Truông Nhà Hồ! Phá Tam Giang!

Mùa hè đỏ lửa năm 1972, CS Bắc Việt điên cuồng vét hết thanh, thiếu niên miền Bắc ném liên hồi vào chảo lửa chiến tranh.

Nhà thơ CS Lê Bá Dương viết: “Đò lên Thạch Hãn ơi… chèo nhẹ. Đáy sông còn đó bạn tôi nằm. Có tuổi hai mươi thành sóng nước. Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm!”

“Có tuổi hai mươi thành sóng nước” chưa hoàn toàn chính xác lắm đâu; vì trong nghĩa trang Trường Sơn, cổ thành Quảng Trị bây giờ, có nhiều bia mộ của những người lính CS Bắc Việt, ghi năm sinh là 1953 hoặc 1954. ( Nghĩa là lúc đó những người lính sinh Bắc tử Nam nầy vẫn còn tuổi thiếu niên chỉ vừa 18, 19 tuổi).

***

Tháng Tư, năm 1972, hai sư đoàn CS Bắc Việt tràn qua sông Bến Hải cộng thêm một sư đoàn từ Lào về tấn công Cam Lộ, La Vang, Hải Lăng chiếm được thị xã Quảng Trị. Quân ta buộc phải đoạn chiến, lui binh về bờ Nam sông Mỹ Chánh.

Đến thánh Sáu, năm 1972, quân ta chuẩn bị phản công để chiếm lại cổ thành Quảng Trị. Một chiều tháng Sáu, năm 1972 tháp tùng Tướng Bùi Thế Lân, Tư lịnh Sư đoàn TQLC, nhà thơ Tô Thùy Yên bay trên phá Tam Giang, gió lộng, mênh mông nước trời phía dưới.

Nhớ câu ca dao sầu vạn cổ: “Nhớ em anh cũng muốn vô. Sợ Truông nhà Hồ sợ Phá Tam Giang”, nhà thơ Tô Thùy Yên cảm tác thành bài: “Chiều qua Phá Tam Giang”, là một trong những tuyệt tác về thân thận nhỏ bé của người lính cả đôi bên, trong chiến tranh, trong vùng đất điêu tàn bị tử thần của cuộc chiến khốc liệt bủa vây.

***

Ngày xưa, muốn đi vào hai châu Ô, châu Rí (Lý) của nhà Hồ tức Chiêm Thành thì chỉ có đường bộ và đường thủy. Đường bộ thì phải qua Truông nhà Hồ và đường thủy thì phải vào Phá Tam Giang.

“Anh đi Rạch Giá qua truông. Gió rung ngọn sậy ngồi buồn nhớ em!”. Truông là vùng đất hoang, rộng bạt ngàn, có nhiều cây cối um tùm, lau sậy, có đường mòn nhưng hai bên và phía trên đầu người đi đều có thân cây và cành lá bao phủ.

Nên ngày xưa bọn cướp tàn ác chọn Truông nhà Hồ làm sào huyệt để cướp bóc lương dân. Ngày nay, Truông nhà Hồ trải dài hai bên Quốc lộ I, thuộc 2 xã Vĩnh Long và Vĩnh Tú, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị.

Còn Phá Tam Giang diện tích khoảng 52km², trải dài khoảng 24 km, chỉ sâu từ 2 m đến 4 m. Mùa nước đổ tràn về mới có nơi sâu tới 7 m. Mặt nước rộng mênh mông do ba con sông sông Ô Lâu (Phong Điền), sông Bồ (Hương Trà) và sông Hương (chạy qua Cố đô Huế) đổ về thông ra biển bằng Cửa Thuận An quá hẹp nên hiểm trở, sóng gió trên cửa Phá Tam Giang thường rất dữ dội. Sóng to đến mức làm cho thuyền bè ra vào cửa thường bị chìm.

***

Nhà văn Sơn Nam từng nói: “Muốn viết văn, muốn hiểu văn là phải biết Sử Địa!”
 quả không sai! Khi biết chút đỉnh về Truông về Phá, chúng ta đọc “Chiều qua Phá Tam Giang của nhà thơ Tô Thùy Yên!

Nhà thơ Tô Thùy Yên là nhà thơ tài hoa duy nhứt gốc Nam Bộ trong nhóm Sáng Tạo. Chữ ông dùng tưởng chừng như đã cũ nhưng lại mang cái nghĩa mới toanh.

Như trong bài Trường Sa Hành, Tô Thùy Yên viết: “Mùa Đông Bắc gió miên mang thổi. Khiến cả lòng ta cũng rách tưa”. Chữ ‘tưa’ ở đây chưa hẳn là ‘tả tơi’ hoặc như một nhà văn gốc Bắc đoán là chữ đã xưa, dùng cuối thế kỷ 19 trong từ điển Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của Huình – Tịnh Paulus được nhà thơ Tô Thùy Yên làm mới lại!

Không hẳn vậy đâu! Người Miền Nam, nhất là miệt Lục tỉnh Nam Kỳ, vẫn còn dùng ‘tưa’ đó chứ. Như khi ăn trái khóm, trái thơm nhiều quá lưỡi bị ‘tưa’ đi. Hay gió thổi mạnh làm tàu lá chuối bị ‘tưa’ đi, tức là bị rách nhiều khoảng cách nhau chừng một gang tay.

Thơ của Tô Thùy Yên chứng tỏ được hai điều: Một là: bất cứ một phương ngữ Bắc, Trung, Nam nếu được nhà thơ dùng một cách xảo diệu cũng hay như thường hè!

Cái thứ hai là nhà thơ Tô Thùy Yên làm tan biến đi cái định kiến thơ hay dở theo vùng miền. Miền nào cũng có nhà thơ hay hết ráo. Thơ không có ‘chủ nghĩa lý lịch’ chen vô nhe!

Nhà thơ Tô Thùy Yên cũng từng nói: Độc giả được quyền hiểu thơ theo cách nhìn của chính mình! Thế nên khi nhạc sĩ Trần Thiện Thanh phổ nhạc từ đoạn 2 viết về tình yêu của một bài thơ ‘Chiều Trên Phá Tam Giang’ dù âm nhạc có tánh lan tỏa rộng, làm nhiều người biết đến bài thơ hơn nhưng Tô Thùy Yên bảo đó không phải tứ thơ ông hài lòng nhất trong bài nhưng vẫn tôn trọng quyền của độc giả phổ thơ ông!

Riêng thiển ý, người viết lại thích đoạn 1 của bài thơ nơi Tô Thùy Yên cắt nghĩa thân phận của những người lính miền Bắc phải sinh Bắc tử Nam vì tham vọng của một lũ điên!

Chiếc trực thăng bay là mặt nước

Như cơn mộng nhanh

Phá Tam Giang, phá Tam Giang

Bờ bãi hỗn mang, dòng bát ngát

Cát hôn mê, nước miệt mài trôi

Ngó xuống cảm thương người lỡ bước

Trời nước mông mênh, thân nhỏ nhoi

Phá Tam Giang, phá Tam Giang

Nhớ câu ca dao sầu vạn cổ…

…Ta ngó thấy ghe thuyền quần tụ

Từng đoàn như trẻ nhỏ ghê ma

Ta ngó thấy thuỳ dương gãy rủ

Từng cây như nỗi bất an già

Ta ngó thấy rào chà cản nước

Từng hàng như nỗ lực lao đao

Ta ngó thấy nhà cửa trốc nóc

Từng ngôi như mặt đất đang gào

Vì sao ngươi tới đây?

Hỡi gã cộng quân sốt rét, đói

Xích lời nguyền sinh Bắc, tử Nam

Vì sao ta tới đây?

Lòng xót xa, thân xác mỏi mòn

Dưới mắt người làm tên lính nguỵ

Ví dầu ngươi bắn rụng ta

Như tiếng hét

Xé hư không bặt im

Chuyện cũng thành vô ích

Ví dầu ngươi gục

Vì bom đạn bất dung

Thi thể chẳng ai thâu

Nào có chi đáng kể

Nghĩ cho cùng, nghĩ cho cùng

Ví dầu các việc ngươi làm, các việc ta làm

Có cùng gom góp lại

Mặt đất này đổi khác được bao nhiêu?

Ngươi há chẳng thấy sao

Phá Tam Giang, phá Tam Giang ngày rày đâu đã cạn?

Ta phá lên cười, ta phá lên cười

Khi tưởng tượng ngươi cùng ta gặp gỡ

Ở cõi âm nào ngươi vốn không tin

Hỏi nhau chơi thoả chút tính bông đùa:

Ngươi cùng ta ai thật sự hy sinh

Cho tổ quốc Việt Nam – một tổ quốc…?

Các việc ngươi làm

Ngươi tưởng chừng ghê gớm lắm

Các việc ta làm

Ta xét thấy chẳng ra chi

Nên ngươi hăng điên, còn ta ảm đạm

Khi cùng làm những việc như nhau

Ta tự hỏi vì sao

(Còn ngươi, có bao giờ ngươi tự hỏi?)

Và ta tự trả lời

(Có bao giờ ngươi tự trả lời?)

Chúng ta khác nào cánh quạt phi cơ

Phải quạt, phải quạt

Chỉ vì nó phải quạt

Ta thương ta yếu hèn

Ta thương ngươi khờ khạo

Nên cả hai cùng cam phận quay cuồng

Nên cả hai cùng mắc đường Lịch Sử

Cùng mê sa một con đĩ thập thành

Chiều trên phá Tam Giang rộn ràng tiếng chiến trận

Chiều trên phá Tam Giang im lìm âm cảm thông.

***

Nhà thơ Tô Thùy Yên đã từ trần lúc 9 giờ 15 phút tối Thứ Ba, ngày 21, tháng Năm, 2019, nhằm ngày 17, tháng Tư, năm Kỷ Hợi, tại Houston Texas, hưởng thọ 82 tuổi.

Ông mất đi nhưng vẫn còn để lại rất nhiều bài thơ hay. Trong số đó có bài: “Chiều Trên Phá Tam Giang” viết về chiến tranh, tình yêu và thân phận con người.

Phải công nhận đó là một trong những bài thơ hay nhất của nền văn học miền Nam viết về cuộc chiến Việt Nam. Tôi xin cảm ơn ông!

Đoàn Xuân Thu.
Melbourne.

Related posts