Ý chí và khát vọng dân chủ

Cuối tuần qua, người dân Hồng Kong đã ồ ạt xuống đường biểu tình, đám đông lên đến cả triệu người đã đưa ra 2 đòi hỏi rất rõ ràng là (1) phản đối luật dẫn độ các nghi can từ Hong Kong về Trung Hoa đại lục xét xử và (2) đòi hỏi Đặc khu trưởng Hong Kong, Lâm Trịnh Nguyệt Nga (tên tiếng Anh là Carrie Lam) phải từ chức.

Người dân Hồng Kong cho rằng điều luật này có thể  bị Trung Cộng lạm dụng để đàn áp những tiếng nói bất đồng chính kiến, và hơn thế,  họ không tin rằng những người bị dẫn độ sẽ được xét xử công minh. Bà Carrie Lam bị coi là người do Trung Cộng chỉ định chứ không là người được bầu theo ý nguyện của người dân Hong Kong.

Tuy không có thống kê chính xác và đầy đủ về số lượng người tham dự biểu tình  nhưng ở lúc cao điể vào buổi chiếu, nhiều cơ quan truyền thông và tổ chức quan sát cho rằng con số này có thể lên đến cả triệu người.

Hình ảnh các con đường chính tại trung tâm thành phố Hong Kong đầy nghẹt người biểu tình, đặc biệt rất ôn hòa và không hung hăng, ồn ào hay đập phá, cho thấy đây là một cuộc biểu dương ý chí rất cương quyết với ý thức chính trị cao độ của người dân Hong Kong. Đoàn biểu tình đông đến độ thậm chí khi hàng người đi đầu đã tới  đích là trụ sở Hội đồng lập pháp, (Nghị viện của đặc khu) thì những người ở cuối đoàn tại điểm xuất phát là Công viên Victoria vẫn chưa đi được!

Trong lúc đó, tin của các tổ chức, nhóm ủng hộ phong trào dân chủ từ Hong Kong cho biết các cuộc biểu tình đồng hành với người Hong Kong cũng đồng loạt diễn ra tại khoảng 25 thành phố lớn trên thế giới trong ngày 9/6/2019 từ Âu sang Mỹ và Úc, như ở các thành phố Berlin (nước Đức), Canberra, Sydney, Melbourne, Brisbane (Úc), Toronto, Vancouver, Calgary (Canada), London (Anh), Washington, Boston, New York, Chicago, San Francisco (Mỹ).

Đó cũng là biểu hiệu nỗ lực bền bỉ của người Hong Kong tranh đấu cho dân chủ dù thế giới bên ngoài nghĩ rằng phong trào Dù Vàng đã chết!

Khoảng 9 giờ tối ngày 9/6, ban tổ chức cuộc tuần hành (Mặt trận Dân chủ Trung Quốc) công bố có khoảng 1,03 triệu người tham gia, tức đông gấp đôi so với cuộc tuần hành năm 2003; nhưng phía cảnh sát Hong Kong nói, vào thời điểm cao nhất, cuộc tuần hành có khoảng 240.000 người tham gia.

Cuộc biểu tình cả triệu người ở một nơi có dân số khoảng 7 triệu cho thấy người dân Hong Kong vẫn giữ được ngọn lửa khát khao dân chủ , truyền lại cho nhau để cùng thắp sáng khi cần!

Mặc dù chính quyền đặc khu Hong Kong vẫn cố thuyết phục người dân rằng dự luật này có đủ những bảo đảm cho người dân,cũng như đã được sửa đổi để bảo đảm ngăn ngừa không để các nghi phạm liên quan các tội chính trị và tôn giáo bị đưa sang Hoa lục nhưng những người phản đối thì cho rằng người dân Hong Kong sẽ bị nguy hiểm với dự luật này và tính chất độc lập tư pháp sẽ bị xói mòn. Nhiều người thì nói họ biểu tình phản kháng vì lý do  đơn giản là không thể tin tưởng vào hệ thống tòa án hay bộ máy an ninh của chế độ Trung Cộng tại  Hoa lục.

Hệ thống pháp lý độc lập của Hong Kong được bảo đảm theo hiệp định luật quản trị lãnh thổ này khi  Anh trao trả cho Trung Cộng năm 1997 và được các cộng đồng ngoại giao và kinh doanh xem là tài sản cao quý của Hong Kong còn sót lại và chưa bị Bắc Kinh xâm phạm.

Mối lo ngại về nguy cơ khôn lường của dự luật dẫn độ này lan rộng từ các nhóm dân chủ và nhân quyền đến các học sinh trung học, các cộng đoàn giáo dân, các tổ chức truyền thông cũng như các luật sư của công ty và các doanh nhân vốn thường không muốn có mâu thuẫn gì với chính phủ.

Nhiều người biểu tình nói họ lo ngại rằng luật dẫn độ sẽ đặt ra rủi ro cho nền độc lập tư pháp mà người dân Hồng Kông tự hào và bảo vệ.

Tuy nhiên, trong bài xã luận đăng hôm 10/6, tờ China Daily – cơ quan truyền thông của nhà nước Trung Quốc – nói rằng dự luật dẫn độ tội phạm là bộ luật rất cần thiết. Tờ báo này còn cho rằng “thế lực nước ngoài” đang cố gắng gây tổn hại cho Trung Cộng bằng việc tạo ra hỗn loạn tại Hồng Kông liên quan đến  dự luật dẫn độ tội phạm. (Bài xã luận của China Daily không nêu đích danh thế lực nước ngoài là thế lực nào).

Theo Reuters, nhiều chính phủ nước ngoài đã công khai bày tỏ quan ngại về dự luật dẫn độ này của Hong Kong, cảnh báo về ảnh hưởng của nó tới uy tín của Hồng Kông, được mệnh danh là Trung tâm tài chính quốc tế. Các chính phủ nước ngoài cũng lưu ý rằng bất cứ ai đang bị Trung Cộng truy nã sẽ gặp nguy cơ  bị bắt giữ tại Hồng Kông để dẫn độ về Hoa Lục nếu luật này được thông qua.

Các tổ chức nhân quyền đã nhiều lần dẫn chứng cáo buộc Trung Cộng sử dụng  các thủ đoạn tra tấn, bắt giữ tùy tiện, ép cung và gây khó dễ cho việc tiếp cận luật sư.

Trước sự phản kháng quyết liệt của người dân trong thời gian qua, giới chức Hồng Kông đã ‘xuống thang’ bằng việc đưa ra hạn mức dẫn độ đối với các tội phạm bị phạt từ 7 năm tù trở lên. Tuy nhiên, chính quyền Đặc khu vẫn đang cương quyết tìm cách thông qua dự luật này.

Ngoài China Daily, hôm 10/6, Hoàn cầu Thời báo, vệ tinh của tờ Nhân dân Nhật Báo – Cơ quan của đảng Cộng sản Trung Quốc , đã đăng bài viết nói rằng các nhóm đối lập Hồng Kông và những người ủng hộ quốc tế của họ đang “thổi phồng chính trị” một hoạt động lập pháp thông thường tại Hồng Kông.

Hoàn cầu Thời báo khẳng định rằng chính quyền Hồng Kông sẽ không lùi bước. “Chính quyền Đặc khu Hồng Kông và quan điểm công khai dòng chính đã làm việc tích cực cho nền pháp trị và lẽ phải, và sẽ tuyệt đối không bỏ cuộc giữa chừng”

Theo Reuters, hoạt động biểu tình rầm rộ tại Hồng Kông như vậy thế nhưng lại không được báo chí ở Hoa lục đưa tin. Ngay cả trên mạng truyền thông xã hội như Weibo (tương tự Twitter), người dùng cũng chỉ được dẫn tới các bài báo của các tờ báo tại Hồng Kông thân Bắc Kinh, trong đó có các tờ Wen Wei Po và Ta Kung Pao.

Tờ Ta Kung Pao (Đại Công báo) kinh doanh tại Hồng Kông của trung ương Bắc Kinh từng đăng bài viết chỉ ra lần sửa đổi luật này là một lần “đấu tranh chính trị giữa địch và ta”, coi phe dân chủ thuộc phạm vi “mâu thuẫn địch ta”.

Các hãng tin BBC và CNN thông tin về biểu tình Hồng Kông đều bị chặn tại Trung Quốc. Những kênh tin tức này chỉ xuất hiện ở một số khách sạn cao cấp và một số ít các tòa nhà chung cư, nhưng không phổ biến đối với hầu hết người dân Trung Quốc

Nhà lập pháp kỳ cựu của đảng Dân chủ James To nói với Reuters rằng ông tin rằng lượng người biểu tình đông đảo hôm 9/6 “có thể buộc chính quyền phải suy nghĩ lại một cách nghiêm túc về đạo luật và người dân cảm thấy đây là bước ngoặt đối với Hong Kong”.

Việt Luận

Related posts