộng Hoà, bao gồm cả Hiến pháp, đến các cơ sở hạ tầng mà suốt 9 năm cầm quyền, Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã dày công gây dựng, trong đó có Trung Tâm Nghiên Cứu Nguyên Tử Lực tại Đà Lạt.

Nếu không có ngày 01-11-1963 chưa chắc sẽ có ngày 30-04-1975 và Việt Nam đã không mất đất và biển về tay Tàu Cộng như ngày hôm nay.  

Điều nầy đúng theo sự tiên đoán cuả Tổng Thống Ngô Đình Diệm: “Miền Nam mà bị Cộng sản Bắc Việt chiếm lấy thì nước Việt Nam sẽ trở thành một tỉnh của Trung Cộng”.

 Sydney ngày 20-10-2019.

 Vương Kim Hùng.

Tài liệu tham khảo:

– Đà Lạt bên dưới sương mù của Nguyễn Vĩnh Nguyên.

– Dẫn chứng từ trang 150- 165. Nhà xuất bản Phụ Nữ – Sài Gòn 2018.

 Đoàn Thêm- Hai mươi năm qua 1945-1964. Việt từng ngày. Dẫn chứng

 trang 365. Nhà xuất bảnNam Chi Tùng Thư Sài Gòn.

– Lời nói nầy nằm trong bài diễn Văn của Thủ Tướng Ngô Đình Diệm đọc tại

 buổi lễ Khánh Thành đập Đồng Cam (Tuy Hoà) ngày 17-09-1955

Related posts