Ngôn ngữ hủ bại và sự trượt giá về ý nghĩa

Nhà văn Anh George Orwell là người đầu tiên đưa ra khái niệm “Ngôn ngữ hủ bại”. Trong tác phẩm “1984”, Orwell nhắc đến một xã hội mà cơ quan chuyên cung cấp thông tin bịa đặt, gọi là Bộ chân lý. Tổ chức nghe lén, bí mật điều tra, bắt bớ người vô tội vạ gọi là Bộ hữu ái. Nơi phát động chiến tranh gọi là Bộ hòa bình. Theo học giả Trương Duy Nghinh, Trung Quốc, hình thức hủ bại ngôn ngữ có ba đặc điểm. Thứ nhất: “Đội lên hành vi xấu xa cái mũ đẹp đẽ, sử dụng từ ngữ nghe rất kêu, nhưng nói một đằng làm một nẻo”; thứ hai: “Lấy khẩu hiệu thay cho luận chứng, phân tích”; thứ ba: “Sử dụng ngôn từ nhằm che đậy, bảo vệ những giá trị về bản chất không thể duy trì, thậm chí ngay cả nhà phát ngôn cũng không hề thực hiện.”[1]

          Quan sát những biểu hiện phong phú, sống động trong đời sống, ngôn ngữ hủ bại hết sức đa dạng, phức tạp mà hậu quả của nó dẫn tới sự sa đọa về đạo đức, trượt giá về ý nghĩa khiến cho công năng giao tiếp của ngôn ngữ và nhịp cầu gặp gỡ, giao lưu giữa con người với nhau gặp phải trắc trở, thậm chí gây hiểu nhầm tai hại. Cách mạng văn hóa Trung Quốc giữa thập niên 60 của thế kỷ XX thực chất là một cuộc hủy hoại di sản văn hóa truyền thống. Phong trào “Đại nhảy vọt” là một bước lùi về tư duy phát triển. Ở nước ta, thứ ngôn ngữ “ấm ớ hội tề”, tư duy theo lối thư lại tràn lan từ bộ máy hành chính vào cuộc sống, giăng mắc như tơ trên các khẩu hiệu, biểu ngữ, nhuộm một màu đồng phục trong đời sống… như Ngày hiến máu nhân đạo, gọi là Ngày hội hiến máu nhân đạo, Thi tốt nghiệp gọi là Lễ bảo vệ luận văn, sinh viên âm nhạc Biểu diễn kết thúc khóa học, gọi là Báo cáo tốt nghiệp, Nghệ sĩ gọi là Chiến sĩ trên mặt trận văn hóa;phá hoại đền chùa, miếu phủ gọi là Bài trừ mê tín dị đoan, Học nhồi sọ gọi là Giáo dục tư tưởng… rồi những câu ngớ ngẩn, như “Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời”, “Asian một cộng đồng, một bản sắc” hay phổ biến như: “Tiên học lễ, hậu học văn”, “Cổng trường em xanh, sạch đẹp an toàn”, “Mỗi thầy giáo, cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học, sáng tạo”, bệnh viện có: “Tất cả vì bệnh nhân thân yêu”, “Lương y như từ mẫu”, “Tiếp đón niềm nở, vui vẻ nhẹ nhàng, trau dồi y đức, rèn luyện chuyên môn, nâng cao chất lượng”, công trình xây dựng có: “Tính mạng con người là trên hết”, “An toàn là bạn, tai nạn là thù”, tỉnh nào có tỉ lệ học sinh thất học, trẻ suy dinh dưỡng cao, có: “Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai”, “Tất cả vì đàn em thân yêu”, “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”…

         Cũng theo học giả Trương Duy Nghinh: “Đa số nhân họa đều hình thành bởi kết quả của đa số vô tri cộng với thiểu số vô sỉ”[2]. Sự mai một của văn hóa nghệ thuật truyền thống suốt một thời gian dài minh chứng cho nhận định này. Rất nhiều di sản truyền thống từng đứng bên bờ diệt vong không phải do tác động của chiến tranh, mà bởi những hành động vô tri và vô sỉ giữa thời bình. Tất nhiên, nếu không có sự tiếp tay của đa số vô tri, di sản truyền thống không thể bị bức hại một cách không thương tiếc. Mặt khác, nếu không có sự hỗ trợ của thiểu số vô sỉ, đội lên trên hành động vô tri chiếc mũ đẹp đẽ, những phong trào ngớ ngẩn cũng không thể nào đi vào hiện thực. Bởi vậy, vô tri và vô sỉ chính là hai mặt của một hành động mang tên nhân họa.   

         Bức tranh đa sắc trong cuộc sống đã bị che đậy bởi thứ diễn ngôn tương phản với thực tế. Quan trọng hơn, chúng không cung cấp cho nhà quản lý lẫn người bị quản lý chỉ báo trung thực về đời sống. Trung thực vốn là một giá trị loài người theo đuổi suốt trường kỳ lịch sử. Trung thực không chỉ là mệnh lệnh đạo đức mà còn là đòi hỏi về nhận thức. Trong hoạt động điều tra tội phạm, người ta áp dụng hình thức hỏi cung như một biện pháp nghiệp vụ nhằm tìm hiểu động cơ phạm pháp của kẻ phạm tội. Như vậy, dù một người từng mắc sai lầm nghiêm trọng, nhưng chưa chắc đã thiếu trung thực. Nếu con người coi nói dối, thiếu trung thực là chuyện bình thường sẽ khởi đầu cho chuỗi sai lầm nghiêm trọng mang tính nhân quả. Ngôn ngữ hủ bại tuy không nguy hiểm như tình trạng hủ bại trong kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục… nhưng là cội nguồn của tất cả. Vì, con người nói chung đều tư duy bằng ngôn ngữ. Nói như nhà triết học Karl Marx, “Ngôn ngữ là hiện thực của tư tưởng”. Khi hiện thực của tư tưởng bị suy đồi có thể tác động trực tiếp vào đời sống bằng những biểu hiện giả dối, ngụy tạo, xa rời sự thật. Sự trượt giá về ý nghĩa của ngôn ngữ tất yếu dẫn tới chướng ngại trong hoạt động giao tiếp và phương cách phản ánh hiện thực. Đó là con đường ngắn nhất đi từ ngoài vào trong thế giới tâm hồn con người.

Lê Hải Đăng

Related posts