Biển Đông lại dậy sóng

Những ngày qua, mạng xã hội trong và ngoài nước đã xôn xao khi tờ South China Morning Post của Hong Kong loan tin Trung Cộng và CSVN đối đầu với nhau trên biển Đông.

Tờ SCMP trích dẫn đoạn twitter của một chuyên gia Hoa Kỳ, ông Ryan Martinson, Phó Giáo sư (Associate Professor) tại Học viện Hải chiến Hoa Kỳ (US Naval Warfare Academy) -1 chuyên gia về Hải quân Trung Cộng- rằng “Hôm thứ Tư tuần trước, 03/7, tàu khảo sát Địa chất Hải dương 8 của Trung Cộng đã vào vùng biển gần rạn san hô do Việt Nam kiểm soát để “mở một cuộc khảo sát địa chấn”.

Bản tin của SCMP nói rõ hơn, đó là tàu khảo sát Hải Dương Địa Chấn 8 (Haiyang Dizhi 8) mở cuộc khảo sát trên hai lô Riji 03 và Riji 27 nằm trong phạm vi Đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam. Hai lô này nằm hầu như trùng với các lô 130-132 và 154-156 của PetroVN. Từ năm 2012, Trung Cộng tuyên bố mở hai lô này và bảy lô khác cho ngoại quốc thầu đấu thầu dù không một công ty ngoại quốc nào dự thầu.

Điều đáng chú ý là chiếc tàu khảo sát này được 4 tàu tuần duyên vũ trang hộ tống, trong đó có chiếc Haijing 3901 trọng tải 12.000 tấn, là một trong những tàu tuần duyên cỡ lớn nhất thế giới. Chuyến khảo sát này của các tàu Trung Cộng đã khởi sự từ ngày 3/7 nhưng công luận chỉ được biết khi báo SCMP loan tin hôm 12/7.

Bản tin nói phía CSVN đã phái 4 tàu tuần cảnh bám theo nhóm tàu Trung Cộng và hai bên trong thế gờm nhau. Lý do vì các lô Trung Cộng thăm dò lần này tại khu vực có tên bãi (vùng trũng) Tư Chính và gần ngay phía bắc các nhà giàn DK-1 của Việt Nam đóng trên thềm lục địa phía Tây Nam quần đảo Trường Sa và sự xuất hiện của đoàn tàu Trung Cộng rõ ràng là một sự đe dọa lớn.

Theo các nhà quan sát, thời gian Trung Cộng mở đợt khảo sát này có thể là sự trùng hợp ngẫu nhiên, nhưng cũng có thể là Bắc Kinh cố ý trừng phạt CSVN vì đã cho phép công ty Rosneft khoan trong lô 06-01. Dù thế nào đi nữa, rõ ràng Trung Cộng đã quá khiêu khích vì cả một đoàn tàu hùng hậu như vậy.

Người Việt trong và ngoài nước đặc biệt chú ý đến chuyện này vì mãi đến chiều ngày 15/7 (3 ngày sau khi báo chí và truyền thông ngoại quốc ồ ạt loan tin) mà hoàn toàn vẫn không thấy các báo Việt Nam nói gì, trong khi theo đài BBC, một nhà báo trong nước giấu tên xác nhận rằng “có lệnh cấm không được loan tin gì về vụ bãi Tư Chính”.

Nhiều nhà quan sát cho rằng Hà Nội cấm cản truyền thông loan tin vì lo sợ tin tức về vụ xâm phạm của Trung Cộng và cuộc đối đầu ‘không cân sức’ tại khu vực bãi Tư Chính có thể lại làm bùng nổ một đợt chống Trung Cộng như đã xảy ra năm 2014, khi giàn khoan dầu HD-981 của Trung Cộng tới khu vực quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp.

Nhắc lại, tháng 5/2014, giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Cộng lần đầu tiên hoạt động trên biển Đông, xâm phạm hải phận Việt Nam vào thời điểm CSVN công bố những kế hoạch khai thác dầu khí giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam với các đối tác ngoại quốc là Repsol tại mỏ Cá Rồng Đỏ ở vùng biển Đông Nam, với Tập đoàn dầu khí Rosneft của Nga tại mỏ Lan Đỏ, cũng như bắt đầu có kế hoạch thăm dò khai thác với tập đoàn dầu khí khổng lồ ExxonMobil của Mỹ tại mỏ Cá Voi Xanh ở vùng biển Quảng Nam, Quảng Ngãi.

Biến cố giàn khoan Hải Dương 981 kéo dài suốt vài tháng và gây ra một cơn chấn động lớn trong nội bộ đảng CSVN cũng như dẫn đến đợt biểu tình phản đối rầm rộ của người dân trong nước và làn sóng biểu tình này đã bị nhà cầm quyền CSVN đàn áp hết sức thô bạo, dã man và rất nhiều người đã bị bỏ tù!

Phản ứng của đảng và nhà nước CSVN lúc ấy là hoàn toàn im lặng, không hề có một phản ứng ra mặt nào dù cho là một tuyên bố lên án xuông!

Việc nhà cầm quyền CSVN và bộ máy truyền thông quốc doanh không đề cập gì đến vụ bãi Tư Chính lần này thật ra là chuyện bình thường như từ bao năm qua. Báo chí quốc doanh luôn luôn phải chờ thông cáo chính thức của Bộ Ngoại giao, rồi sau đó mới được loan tin, trong khi Bộ Ngoại giao CSVN thường chỉ có thông báo sau khi sự việc sắp kết thúc hoặc đã kết thúc.Và nếu có lên tiếng –như nguyên văn phát ngôn viên Lê Thu Hằng đưa ra hôm 16/7 vẫn chỉ là (trích nguyên văn): Thời gian qua Việt Nam đã “đấu tranh yêu cầu tôn trọng vùng biển

Sau khi nhắc lại Công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển 1982 phát ngôn viên Bộ Ngoại giao CSVN nói “... trong thời gian qua, Việt Nam đã triển khai đồng bộ các biện pháp hòa bình để giải quyết vấn đề, đấu tranh yêu cầu tôn trọng vùng biển Việt Nam, các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên vùng biển của mình, không có hành động làm phức tạp tình hình. Các lực lượng chức năng trên biển của Việt Nam đã và đang thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán một cách hòa bình, đúng pháp luật nhằm bảo vệ vùng biển Việt Nam“.

Điều mà công luận người Việt hết sức chú ý và lo lắng vì vụ đối đầu xảy ra ngay trong lúc Chủ tịch Quốc hội CSVN Nguyễn Thị Kim Ngân đang đi thăm chính thức Trung Cộng từ ngày 8 tới 12/7/2019.

Loan tin về cuộc gặp gỡ giữa Nguyễn Thị Kim Ngân vời Chủ tịch Trung Cộng Tập Cận Bình, báo chí của cả Trung Cộng lẫn CSVN đều nói vấn đề chấp Biển Đông đã được đề cập tới nhưng “hai bên cam kết tuân thủ nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước; và giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, theo luật pháp quốc tế; đồng thời thúc đẩy những điểm đồng thuận và kiềm chế, kiểm soát những điểm còn bất đồng “vì đại cục của hai nước.”

Rõ ràng nhà cầm quyền CSVN chỉ đặt ưu tiên vào mục đích ổn định tình hình đối nội. Việc kiểm soát chặt chẽ mọi thông tin là nhằm thực hiện mục tiêu đó dù cho Hà Nội không thể không biết tham vọng của Trung Cộng từ bao lâu nay và chắc chắn trong tương lai vẫn sẽ không đổi là ‘độc chiếm Biển Đông’ và vụ bãi Tư Chính được xem là nghiêm trọng nhất kể từ vụ giàn khoan HD-981 hồi năm 2014 vì sự kiện này lập lại gần như y hệt nhau. Đó là cả một đoàn tàu Trung Cộng xâm phạm Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam và tàu khảo sát của Trung Cộng được một đoàn tàu hộ tống đông đảo đi kèm (gồm tàu Hải cảnh và nhiều chiếc tàu dân quân vũ trang)

Trong khi đó, theo tin tức của ngư dân Việt Nam thì thật ra hoạt động “khảo sát” của Trung Cộng đã diễn ra hơn một tháng nay trên thềm lục địa Việt Nam.

Ngư dân đảo Phú Quý đã báo cáo rằng họ phát giác tàu hải cảnh Trung Cộng mang số hiệu 3308, giàn khoan cùng một số tàu hộ tống đã có mặt cách bãi Tư Chính khoảng 30 hải lý về phía tây bắc từ chiều ngày 6/6/2019.

Bãi Tư Chính nơi có cụm nhà giàn Tư Chính được lập vào tháng 7/ 1989 cùng với bãi Phúc Nguyên là ngư trường quen thuộc của ngư dân đảo Phú Quý- Bình Thuận.

Trong khoảng thời gian đó, khi họ đánh cá tại vùng biển Trường Sa đã thường bị tàu Trung Cộng rượt đuổi, bắt bớ, tịch thu ngư cụ chưa kể là họ thường gặp cả những tàu cá Trung Cộng hoạt động trong ngư trường quen thuộc của mình

Ngư dân phú Quý kể rằng “thoạt tiên khi thấy bóng tàu, vẫn tưởng là tàu kiểm ngư của Việt Nam nhưng khi đến gần mới giật mình là tàu Trung Cộng bởi vì chưa bao giờ gặp họ vào sâu trong vùng chủ quyền Việt Nam đến gần tận Côn Đảo!”

*

Còn về phía Trung Cộng, một số nhà quan sát nhận định rằng có hai lý do để Bắc kinh muốn tạo ra một vụ căng thẳng trên biển Đông lần này.

Thứ nhất, Trung Cộng muốn thử xem quyết tâm của CSVN trong việc bảo vệ quyền lợi tới đâu cũng như xem Hà Nội khai triển lực lượng đối phó như thế nào. (Chuyện này không phải bây giờ mới có mà là điều Bắc Kinh vẫn làm thường xuyên).

Thứ nhì, trong tình thế hiện nay nhà cầm quyền Trung Cộng đang phải đối phó với nhiều vấn đề quan trọng như cuộc thương chiến với Hoa Kỳ, phong trào phản kháng của người dân Hong Kong kéo dài và càng lúc càng thấy khó dẹp v.v nên Bắc Kinh muốn hướng sự chú ý của người dân Hoa Lục ra ngoài, nhất là khi Tập Cận Bình đang gặp nhiều áp lực trong bối cảnh có nhiều dấu hiệu chia rẽ dính dáng tới các chính sách kinh tế của ông ta và Hội nghị Trung ương 4 khóa 19 của đảng CSTQ vẫn chưa thể diễn ra kể từ tháng 11/2018).

*

Một loạt các vụ va chạm trong nhiều tháng gần đây đã làm dư luận chú ý hơn đến hiểm họa an ninh ngày càng leo thang trong việc đánh cá trên Biển Đông.

Tháng 3/2019, Việt Nam cho hay một tàu của Lực lượng Tuần duyên Trung Cộng đã đánh chìm một thuyền đánh cá của ngư phủ Việt gần quần đảo Hoàng Sa. Tháng 6/2019, một tàu Trung Cộng va chạm với một tàu đánh cá của Philippines gần một quần đảo xa hơn về phía Nam. Vụ va chạm này khiến 22 dân đánh cá người Philippines bị bỏ rơi trên biển.

Rõ ràng, dưới quyền Tập Cận Bình, Trung Cộng đang ngày càng làm mạnh để khẳng định chủ quyền (tự nhận) trên 80% diện tích khu vực Biển Đông. Bắc kinh đã liên tục gia tăng xây dựng các phi đạo (kể cả cỡ lớn để dùng cho phi cơ vận tải hạng nặng, phi cơ chiến đấu siêu thanh đời mới) cùng các căn cứ quân sự (đài radar, bệ phóng hỏa tiễn đối không-đối hạm, kho bãi tiếp liệu …) trên những đảo san hô được bồi đắp thành đảo nhân tạo –pháo đài nổi- trên những vùng biển tranh chấp. Hải quân Trung Cộng nay cũng được đầu tư nâng số lượng chiến hạm lên hơn 300 đơn vị. Con số này đã đưa Trung Cộng nay qua mặt Hoa Kỳ trở thành lực lượng hải quân đông đảo nhất ở khu vực Á châu – Thái Bình Dương.

Bên cạnh đó, Trung Cộng còn vận dụng các biện pháp chiến lược bất quy ước để phát triển ưu thế, đó là tung lực lượng dân quân biển với gần cả ngàn tàu được trang bị tối tân, ngụy trang như những tàu đánh cá. Đội thuyền tiếng là đánh cá nhưng chủ yếu là tăng cường khả năng tuần tra, thám thính, tiếp liệu trên biển, và thường xuyên vẫn khiêu khích gây ra nhiều vụ va chạm lớn nhỏ với các tàu thuyền nước ngoài, nhất là thuyền đánh cá của các lân bang (Việt nam, Phi Luật tân) vốn thuần túy là tàu thuyền đánh cá dân sự, vừa không vũ trang lại vừa nhỏ bé, yếu ớt và ít hơn!

Dữ kiện thống kê thu thập của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho thấy, trong 73% số vụ đụng độ được báo cáo trên Biển Đông tính từ năm 2010 đến nay luôn luôn có ít nhất một tàu thuộc lực lượng Hải cảnh của Trung Cộng tham dự cùng với các thuyền dân quân!

Theo ông Gregory Poling – giám đốc tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (Asia Maritime Transparency Initiative) tại Washington – phân tích thì “ngư dân Việt Nam là nạn nhân chính của chính sách bành trướng trên biển của Trung Cộng vì “Ngư dân Việt Nam đang bị người Trung Quốc sách nhiễu, chiếm thuyền, đánh đập, và bị bắt giữ làm con tin”.

Thế nhưng, với thủ đoạn gọi là “vừa đánh trống vừa ăn cướp” Trung Cộng đã và vẫn luôn bác bỏ mọi cáo buộc về hành vi trắng trợn của họ trên Biển Đông. Bắc Kinh lúc nào cũng kêu gọi “mọi tranh chấp phải được giải quyết bằng đối thoại song phương” và còn đòi hỏi những nước bên ngoài khu vực (đích danh là Hoa Kỳ) ngưng can thiệp vào các tranh chấp này.

Như về vụ va chạm với tàu đánh cá Philippines mới đây, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Cộng nói “các vụ va chạm có thể được giải quyết dựa trên nguyên tắc cùng thỏa hiệp và các cuộc thảo luận thân thiện vì không muốn một vài vụ riêng lẻ bị thổi phồng và ảnh hưởng đến tình hình chung của các mối quan hệ song phương đang có”.

Trong khi cả ngư dân Việt Nam lẫn Philippines đều thường xuyên là nạn nhân của Trung Cộng khiến Bộ Ngoại giao CSVN và Phi Luật Tân đều lên tiếng yêu cầu đòi bồi thường cho ngư dân mình –cụ thể là ngư dân Việt thường bị tàu Trung Cộng rượt đuổi, đâm vỡ và và cướp tài sản của họ ở khu vực gần quần đảo Hoàng Sa thì Bắc Kinh luôn luôn gạt bỏ những yêu cầu đòi bồi thường đó và ngược lại Trung Cộng thường cáo buộc ngư dân các nước khác vi phạm pháp luật. Trong hơn thập niên qua, dù Trung Cộng và tổ chức các nước Đông Nam Á (ASEAN) đã có chung với nhau một bản thảo các quy tắc ứng xử vẫn không giúp tình hình tiến triển thêm chút nào bất kể những cuộc thảo luận thường xuyên của các bên.

*

Về vấn đề chủ quyền trên biển Đông, gần 2 thập niên qua, chế độ CSVN rõ ràng cho thấy họ đã chọn ‘nhân nhượng Bắc Kinh quá mức’.

Trong khi Bắc Kinh đơn phương vạch đường ‘biên giới 9 đoạn trên biển’ công khai tỏ tham vọng độc chiếm cả vùng biển quan trọng này thì năm 2000, nhà cầm quyền CSVN ký với Trung Cộng “Hiệp định Phân định Vịnh Bắc Bộ”, để thay thế công ước ký kết năm 1887 giữa Pháp (lúc đó đang bảo hộ Việt Nam) và triều đình Nhà Thanh. Với hiệp định mới này, Việt Nam chỉ còn 45% lãnh hải trên Vịnh Bắc Bộ, thay vì 53% theo công ước 1887. Các học giả đã khẳng định sau hiệp định phân chia ấy, VN đã mất 15.000 km2 chủ quyền biển.

Khi tin tức về việc ký kết phân định lại Vịnh Bắc Bộ được tiết lộ ra (CSVN đã giấu đến 4 năm sau mới công bố), người Việt trong cũng như ngoài nước, trong đó có rất nhiều sử gia, học giả, cựu chiến binh của chế độ đã lên tiếng cực lực phản đối hiệp định này, vì cho rằng “đó là một hiệp định không bình đẳng, Việt Nam bị thua thiệt rất nhiều.” Thế nhưng lạ lùng là dù bị nhiều thua thiệt như vậy, nhà cầm quyền CSVN lại tỏ ra rất vui mừng khi ký kết vào ngày 25/12/2000 tại Bắc Kinh.

Việc tàu thăm dò địa chấn Haiyang Dizhi xâm phạm rất nghiêm trọng đến chủ quyền VN và an ninh hàng hải khu vực nhưng cho đến bây giờ đảng và nhà nhà nước CSVN vẫn im lặng!

Làm sao người dân có thể không tin “đó chính là món quà của Nguyễn Thị Kim Ngân và Bộ chính trị đảng CSVN để khẳng định tình hữu nghị thắm thiết với Bắc Kinh, thực hiện 4 tốt và 16 chữ vàng”?

Trong khi đó vụ mới nhất cho thấy Trung Cộng luôn coi thường các thỏa thuận mà họ đã ký và cam kết thực hiện với Việt Nam, cũng như khinh thường giới lãnh đạo CSVN. Hành động đưa tàu thăm dò vào vùng Tư Chính cũng có ý thách thức công luận quốc tế, thách thức mọi nỗ lực thực thi pháp luật trên biển của tất cả các quốc gia có lợi ích ở biển Đông, có đi lại trong, qua vùng biển Đông.

Đây nhất định không phải là hành động đơn lẻ và đã được tính toán kỹ lưỡng thể hiện quan điểm của Bắc Kinh tự coi mình là siêu cường nên họ có thể làm mọi việc.

 Nói cách khác, Trung Cộng muốn xây dựng một hình thái quan hệ đại cường kiểu mới với Mỹ để cụ thể hóa việc phân chia quyền lực và ảnh hưởng ở Á châu – Thái Bình dương, trước hết bắt đầu từ biển Đông.

Phạm Thạch Hồng

Related posts