Hành trình một đời người

Tôi đọc Nguyễn Đình Toàn ngay từ tập truyện đầu tay của ông, “Chị Em Hải,” 1961, thời còn cắp sách đến trường, hồn cũng như lòng còn rất tinh khôi.

Thời gian trôi qua đã lâu, tôi không nhớ nội dung truyện nhưng tôi không quên không khí truyện. Thật đẹp. Thật dịu dàng. Thật ấm áp. Như một thứ nhan sắc chỉ gặp một lần là ghi nhớ mãi. Tôi biết ơn sự may mắn trong vài giây cuối cùng này vì chỉ chưa đầy một năm ngắn ngủi sau đó, tôi bước vào cuộc hôn nhân đầy bão tố. Từ đây, sách, truyện, báo chí, với tôi, trở thành cấm địa. Tôi như con cá ngáp trong bồn nước thiếu dưỡng khí. Là người, tôi đã sống nhờ hồi tưởng.

Cuối thập niên 1990, tôi vui mừng nghe tin ông cùng gia đình tới Mỹ, định cư ở Quận Cam sau 23 năm kẹt lại Sài Gòn, trong đó có hơn 10 năm tù đày dưới chế độ mới. Tôi cũng nghe tin ông bế môn tạ khách, sống bình lặng theo ý riêng nên nghĩ thầm hẳn là rất khó để được diện kiến ông.

Đầu thập niên 2000, một thân hữu giúp ông ra mắt CD đầu tiên ở hải ngoại “Hiên Cúc Vàng,” tại vũ trường Majestic, thu hút một lượng khán thính giả đông vượt bực chưa bao giờ ngừng hâm mộ ông, trong đó có tôi và bạn bè tôi. Quả nhiên, ông không xuất hiện. Tôi đoán là ông chưa sẵn sàng cho một môi trường thù tạc mà ông xa lánh đã quá lâu.

Mãi sau này, khi ông chuẩn bị gửi ra độc giả bộ “Bông Hồng Tạ Ơn” gồm hai cuốn (2006/2012) và tôi bất ngờ được hân hạnh ông cho phép bày tỏ đôi chút cảm nghĩ của mình nhân dịp này, tôi mới thực sự biết ông trong đời thường.

Hiền thê của ông, bà Thu Hồng, đi bên ông như bóng với hình. Bà có khuôn mặt trái soan, đôi mắt bồ câu long lanh và làn môi như đóa hồng hàm tiếu. Lần đầu gặp nhau, vẻ hồn nhiên và nụ cười thật tươi trên môi bà lập tức cho tôi sự yên tâm và cả cái tình ấm áp, dịu dàng của “Chị Em Hải” ngày nào. Chúng tôi chuyện trò râm ran bên tách cà phê tối và tôi nhận được tấm hình lồng khung rất lịch sự, chụp trong buổi giới thiệu “Bông Hồng Tạ Ơn” để làm kỷ niệm.

Nhiều năm sau này, biết tin bà mắc bệnh quên lãng, không còn lái xe nữa, tôi hay theo Nhã Lan, thỉnh thoảng có thêm một bạn văn từ xa về, đến thăm ông bà tại căn chúng cư tọa lạc trong một khu yên tĩnh thuộc thành phố Westminster. Dù tiến triển chậm so với các trường hợp tương tự, bà ngày một mất dần khả năng tự chủ của một người trưởng thành và trở lại như trẻ thơ. Lần mới nhất chúng tôi đến thăm ông bà, bà vui cười, cung hai nắm tay dứ dứ về phía tôi như trẻ con vẫn dọa nhau, khiến ông khẽ lắc đầu và cũng cười theo cùng với lời giải thích bao dung và hiền hậu: “Có biết gì nữa đâu? Cứ như con nít vậy thôi!”

Trong căn nhà nhỏ ở xứ người với bàn ghế, đồ đạc cũ kỹ, đủ cho sinh hoạt hằng ngày của ông bà, họ có một thế giới thu hẹp từ những khoảng không gian bao la thuở xưa chứa đầy kỷ vật: hình ảnh, CD, sách, tài liệu văn học, nhiều tập nhạc thủ bút của tác giả chưa vội gửi ra. Có cái gì ở đây làm tôi liên tưởng tới “Căn Nhà Xưa” của họ, với những “sớm mai nằm nghe nắng giòn trên mái, có giếng nước soi trời trong, có gió mát đêm bình yên, có những tháng năm buồn tênh, khốn khó quyết nuôi tình duyên đã trốn thoát qua nhiều phen.” Chỉ thiếu khu vườn cải và những liếp hoa vàng.

Ở ông giờ đây, tôi thấy trong ánh mắt luôn thấp thoáng nét cười “Một Ngày Sau Chiến Tranh” không còn chỗ cho máu đổ xương rơi, cho người đầy đọa người, cho oán thù hay căm phẫn dày xéo lương tâm nhau mà chỉ còn hòa bình và yêu thương, bắt đầu từ nội tâm mình. Ở ông, tiếng cười ngắn, chân thực, tận lực, đã cất giùm người đối diện nỗi đau trong lòng họ, đã cho họ sự khôn ngoan của chiếc lá mềm đánh đổi màu xanh sẽ úa vàng lấy hương nồng thơm mãi đến ngàn sau.

Một số tác phẩm của nhà văn, nhà thơ và nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)

Bạo lực bỏ tù văn chương của ông, ông buông bút. Bởi vì khi cần, bút trở thành vũ khí. Ông không chỉ có một con đường hãm hại hay phục thù. Ông có nhiều sinh lộ. Ông chọn cầm đàn. Âm nhạc không tàn sát ai cả mà hát lên sự khốn cùng của đời sống không niềm tin, không tình yêu.

“…Hãy thắp cho anh một ngọn đèn/ Dù tình đời mong manh/ Lòng chẳng còn trông mong gì nữa/ Hãy thắp cho anh một ngọn đèn/ Để một mình trong đêm/ Anh tưởng nhìn ra em còn hơn/ Cố thắp cho em một ngọn đèn/ Bằng lửa sầu tim anh/ Một ngọn đèn lênh đênh ngày tháng/ Cố thắp cho em một ngọn đèn/ Dù mệt nhoài trông ngóng/ Để nhủ lòng gắng nuôi niềm tin/ Cố thắp cho em một ngọn đèn/ Bằng nhọc nhằn cay đắng/ Bằng hình hài rã trong trại giam/ Cố thắp cho em một ngọn đèn/ Dù lửa tàn trong anh/ Không còn đủ khêu thêm đèn sáng/ Cố thắp cho em một ngọn đèn/ Để dù trong xa vắng/ Em còn được cháy trong lòng anh…”

Có một thời, tôi đã mồi lửa từ ngọn đèn hiu hắt nhưng không chịu tắt của Nguyễn Đình Toàn để thắp lên ngọn đèn cạn dầu trong tôi những ngày lênh đênh quê nhà, quê người, nên tôi biết ơn ông. Ông có tài năng đã đành nhưng lớn lao hơn cả tài năng, ông có trái tim mẫn cảm chan hòa thiện ý. Ông biết buông bỏ để thu nạp nhiều hơn và đem trang trải cùng thiên hạ. Những gì ông nói ra, viết xuống, hát lên là của riêng ông, không thể lầm lẫn với ai, không vay mượn ai kể cả cuộc đời ông từng đi qua với niềm đam mê cháy lòng và những khao khát yêu thương đến vô biên.

Nhắc đến ông, một người bạn lâu năm của tôi ở xứ sương mù, giá rét, quanh năm mùa Đông, đã nói những lời thiết tha như sau: “Phải nhận là chúng ta đã quá may mắn để được sống cùng thời với Nguyễn Đình Toàn. Ngôn ngữ của ông sang trọng, tinh tuyền, đẹp đến nỗi không la đà cùng khung nhạc mà bay bổng, mà lan tỏa, mà thấm vào những tầng cảm xúc sâu thẳm nhất trong tôi… ‘Ngày thần tiên em bước lên ngôi…’ Cảm ơn ông về một quãng đời xa hoa, lộng lẫy, nhìn đâu cũng thấy tình ca.”

Ông đã đi gần hết cuộc hành trình một đời người trên địa cầu, qua nhiều hạnh phúc và khổ đau, qua nhiều vinh quang và nhọc nhằn, giờ đây “mộng ước đã xa xôi, theo giòng đời trôi,” ông không giữ lại gì cho ông, trong những bước chân chiều chầm chậm đi dưới những tàu chuối tả tơi trong khu vườn nơi ông ở nhưng tôi tin rằng mỗi người biết ông đã giữ giùm ông một chút gì ông tạo ra và để lại. Mỗi người biết ông sẽ còn buồn vui cùng ông bằng nước mắt, bằng tiếng cười vượt qua mọi tang thương nghiệt ngã với một trái tim trong trẻo và một tâm hồn cao thượng. Sẽ không ngồi trong bóng đêm nguyền rủa tối tăm mà “Cố thắp lên một ngọn đèn” để xua đuổi tối tăm, để hồi sinh những bông hoa nở trên huyệt mộ và những mảnh đời ngỡ đã chôn sâu:

“Có tay nào che nổi trời mưa
Cho vai đừng ướt nặng
Hãy nói với đêm khuya
Một lời nói nhỏ
Tình là chi mà nhiều khi chôn được ở lòng ta
Tình là chi mà nhiều khi chôn lại nở thành hoa.”

Gặp ông nhiều lần nhưng chưa lần nào tôi nhớ hỏi ông lý do nào ông kẹt lại Sài Gòn hơn 20 năm? Bây giờ tôi sẽ không hỏi nữa mà nghĩ rằng những người hâm mộ ông, yêu thơ nhạc của ông, đã mắc nợ ông món nợ đau thương to lớn ấy bởi vì người nghệ sĩ không gánh vác khổ đau riêng mình mà gánh vác cả tội lỗi lịch sử thời đại mình khi sống thay cho đồng loại.

Ôi, một ngày sau chiến tranh ở miền Nam vừa đổi chủ, càng có nhiều hơn những xác người vật vờ đi trong thành phố, trên các cánh đồng khô nhà nông không còn cấy mạ, ruộng không còn thấy lúa màu xanh, người dân đốt đèn thả trôi trên sông không để cầu nguyện cho linh hồn kẻ đã khuất mà cho những phận người đang sống trầm luân. “Hãy thắp cho anh một ngọn đèn/ Một ngọn đèn trăm năm/ Rồi thả đèn trôi trên dòng sông/ Như tháng giêng trong đêm nguyệt rằm/ Người thả đèn trôi sông/ Cầu nguyện cho những ai trầm luân…”

Bên ngoài con đường vắng vẻ đưa vào căn hộ biệt lập nơi ông và gia đình cư ngụ suốt hai thập niên qua, dòng sống hối hả, xô bồ, nhộn nhịp của nước Mỹ vẫn tiếp diễn như một dòng cuồng lưu, nuốt trọn thời gian tranh sống của mỗi cá nhân. Bao nhiêu người như kẻ viết bài này, hằng ngày ngược xuôi trên các con lộ xe cộ như mắc cửi, vẫn còn thấy mình tay trắng vật vã đi tìm những điều nghĩ là cần thiết nhưng thật ra có ý vị gì đâu nếu đã không được lớn lên, cũng 20 năm, dưới hai chế độ Cộng Hòa đã đóng góp cho đất nước, ngoài máu xương bảo vệ tự do, một nền văn học nghệ thuật rực rỡ đề cao các giá trị nhân bản, để chúng ta hãnh diện mang theo làm chính nghĩa khi bỏ nước ra đi vì các giá trị cao quý ấy bị cưỡng đoạt và triệt hạ.

Chiều hôm nay trong khi lướt mạng, tôi tình cờ đọc được một câu trích dẫn của Tryon Edwards, nhà thần học người Mỹ nổi tiếng với các bộ sưu tập lời hay/ý đẹp, nói về bài học từ một chiếc lá vàng, đối với tôi thật có ý nghĩa vào lúc này: “Do your work well and then be ready to depart when God shall call” (Hãy sống hết sức mình rồi sẵn sàng lìa cành khi Thượng Đế gọi). Có lẽ nó giải thích cho tôi và nhiều người nữa, thắc mắc không hiểu tác giả Nguyễn Đình Toàn ngụ ý gì khi ông hạ bút viết lời cho bản nhạc “Anh Đến Thăm Em Đêm Ba Mươi” của Vũ Thành An, có câu: “Xin chiếc lá vàng làm bằng chứng yêu em?” Ông có tự ví mình với chiếc lá vàng trong ngụ ngôn của Tryon Edwards không?

Viết về một nghệ sĩ lớn, có những cống hiến đáng kể về mặt nghệ thuật và nhân sinh qua một bài viết có giới hạn, chỉ xin được viết ở một góc độ nhỏ với những chia sẻ nhỏ vì rất khó để phác họa một chân dung đầy đủ về họ. Viết về nhà văn/ nhà thơ và nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn, tôi thực sự không biết bắt đầu và kết thúc thế nào? Con đường ông đi trong vô thủy vô chung, những khoảnh khắc hiếm hoi gặp gỡ cũng xin còn mãi mãi lưu hương.

Bùi Bích Hà

Related posts