Grace, Imelda và Kim Ngân

Ngân là bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội Cộng sản VN, người mà ba năm trước từng được đồn đại là có ngày sẽ lên làm tổng bí thư. Hiện tại, giữa cuộc đua vào ghế này đang nóng lên khi Ban bí thư đang chuẩn bị “chốt lại vấn đề nhân sự” để chuẩn bị cho đại hội đảng thứ 13 vào đầu năm 2021, bà lại đối mặt với tin đồn lung tung và khó tin về những góc khuất của đời tư, rồi những thông tin xác thực hơn tứ về đời sống xa hoa, y như nững đệ nhất phu nhân của các lãnh tụ độc tài Á – Phi.

Tuần qua (22/9/2019) tờ The Sun ở Anh đăng bài “Insane shopping sprees and luxury addictions of former first ladies revealed” (Bóc trần tật mua sắm điên rồ và thói nghiện hàng xa xỉ của các đệ nhất phu nhân), bàn về thói tiêu hoang tên xương máu người dân của vợ những lãnh tụ độc tài Zimbabwe, Phillippines và Syria v.v..

Nhân vật trẻ nhất trong nhóm trên và hiện còn đương quyền là Asma năm nay 44 tuổi, đệ nhất phu nhân của đất nước Syria hoang tàn vì nội chiến. Nội chiến Syria càng kéo dài, người dân càng mất mát, đất nước càng điêu tàn nhưng đệ nhất phu nhân Asma vẫn tiếp tụng ăn mặc sang trọng, thanh nhã và tiêu xài hoang phí, giữa cảnh chiến tranh tan nát mà chi ra đến 450,000 Mỹ kim để sắm sửa nội thất cho nhà nghỉ mùa hè ở thành phố biển Latakia, Alawite, là quê chồng Bashar… Bởi vậy, dù được sinh ra và lớn lên ở Anh, cô ta hiện đang bị Liên minh Châu Âu cấm vận và bị Anh tước bỏ quốc tịch.

Bà Ngân thì chưa thể nào đạt tới “trình độ” của một nhà độc tài mà chỉ là vật trang trí cho một chế độ độc tài. Tuy nhiên thử xem giữa bà ta có những điểm nào khả dĩ gọi là tương đồng với những đệ nhất phu nhân khét tiếng toàn cầu!

Hãy điểm lại hai nhân vật hạng “tiền bối” của bà Asma và Kim Ngân, giờ đã hết thời.

Grace Mugabe

Bà này là vợ hai của nhà độc tài Robert Mugabe của Zimbabwe vừa mới đưa tang ông vào cuối tuần qua.

Trên danh nghĩa thì bà là “Đệ nhất phu nhân” (First Lady) nhưng báo chí ưa gọi bà bằng hỗn danh “Đệ nhất sắm đồ” (First Shopper) hay “Grace Gucci” (hàng hiệu Gucci) bởi có khi, chỉ trong một chuyến mua sắm, bà tậu hàng hiệu đến 109,000 Úc kim., chạy xe Rolls Royce giá $655,000.

Chồng bà bị cưỡng bức về hưu tháng 11 năm 2017 trong một cuộc đảo chính không đổ máu, trong đó nguyên nhân chính là bà vợ trẻ hơn mình 31 tuổi khét danh “Đệ nhất mua sắm”.

Ông Robert Mugabe – lúc đó 93 tuổi — có ý đồ nhường “ngôi” cho bà vợ Grace 62 tuổi. Để làm vậy, đầu tiên ông buộc tội nguyên Phó Tổng thống Emmerson Mnangagwa là “âm mưu tiếm quyền” rồi ra lệnh cách chức. Trước đó chỉ hai tuần, bà vợ NÀY đã hụych toẹt tuyên bố: “Tôi đã nói với tổng thống rằng ông ấy có thể giao cho tôi phụ trách. Tổng thống cũng có thể cho tôi vị trí của tổng thống. Hãy giao việc cho tôi, tôi sẽ làm rất tốt”. Lúc đó đảng cầm quyền ZANU-PF của Mugabe cũng đã mặc nhiên chấp nhận rằng bà sẽ là người kế nhiệm chồng. Tuy nhiên giới tướng lãnh không chấp nhận bà Grace.

Ông Mugabe đã cầm quyền từ năm 1980 đến lúc đó nhờ sự ủng hộ của quân đội nhưng lúc này ông ta bị Tổng tham mưu trưởng Constantino Chiwenga phản đối, cảnh cáo rằng quân đội sẽ can thiệp, chặn đứng cuộc thanh trừng mà đảng cầm quyền ZANU-PF đang tiến hành.

Ngay sau đó đảng ZANU-PF cáo buộc tướng Chiwenga có âm mưu tạo phản. Để đáp trả, ngày 15.11.2017 quân đội liền cho xe tăng và thiết giáp bao vây dinh tổng thống và trụ sở đảng này. Ngày hôm sau, quân đội chiếm đài truyền hình nhà nước, tại đây phát ngôn viên của quân đội lên tiếng khẳng định không hề có đảo chính và cho biết Tổng thống Robert Mugabe đang an toàn. Sau đó thì người ta thấy Phó Tổng thổng Mnangagwa lên thay.

Ông Robert Mugabe được xem là anh hùng trong cuộc chiến giành độc lập nhưng đã bị quyền lực làm sa đọa,

Mugabe sinh năm 1924, xuất thân là một giáo viên, từng giành học bổng về sư phạm tại Nam Phi và lấy bằng cử nhân về hành chánh theo lối học hàm thụ của Đại học Londpn.

Mugabe nổi tiếng vào thập niên 1960 khi lãnh đạo Liên minh Quốc gia Châu Phi Zimbabwe (ZANU) trong cuộc chiến tranh du kích chống lại cộng đồng thiểu số da trắng cầm quyền ở Rhodesia (1964-1979). Sau đó đã giữ chức Thủ tướng Zimbabwe trong khoảng thời gian từ năm 1980 đến 1987 rồi trở thành tổng thống.

Zimbabwe từng là nước có kinh tế phát triển nhưng chính sách cải cách ruộng đất, cho nông dân chiếm đọat đồn điền của các cư dân da trằng đã khiến kinh tế lụn bại, kéo một trong những nền kinh tế hứa hẹn nhất Châu Phi này xuống mức suy thoái sâu gần 1 thập niên,

Dưới sự lãnh đạo của ông Zimbabwe đã bị tụt hạng, trở thành một trong những nước nghèo nhất thế giới, chỉ riêng năm 2009 thì tỷ lệ lạm phát đạt kỷ lục, lên đến 500%,

Tính suốt 37 năm cầm quyền thì Mugabe khiến tình trạng lạm phát lên tới 11,000,000 %, khiến dân số nước này có tỷ lệ mắc bệnh AIDS vào loại cao nhất châu Phi trong khi tuổi thọ bị hạ vào thấp nhất thế giới.

Trong cảnh đó lại xuất hiện “đệ nhất mua sắm” Grace.

 Bà Grace sinh năm 1965, xuất thân là là thư ký trong văn phòng tổng thống. Năm 1992, khi vợ đầu của ông Robert là Sally Mugabe qua đời thì Grace nhanh nhẩu chia tay chồng để rồi chỉ bốn năm sau là làm đám cưới với ông Mugabe.

Từ đây tên tuổi bà gắn liền với tai tiếng về tật tiêu xài hoang phí trên sự đau khổ của người dân trong tình trạng suy thóai kinh tế và siêu lạm phát, ngoài ra còn khét danh với lối hành xử thô lỗ và hung bạo.

Đầu năm 2017 bà Grace bị một người mẫu Nam Phi 20 tuổi cáo buộc tội hành hung mình tại một phòng khách sạn ở Johannesburg, tuy nhiên sau đó thóat nạn nhờ quyền đặc miễn ngoại giao.

Imela Marcos

Bà này là vợ góa của Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos, hiện đã 90 tuổi, khét danh với bộ sưu tập giày và bộ sưu tập nữ trang và nghệ thuật mua sắm bằng công quỹ. Báo chí Philippines cáo buộc rằng trong 21 năm cầm quyền, hai vợ chồng này đã biển thủ trên 10 tỷ đô la.

Imelda sinh năm 1929 trong một gia đình địa chủ gốc Tây Ban Nha tại Tolosa, Leyte. Thời trẻ bà từng học thanh nhạc, thi hoa hậu, sĩ và hành nghê ca sĩ kiêm người mẫu tại Manila cho đến kết hôn với dân biểu Ferdinand Marco vào năm 1954.

Năm 1959 Marcos đắc cử thượng nghị sĩ và năm 1965 đắc cử tổng thống, Imelda trở thành đệ nhất phu nhân, từ đây trở nên khét tiếng với nếp sống xa hoa, phung phí. Dựa hơi chồng Imelda bắt đầu tham chính với vai trò đại sứ kiêm bộ trưởng. Trong vai đại sứ lưu động, bà đi khắp thế giới để “nhân tiện” sử dụng công quỹ mua sắm các kiệt tác nghệ thuật và bất động sản. Bà liên miên chu du Mỹ, Liên Xô, Libya, Nam Tư, Iraq, và Cuba và kết giao với Richard Nixon, Muammar Gaddafi, Saddam Hussein, Fidel Castro và Joseph Tito. Biện minh về các chuyến đi và quan hệ, bà giải thích là phải điđể bảo đảm nguồn cung cấp dầu lửa từ Iraq và Libya.

Trong vai trò Bộ trưởng Bộ Định cư, bà xây dựng Trung tâm văn hóa của Philippines, Trung tâm Tim Philippines, Trung tâm Phổi Philippines, Trung tâm Hội nghị Quốc tế Philippines, Cung điện dừa, và Trung tâm phim Manila và cũng biển thủ từ ngân sách này để tậu riêng cho mình nhiều bất động sản tại ở New York.

Có quyền lực trong tay, Imelda đã sử dụng công quỹ để đánh bóng hình ảnh vợ chồng mình. Imdela quyền lực đến mức có thể buộc các tướng quân sự phải mặc quần áo cải trang tại các bữa tiệc sinh nhật của bà, mua bản quyền tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ toàn thế giới năm 1974 tại Manila mà nơi diễn ra là Nhà hát nghệ thuật dân gian chỉ được xây dựng trong vòng chưa đầy ba tháng.

Dĩ nhiên là bà ta trở thành đối tượng bị căm ghét của phần đông công chúng Phillippines. Khi làn sóng chống đối nổi lên thì tháng Sáu năm 1972 Marcos tuyên bố thiết quân luật, khóa miệng báo chí và cấm đảng đối lập. Ngày 7.12. 1972 bà bị ám sát hụt, một người dùng dao gấn công bà nhưng bị cảnh sát bắn chết. Sự việc này khiến ông Marcon gia tăng sự đàn áp và sự chống đối cũng ngày càng kịch liện, Để rảnh tay, năm 1981 Imelda đạo diễn vụ trục xuất lãnh tụ đối lập Benigno Aquino Jr. vào và sau đó, để xoa dịu công chúng, Ferdinand tuyên bố bãi bỏ thiết quân luật.

Nhưng sau đó thì Ferdinand liên miên bệnh tật và bà Imelda trở thành “tổng thống trên thực tế”. Năm 1983 lãnh tụ đối lập Aquino hồi hương và bị ám sát ngay tại phi trường, lúc này bao nhiêu lời buộc tội đều nhắm vào bà Imelda. Trên danh nghĩa, tổng thống, ông Marcos cho thành lập Ủy ban điều tra độc lập Agrava rồi sau đó ủy ban màu kết luận bà Imelda “vô tội”.

Năm 1986 bà Corazon Aquino, vợ góa của ông Benigno Aquino Jr. ra ứng cử và bị thua. Cáo buộc gian lận nổi lên, các cuộc biểu tình bùng phát trên toàn quốc trong cuộc phản đối mang tên “Phong trào sức mạnh nhân dân”. Vợ chồng Marcos biết rằng mình đã hết thời, chạy vào ẩn nấp trong căn cứ không quân Clark của Mỹ. Ngày 25.2.1986 họ chạy trốn đến Hawaii xin ty nạn và lúc này công chúng mới thực sự mục kích đời sống xa hoa của bà ta,

Phủ tống thống là với một kho hàng hóa xa xỉ: tại phòng riêng của bà, người ta tìm thấy 15 áo khoác lông chồn vizon, 508 áo đầm, 1,000 túi xách và cả một “kho giày”. Thông tin đầu tiên cho thấy có trên 3000 đôi giày tuy nhiên số liệu trong báo cáo chính thức sau đó cho biết có 1,060 đôi.

Năm 1988, vợ chồng Imelda và Marcos bị Tòa án Mỹ bị xét xử và được đại hội thẩm liên bang tuyên không phạm tội biển thủ. Tháng 12 năm 1990, Tòa án liên bang Thụy Sĩ công bố phán quyết, theo đó tiền mặt của vợ chồng Marcos trong các ngân hàng Thụy Sĩ sẽ chỉ được trả lại cho chính phủ Philippines nếu một tòa án Philippines xét xử Imelda trong một vụ “xét xử công bằng”.

Ngày 4.1.1991, hai năm sau ông Marcos qua đời, nguyên Tổng thống Corazon Aquino tuyên bố ân xá, cho phép Imelda trở lại Philippines. Chỉ năm sau bà tung tiền ra tranh cử tổng thống nhưng thất bại và sau đó ra ứng cử dân biểu dù hiện vẫn còn tồn động 10 vụ án liên quan đến cá buộc biểu thủ!

Đầu năm 2013, Nghiệp đoàn quốc tế các nhà báo tiết lộ con gái bà là Imee dính líu trong vụ dịch vụ ngân hàng ở nước ngoài giúp mẹ giấu tài sản ở quần đảo Virgin thuộc Anh. Năm 2014, chính phủ Philippine tịch thu bộ ba bộ sưu tập đồ nữ trang và nghệ thuật của bà ta, trong đó có các kiệt tác của họa sĩ Claude Monet.

Nguyễn Thị Kim Ngân

Mới dây, ông Võ Viết Chung – một nhà thiết kế thời trang có tiếng tại Việt Nam- đã “khoe” trên báo chí nhà nước là đã vẽ kiểu cho bà Kim Ngân 300 bộ áo dài. Bà Imelda làm đệ nhất phu nhân 21 năm, sưu tập 508 bộ đầm dài, bà Kim Ngân chỉ mới làm chủ tịch quốc hội ba năm, đã có bộ sưu tập áo dài bằng hai phần ba, kể cũng là tài.

Theo các nguồn tin trong nước thì bộ sưu tập áo dài của bà Ngân trị giá ít nhất 30 tỷ đồng, tức khoảng 1.5 triệu đô la. Theo giới thông thao thời trang, chi phí một bộ áo dài do những chuyên gia thời trang hàng đầu thiết kế vào khoảng 100 triệu đồng một bộ, tức phí tổn vào khoảng 30 tỷ đồng. Trong khi đó thì kể từ ngày 1.7.2019 mức lương của Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng đã được tăng, cũng chỉ lên mức 18,625,000 đồng một tháng. Chỉ đơn giản tính theo mức lương này thôi thì bà Ngân thì phải nhịn ăn nhịn mặc suốt 1611 tháng hay 134 năm thì mới để dành đủ tiền mà sắm sửa bộ sưu tập áo dài này.

Sau bộ áo dài, cộng đồng mạng lại săm soi chiếc đồng hồ hiệu Hublot trên tay mà chủ tịch quốc hội Kim Ngân vô tình để lộ trong một cuộc họp. Câu hỏi đặt ra vẫn là “tiền ở đâu ra?” vì giá một chiếc đồng hồ nữ như vậy rẻ ra cũng phải là 15000 euro.

Bà sinh năm 1954 tại tỉnh Kiến Hòa (Bến Tre). Cha mẹ bà theo cộng sản còn bà sống cùng mẹ trong vùng kiểm soát của chính quyền Việt Nam Cộng hòa, năm 1973 bà ghi danh học tại Đại học Văn khoa Sài Gòn. Tháng 8 năm 1975 nhờ thế cha, bà làm việc trong Ban Kinh tài Khu 8 và sau chuyển sang Ty Tài chính Bến Tre.

Bà học thêm, lấy bằng “Thạc sĩ tài chính tín dụng” và lên nhanh: chuyên viên, phó phòng, trưởng phòng, phó giám đốc, giám đốc, bí thư tỉnh ủy, thứ trưởng, bộ trưởng, phó chủ tịch quốc hội. Tháng 5 năm 2013 bà được bầu bổ sung vào Bộ Chính trị.

Năm 2016 bà đã trở thành nữ chủ tịch quốc hội đầu tiên sau khi nhận được tới 95% số phiếu tán thành, cao hơn hẳn so với hai nhân vật khác trong “tam trụ” là Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Trước đó, trong các lần lấy phiếu tín nhiệm tại quốc hội năm 2013 và 2014, bà đều dẫn đầu danh sách. Bà nhận được số phiếu “tín nhiệm cao” tương ứng trong hai năm này là 372 và 390. Như vậy thì trong “dàn lãnh đạo” hiện tại thì bà ta là một ứng viên sáng giá cho ghế tổng bí thư vì đã từng “thử thách” qua vai trò thứ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Lao động – Thương binh – Xã hội mà lại chưa bị lộ, chưa mang tai tiếng gì.

Nhưng khi cái lý lịch này trở thành điểm tựa vững chãi chi bà trong cuộc chạy đua vào đại hội 13, thông tin về cái đồng hồ nửa tỷ và bộ sưu tập áo dài 30 tỷ lại rộ lên. Điều này chẳng có gì là ngẫu nhiên.

Đáng nói hơn, trên mạng xã hội lại xuất hiện nhân vật lấy tên Hoàng Việt, chuyên soi rọi mặt trái của những nhân vật có thể trở thành đối thủ của Nguyễn Xuân Phúc và Nguyễn Phú Trọng. Trong số này có bà Ngân, và nhân vật này đã ráo riết tấn công bà bằng những thông tin chẳng ai có thể kiểm chứng được và bằng những ngôn ngữ hạ tiện nhất!

Bà Kim Ngân được nhân vật này chiếu cố một cách đặc biệt, nào là chồng bị tù vì đã bắn tình địch, nào là con của bà là con của bố chồng chứ không phải con của chồng, nào là bà “tiến thân bằng vốn tự có” v.v…

Trò bôi bẩn mạt hạng này chỉ cho thấy một điều duy nhất là cuộc chiến đang nóng lên và hứa hẹn nhiều pha gay gấn trong vòng 15 tháng nữa.

Bà Ngân đã từng chứng tỏ “chất thép” của mình khi cùng nguyên Tổng thống Mỹ Barrack Obama cho cá ăn tại Hà Nội. Nếu bà qua được trận này, không cần phải lên được ghế Tổng bí thư, chỉ cần giữ lại ghế Chủ tịch Quốc hội và ủy viên Bộ chính trị, bà ta có thể xứng đáng với hỗn danh “Bướm Thép” của đàn chị Imelda.

Lê Trọng Hiệp

Related posts