Đánh nhau kiểu trẻ và kiểu già

Nguyễn Đình Hưng là Chủ tịch xã Ân Hảo Đông, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định. Ngày 25.3.2019 trên địa bàn xã – từ trụ sở UBND xã, đến chợ búa, đường đi – xuất hiện nhiều tờ rơi, khẳng định của cái bầu trong bụng nữ nhân viên kế toán UBND xã là giọt máu của Hưng.

Ngày 19.4.2019 báo Thanh Niên đăng bản tin của Bảo Thoa “Chủ tịch xã bị phát tờ rơi tố quan hệ bất chính: Nữ kế toán có thai với chồng”, dẫn lời “một lãnh đạo Huyện ủy Hoài Ân”:

Đúng là cô kế toán này đang có thai thật nhưng là có thai với chồng. Bước đầu, chúng tôi nhận định đây là sự việc vu khống, bản thân chủ tịch xã là người rất hiền lành, không có quan hệ bất chính với nhân viên. Tuy nhiên, vụ việc có liên quan đến nhân sự Đại hội nhiệm kỳ tới nên tôi đã chỉ đạo đạo công an vào cuộc lập chuyên án, khẩn trương điều tra, làm rõ”.

Càng gần đại hội, các thủ đoạn đấu đá được tới tấp tung ra, từ cấp xã đến cấp trung ương.

Nếu cấp lãnh đạo xã thường trẻ, tầm 30, 40 tuổi, tuổi còn nhiều sức sống và ham muốn nên những đòn đánh kể không là chuyện lạ. Và cũng chẳng lạ gì thỉnh thoảng lại rộ lên thông tin về các cán bộ cấp xã và huyện bị bắt quả tang trong “nhà nghỉ”.

Qua được các cửa ải xã – huyện – tỉnh để leo tới cấp trung ương thì sức sống không còn bao nhiêu, chẳng còn ham muốn gì ngoài ham muốn quyền lực. Trò sử dụng đòn đánh bằng gái gú cũng có nhưng không phải là đòn chính.

Đòn chí mạng ở đây chính là sức khỏe và càng gần đại hội, các thông tin về sức khỏe của các nhân vật lãnh đạo càng phong phú. Nó phong phú đến độ cả “Quân đội nhân dân” vốn không có trách nhiệm nào trong vấn đề này cũng tức tối lên tiếng.

Ngày 20.4.2019 chuyên mục “PHÒNG, CHỐNG ‘TỰ DIỄN BIẾN, TỰ CHUYỂN HÓA’” đăng bài xã luận của Nhất Minh, trong có đoạn:

Gần đây chúng thường tung ra nhiều thông tin xuyên tạc về sức khỏe lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Chúng ác tâm “gắp lửa bỏ tay người”, bịa đặt trắng trợn, song lại cố tình tỏ ra thạo tin kể tường tận như đang tường thuật diễn biến một số vụ việc, trong khi thực chất là hoàn toàn bịa đặt, đoán mò, gán ghép theo kiểu cóp nhặt… Chúng dựng ra chuyện nhóm này, nhóm kia hãm hại… song thực tế chúng không hề có mặt ở nơi xảy ra sự việc, thông tin chỉ dựa theo các trang mạng, từ Facebook cá nhân một vài đối tượng xấu để bịa đặt, suy diễn, kích động làm “nóng” tình hình.

Những thông tin như vậy không đơn thuần kích động sự hiếu kỳ mà gắn với việc đơm đặt về mâu thuẫn, đấu đá nội bộ, hạ thấp uy tín của Đảng, Nhà nước và cá nhân các đồng chí lãnh đạo. Đương nhiên là ánh sáng sự thật sẽ xua tan những thông tin đen tối..”

Lý do của bài viết này không lạ. Nó liên quan đến tin đồn về sức khỏe của tổng bí thư kiêm chủ tịch nước, kiêm bí thư quân ủy trung ương Nguyễn Phú Trọng. Tuy nhiên mỉa mai thay, trong khi ông Trọng nấp kính trong phòng tối thì đệ tử của ông ta lại hùng hồ về “ánh sáng sự thật”.

Ánh sáng từ… phòng tối

Thông tấn xã Việt Nam cho hay cho hay Trọng đến thăm Kiên Giang hai ngày, 13 và 14.4.2019. Ngày 14.4.2019 Trọng đã làm việc với cán bộ lãnh đạo tỉnh Kiên Giang và nghe Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Nghị (con trai Nguyễn Tấn Dũng) báo cáo “tình hình thực hiện nhiệm vụ”.

Chiếu tối ngày 14.4.2019 tin đồn nhanh chóng loan ra trên internet, cho biết Trọng bị tai biến mạch máu não: sau khi “phát biểu chỉ đạo” xong, bí thư tỉnh uỷ Nghị vừa đứng lên làm thủ tục “tiếp thu” thì Trọng bi ngất xỉu. Đội ngũ bác sĩ tháp tùng chẩn đoán: bị xuất huyết não, phải đưa gấp lên bệnh viện Chợ Rẫy tại Sài Gòn bằng trực thăng. Đến 9 giờ tối thì tình hình sức khoẻ đã ổn định nhưng bệnh nhân nằm yên trong 72 tiếng đồng hồ để mạch máu ổn định.

Sang ngày 15.4.2019, truyền thông chính thống ở Việt Nam vẫn chỉ nhai lại các bản tin về hoạt động của Trọng tại Kiên Giang hai ngày trước mà không nói ông tổng bí thư đã trở lại Hà Nội hay chưa. Cũng ngày này trang nguyenxuanphuc.org lại giận dữ lên tiếng “Cảnh báo về thông tin xuyên tạc vấn đề sức khỏe của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng”, kết án rằng “mục đích chung của những hành động như thế không khác gì hướng đến việc bôi nhọ hình ảnh lãnh đạo, xuyên tạc về nội bộ Đảng, Nhà nước”.

Giả sử các trang tin lề trái diễn tả Trọng bị tai biến giữa lúc đang được các nữ hộ lý khỏa thân hầu hạ, đấm bóp chúng ta có thể chấp nhận rằng đó là hành vi “bôi nhọ”. Đằng này Trọng bị tai biến giữa lúc đang lo việc nước, đó là một hình ảnh đẹp, tại sao gọi là bôi nhọ?

Và nếu Trọng thực sự mạnh khỏe, chỉ cần ông ta bước ra ngoài, đĩnh đạc xuất hiện trước ống kính truyền hình chừng 15 phút thôi, hay ra mặt tiếp đón phái đoàn Thượng Viện Mỹ, đó chắn chắn là “ánh sáng sự thật xua tan những thông tin đen tối”.

Báo chí nhà nước cố diễn tả rằng Trọng cũng liên tục làm việc sau khi đi Kiên Giang về, thế nhưng đó chỉ là loại việc làm trong phòng tối, thứ việc mà bất cứ trợ lý nào cũng làm thay được. Thông tin chính thức trên báo chí nhà nước cho biết:

  • Ngày 18.4.2019 Trọng gửi điện mừng lãnh đạo mới Nhà nước Triều Tiên
  • Ngày 20.4.2019 gửi điện mừng Indonesia bầu cử thành công

Trong khi đó thì việc quan trọng là tiếp phái đoàn Thượng Viện Mỹ vào ngày 18.4.2019 Trọng lại thoái thác, giao cho Trần Quốc Vượng.

Thượng Viện Mỹ do đảng Cộng Hòa của ông Donald Trump kiểm soát, ông Trọng lại sắp đi Mỹ. Mỹ là nước quan trọng thứ hai (nếu không nói là thư nhất) trong mối quan hệ ngoại giao của Việt Nam hiện tại. Nếu thực sự khỏe, ông Trọng cần phải ra mặt tiếp đón phái đoàn này.

Như vậy trò “gởi điện chúc mừng” cũng chẳng khác nào tấm “vải thưa” đã dùng để che đậy bệnh tình của Trần Đại Quang vào tháng Chín năm ngoái.

Ngày 20.9.2018 báo chí nhà nước hồ hởi đăng “thư chủ tịch nước Trần Đại Quang gởi các cháu nhi đồng” nhân lễ Trung Thu.

Thế nhưng ngay ngày hôm sau thì báo chí lại thông tin chủ tịch qua đời vì “vi rút” lạ.

Kể ra thì đó cũng đúng là giống “vi rút” lạ: hành hạ ông chủ tịch, khiến ông chủ tịch phải đến Nhật chữa trị đến 6 lần thế nhưng ngay trước giờ lâm chung vẫn tỉnh táo và khỏe khoắn để viết thư chúc Trung Thu các cháu nhi đồng.

Tấm vải thưa Trần Đại Quang

Từ giữa năm 2017 Quang biến mất một các kỳ quặc, không kèn không trống. Nói theo thơ Bút Tre là:

Tin đâu tin những bàng hoàng

Chủ tịch còn thấy chuyển sang vô hình

Ngày 17.5.2017 Quang ký quyết định tước quốc tịch và trục xuất giáo sư Phạm Minh Hoàng về Pháp, ngày 26.5.2017 báo chí còn đăng hình Quang thăm và tặng quà thương binh tại trạm điều dưỡng Kim Bảng. Thế nhưng đến ngày Thương binh liệt sĩ 27.7.2017 thì Quang biệt tích.

Buổi lễ chính thức tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, có đầy đủ các quan chức lãnh đạo đương nhiệm lẫn mãn nhiệm nhưng không ai thấy bóng dáng Quang. Chỉ thấy Nguyễn Phú Trọng và ông Nguyễn Xuân Phúc, không thấy mặt Chủ tịch nước. Vào lăng Hồ Chí Minh cũng hai ông Trọng và Phúc.

Việc này làm dấy lên tin đồn về bệnh tình của Quang, mãi cho đến khi Quang xuất hiện vào tháng 10 tại Sài Gòn. Ngày 13.10.1017 VnExpress đăng bản tin của Tuyết Nguyễn: “Cử tri TP HCM quan tâm sức khỏe của Chủ tịch nước Trần Đại Quang”:

“13h45 ngày 13.10, Chủ tịch nước Trần Đại Quang dẫn đầu tổ đại biểu Quốc hội TP HCM đến Quận uỷ quận 3 để tiếp xúc cử tri các quận trung tâm. Khán phòng khá rộng, song chật ních người tham dự. Trong chiếc áo cộc tay sáng màu, quần âu đen, ông Quang tươi cười, bắt tay nhiều cử tri lớn tuổi. Cả khán phòng đồng loạt vỗ tay.

Ông Trương Văn Bình (ngụ quận 3) giọng hồ hởi, cho biết trước khi đi họp rất băn khoăn về sức khỏe của Chủ tịch nước, bởi nhiễu thông tin ở bên ngoài. “Tôi biết chắc là thông tin không chính thống. Tôi đã chờ đợi rất lâu, từ trước ngày 2.9 nhưng chưa có ai phản bác. Giờ thấy Chủ tịch nước mạnh khoẻ hồng hào, đến đây lo cho nước cho dân, tôi rất xúc động. Ông xuất hiện đã cho chúng tôi niềm tin và sức mạnh”!”

Nhưng Quang xuất hiện mấy tiếng đòng hồ rồi lại biệt tích, suốt mấy tháng trời.

Mãi đến ngày 5.5.2018 báo Tuổi Trẻ lạ đề cập đến Quang, tuy nhiên lại là tin vắng mặt “Chủ tịch nước xin phép vắng mặt ở buổi tiếp xúc cử tri TP. HCM”: “Do bận công tác và đang chuẩn bị cho Hội nghị trung ương 7 sắp diễn ra nên đại biểu Trần Đại Quang đã báo cáo, xin phép được vắng mặt”.

Đầu tiên là do bận nhưng mấy tháng sau thì mới thú nhận là do sức khỏe. Báo Thanh Niên ngày 21.09.2018 dẫn lời ông Nguyễn Quốc Triệu, Trưởng ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe T.Ư, “Chủ tịch nước Trần Đại Quang mắc một căn bệnh virus hiếm gặp và độc hại, thế giới chưa có thuốc trị dứt điểm”.

 Cũng theo tin này thì ngày 25.7.2017 Trần Đại Quang đã đi Nhật chữa trị và sau đó còn đến Nhật năm lần nữa.

Nhưng bác sĩ Nhật cũng bó tay, dẫu sao thì họ cũng giúp Quang đủ khỏe để “viết thư chúc thiếu nhi” ngay trước khi qua đời!

Bộ máy tuyên truyền của cộng sản dường như chưa đủ khôn ngoan để rút ra bài học này, thậm chí còn dại dột vạch áo cho thiên hạ xem lưng!

Vạch áo phơi lưng

Đó là nội dung trong bài “Cảnh báo về thông tin xuyên tạc vấn đề sức khỏe của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng” đăng trên trang nguyenxuanphuc.org đã nói ở trên, thể hiện qua lời “khẳng định”:

Trước đây nguyên Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Đại tướng Phùng Quang Thanh, nguyên Chủ tịch Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh, hay chính Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng… cũng từng bị lan truyền tin tức bịa đặt về tình trạng sức khỏe”.

Chỉ trừ trường hợp tin Phùng Quang Thanh bị gây nhiễu vì một tờ báo mạng lá cãi tại Mỹ muốn câu view nên bịa tin Thanh bị “ám sát”, các thông tin về sức khỏe của Quang và Thanh đều chính xác.

Càng nhắc lại vụ Trần Đại Quang và Nguyễn Bá Thanh, càng khiến công chúng tin rằng các “tin đồn” về bệnh tật của Nguyễn Phú Trọng là có cơ sở sự thật!

Ngày 9.1.2015 Nguyễn Bá Thanh đã mang tấm thân tàn về lại Đà Nẵng như giữa sự lúng túng thấy rõ của giới lãnh đạo đảng. Vì trước đó, trong cuộc họp định kỳ của chính phủ, giới lãnh đạo thi nhau lên tiếng đòi hỏi phải “kiểm soát” những thông tin chia rẽ nội bộ” và “bôi nhọ lãnh đạo” và khẳng định là ông Thanh đã hồi phục.

Sự việc xãy sau một loạt các trận bão thông tin:

  • 10.9. 2014, RFA dẫn tin một bác sĩ cho biết Thanh “bị nhiễm phóng xạ và cần phải ghép tủy”, phải sang Mỹ điều trị. Bệnh viện Mỹ chẩn đoán đúng như chẩn đoán của bệnh viện C Đà Nẵng: nhiễm phóng xạ nên bị suy tủy, không sinh được hồng cầu và tiểu cầu, phải truyền máu liên tục.
  • 30.10. 2014, Phó ban Nội chính Trung ương Nguyễn Doãn Khánh tuyên bố Thanh nằm bệnh viện ở nước ngoài nhưng “vẫn điều hành công việc thông qua thư ký và liên lạc qua điện thoại.”
  • 2.1.2015 blog tên là Chân dung quyền lực (CDQL) thông báo Thanh sắp về Việt Nam, và đưa ra chính xác ngày giờ về, khẳng định Thanh bị đầu độc phóng xạ. (CDQQL) cùng hình ản tàn tạ dến thảm hại của Thanh. Tin đồn lan tỏa trở nên phổ biến tại Việt Nam.
  • 7.1.2015, Ban Bảo vệ Chăm sóc sức khỏe cán bộ trung ương (BBVCSSKTƯ) cùng Ban Tuyên giáo trung ương (BTGTƯ) – nghĩa là “đảng” – mới vội vả tổ chức họp báo để bác bỏ tin đồn “bị đầu độc”, cho biết ông Thanh chỉ bị “rối loạn sinh tuỷ”.
  • 12.2.2015, Thanh bị hôn mê sâu, phải thở máy, thể trọng chỉ còn 30 kg.
  • 13.2. 2015, Thanh trút hơi thở cuối cùng tại nhà riêng.

Như vậy giữa thái độ che giấu như bọn ăn vụng và những tin đồn, đâu là “thông tin đen tối” và đâu là “ánh sáng sự thật”, đâu là “tin tức bịa đặt về tình trạng sức khỏe”?

Giả vờ khỏe để làm vua

Thói thường, lãnh tụ đảng nào cũng không chịu về hưu sớm mà nằng nặng ở lại để tiếp tục làm vua, gọi “hy sinh” hay “cống hiến”. Nhưng muốn vậy thì ngòai phe phái mạnh, che giấu những tỳ vết thật kín, điều kiện quan trọng là phải có sức khỏe: muốn hy sinh, muốn cống hiến thì cũng phải khỏe mới có thể làm được. Do đó, để đánh nhau, dìm nhau, các phe phái trong đảng rất chú ý đến yếu tố sức khỏe này.

Để tiến hành đại hội đảng toàn quốc thì các tổ chức gồm “Tiểu ban Nhân sự”, “Ban Tổ chức Trung ương” và Hội đồng kiểm tra trung ương sẽ tiến hành kết luận tình hình sức khỏe của các nhân vật thuộc diện “quy họach” vào Trung ương đảng và Bộ chính trị.

Lịch sử đại hội ĐCSVN cho thấy đây là một bãi chiến truờng phức tạp, bởi lẽ nếu không công kích vào lý lịch, đời tư hay năng lực của đối thủ, hoặc do các yếu tố này chưa đủ “ép phê”, các phe phái sẽ nhắm vào sức khỏe. Dĩ nhiên, thừa hiểu được đòn này, các ủy viên sắp nuôi mộng làm vua hay tiếp tục làm vua sẽ chăm chăm che giấu hồ sơ bệnh lý của mình.

Trong cuốn Bên thắng cuộc nhà báo Huy Đức đã đưa ra nhiều thông tin thú vị về trò đấu đá bằng hồ sơ sức khỏe này. Vì giấu bệnh, không chịu đi khám, không chịu chữa bệnh công khai, chỉ lén lúi chữa bằng thuốc nam để chờ qua đại hội, nhiều lãnh tụ đảng đã chết bất đắc kỳ tử.

Trong Đại hội VIII vào năm 1996, chỉ vì giấu bệnh chờ làm Bộ trưởng Ngoại giao, ông Lê Mai đã chết đột ngột còn Nguyễn Đình Tứ thì đột tử trước khi nhậm chức ủy viên bộ chính trị. Ông Lê Xuân Tùng (Bí thư thành ủy Hà Nội 1996 – 2000) đã bị tai biến mạch máu nào, một chân gần bị liệt vẫn khẳng định là đang rất khỏe. Ông Lê Minh Hương giấu bệnh tiểu đường nặng để và đã chết giữ lúc đang làm Bộ trưởng công an vào năm 2004.

Tình trạng giấu bệnh hoặc không chịu nhận mình mắc bệnh của giới lãnh đạo cộng sản rất nhiều.

Viện trưởng Viện Mác Lê-nin kiêm Trưởng ban Ban Tuyên huấn Trung ương Đào Duy Tùng bị ung thư nhưng vẫn nuôi mộng làm tổng bí thư, cố bám vai trò Trưởng Ban Văn kiện của Đại hội cho đến khi não bị di căn, chết bất đắc kỳ tử vào năm 1998. Huy Đức trích lời Hà Đăng, Tổ trưởng Tổ Biên tập Văn kiện: “Trong nhiều cuộc họp, cả trong một vài cuộc tiếp xúc, thấy anh (Đào Duy Tùng) có những lúc lim dim, chừng như lơ đãng… Sau Hội nghị Trung ương 10, Tổ Biên tập Văn kiện chúng tôi họp lại trên cơ sở tiếp thu những ý kiến của Trung ương, sửa chữa lần cuối bản Dự thảo Báo cáo chính trị. Tôi thay mặt Tổ trình bày nội dung và cách sử. Anh vẫn lim dim. Và khi tôi trình bày xong, anh đặt một vài câu hỏi, lại chính là những điều tôi vừa nói”. Tháng 5.1996 Tùng xuống Hải Phòng chỉ đạo đại hội Thành ủy để cũng cố vây cánh, giữa lức phát biểu thì bị đột quỵ rồi từ đó bị bất tỉnh cho đến khi chết.

Đại tướng Bộ trưởng Quốc phòng Đoàn Khuê thì giấu bệnh ung thư hạch để chờ làm chủ tịch nước qua lời Nguyễn Văn An (chủ tịch quốc hội): “Khi chuẩn bị nhân sự chủ chốt, ông Lê Đức Anh vẫn giới thiệu Đoàn Khuê làm chủ tịch nước và Thường vụ không có ai phản đối. Tôi gặp anh Đỗ Mười nói Đoàn Khuê bị ung thư đấy, anh Mười nói: Đoàn Khuê nói với tao, uống tam thất nó tan hết rồi mà. Đoàn Khuê còn vạch bụng cho tao xem. Tôi bảo: thưa anh, theo chuyên môn thì đấy là khối u nó chạy chứ không phải tan đâu ạ”.

Và đây là lời của Giáo sư Vũ Bằng Đình, viện trưởng Quân Y 108 kiêm phó chủ tịch Hội đồng Bảo vệ sức khỏe Trung ương: “Chúng tôi phát hiện Đoàn Khuê bị ung thư hạch rất sớm. Sau khi bí mật hội chẩn trên cơ sở các mẫu xét nghiệm mà không cho biết là của ai, tất cả các chuyên gia trong nước đều khẳng định đấy là ung thư hạch. Tôi đích thân trên dưới mười lần đến năn nỉ ông vào bệnh viện. Biết khi ấy ông Lê Đức Anh đang giới thiệu Đoàn Khuê kế vị, tôi trấn an ông: nếu anh đồng ý để chúng tôi chữa trị kịp thời thì anh không những có thể sống thêm một thời gian dài mà còn có sức khỏe để đảm đương những nhiệm vụ quan trọng hơn. Nhưng ông Đoàn Khuê vẫn phủ nhận kết quả hội chẩn và chỉ thị cho tôi phải báo cáo Hội đồng Bảo vệ sức khỏe Trung ương là ông chỉ bị viêm hạch. […] Tôi và bác sỹ Nguyễn Thế Khánh cùng ký vào bệnh án, bí mật báo cáo lên Bộ Chính trị”.

Huy Đức thuật:

‘Theo ông Nguyễn Văn An: “Sau khi anh em đưa cho tôi bệnh án của Đoàn Khuê: ung thư gan giai đoạn ba, chỉ có thể kéo dài cuộc sống không quá một năm, họp Thường vụ Bộ Chính trị, tôi đưa vấn đề sức khỏe ra, ông Đoàn Khuê vẫn cãi. Tôi phải công bố bệnh án”. Đoàn Khuê đập bàn tuyên bố: “Tôi là người khỏe mạnh, chúng nó phá. Tôi sẽ cho hai thằng đó nghỉ”. Đại tá Vũ Bằng Đình nhớ lại: “Cả tôi và anh Lê Thi, bí thư Đảng ủy Viện 108, nhận được quyết định nghỉ ngay lập tức”. Không chỉ “lỡ cơ hội” trở thành nguyên thủ quốc gia, bệnh tình Đoàn Khuê tiến triển xấu từng ngày. Cuộc sống của ông chỉ còn sáu tháng thay vì một năm như dự đoán. Ngày 16-1-1998, Tướng Đoàn Khuê chết.”’

Thay lời kết

Việc Nguyễn Phú Trọng “mạnh khỏe”, có thể “gởi điện chúc mừng” hai quốc gia có quan hệ “thường thường bậc trung” là Bắc Hàn và Indonesia nhưng lại trách mặt không tiếp phái đoàn Thượng Viện Mỹ, cho thấy sự “mạnh khỏe” này rất đáng ngờ, Và rõ ràng phải có ai đó can dự trong trò “nhân sự tiền đại hội” thò tay vào, hay ít ra những nạn nhân sắp tới trong chiến dịch “đốt lò” thò tay vào, thông tin về vụ tai biến của Trọng mới loan ra trên mạng xã hội như vậy.

Sau ông Thanh là ông Quang, phải chăng sau ông Quang thì đến lượt ông Trọng?

Lê Trọng Hiệp

Related posts